Phản ứng chính sách, pháp luật được chú trọng kịp thời
Trong năm 2016, việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực. Đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu, nhiều văn bản ngành Tư pháp chủ trì xây dựng hay thẩm định đều có sự nghiên cứu rất thấu đáo để đưa ra các chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) … với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân; tạo môi trường minh bạch, thuận lợi trong đấu giá tài sản, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Việc thẩm định VBQPPL, đặc biệt là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ. Toàn ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 11.885 dự thảo VBQPPL (tăng 24,7% so với năm 2015), đặc biệt là Bộ Tư pháp đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thẩm định đối với 50/50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, với việc đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc phản ứng chính sách, pháp luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất đã được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện kịp thời hơn. Những vấn đề trái quy định, gây cản trở đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi” tương đối kịp thời.
Lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ nghị định, văn bản hướng dẫn những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, trong kết quả đó, có vai trò rất lớn của Bộ Tư pháp.
Mặt khác, công tác theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng, gắn với các sự kiện, các “điểm nóng” được dư luận quan tâm. Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật tại một số bộ, ngành và địa phương, qua đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III. (Ảnh: TH)
Năm 2016 là năm thứ tư cả nước có Ngày Pháp luật. Sau 4 năm, Ngày Pháp luật đã trở nên gần gũi, thân thuộc với nhiều tầng lớp nhân dân, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm 2016 là Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III.
Năm 2016 cũng để lại những dấu ấn đậm nét trong công tác thi hành án dân sự. Đó là năm đầu tiên toàn hệ thống thi hành đạt 4 chỉ tiêu quan trọng Quốc hội giao; trong đó nhiều vụ án liên quan đến tín dụng ngân hàng, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, góp phần khơi thông dòng chảy tín dụng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
Hướng đến sự hài lòng phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng là một trong những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2016 của ngành Tư pháp. Luật Hộ tịch mới với nhiều quy định thông thoáng, đơn giản về thủ tục, rút ngắn về thời gian, đặc biệt là việc phân định mới về thẩm quyền đăng ký hộ tịch cho cơ sở đã giúp người dân bớt số lần đi lại, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian.
Đặc biệt, sau thành công thí điểm giai đoạn 1 phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại 4 tỉnh, thành phố, ngành đã tiếp tục triển khai thí điểm giai đoạn 2, mở rộng địa bàn áp dụng phần mềm tại 7 tỉnh. Đến nay, hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân cho hơn 276.000 trường hợp, được người dân đánh giá cao với nhiều tiện ích do việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại.
Cùng với hộ tịch, đến nay, cơ bản các tỉnh đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phương thức cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) qua dịch vụ bưu chính, thực hiện phương thức đăng ký cấp Phiếu LLTP trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại của người dân.
Để tiếp tục thực hiện cải cách hành chính có hiệu quả, Bộ Tư pháp đã thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của Bộ đối với lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm để nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức, qua đó có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ công.
Bên cạnh các kết quả nêu trên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận chất lượng một số VBQPPL chưa cao, còn có sai sót; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn; phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự gắn với trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong thi hành án dân sự (THADS), số việc và tiền có điều kiện chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều, vi phạm pháp luật trong công tác THADS có chiều hướng gia tăng…
Tuy nhiên, một năm nhìn lại, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và cũng là năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới, có thể thấy với kết quả công tác của Bộ, ngành Tư pháp đã góp phần quan trọng vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội của đất nước; đồng thời củng cố và nâng cao vị thế của Bộ, ngành Tư pháp trong hệ thống chính trị.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” thể chế, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tư pháp cần chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, minh bạch, khả thi, giảm thủ tục hành chính, các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017. (Ảnh: TH)
Thủ tướng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: “Làm thế nào để Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành Tư pháp mạnh lên, đúng với vị trí, vai trò, nhiệm vụ được giao trong bối cảnh chúng ta thực sự chú trọng công tác xây dựng, thực thi thể chế, Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật…”.
Để thực hiện nhiệm vụ đưa ngành Tư pháp mạnh lên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong thông điệp đầu năm mới nhắc nhở công chức trong toàn ngành phải khách quan, công tâm trong thực thi công vụ với vai trò là người “gác cổng” trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần “tránh cài cắm lợi ích cục bộ”.
“Chúng ta chỉ cần làm tốt những công cụ luật định, những thẩm quyền được giao theo chức năng, nhiệm vụ của ngành đã có thể giúp ích rất nhiều vào việc xây dựng một hệ thống thể chế tốt, qua đó giúp ngành Tư pháp mạnh lên”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Tuy nhiên, điều mà Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh vẫn là yếu tố con người trong sứ mệnh đưa ngành Tư pháp mạnh lên, trong đó cần phát huy cao nhất khát vọng cống hiến và sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức ngành Tư pháp.
Trong nhiều nỗ lực thực hiện tốt thông điệp của Thủ tướng Chính phủ “xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp” và nhiệm vụ đưa ngành Tư pháp mạnh lên, Bộ Tư pháp cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, một nhiệm vụ quan trọng nhất, cơ bản nhất của Chính phủ kiến tạo phát triển; tập trung xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn.
Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Phải có quyết tâm mạnh mẽ chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp”.
Sự đánh giá, hài lòng của người dân, xã hội với những việc ngành Tư pháp đã đạt được sẽ là một trong những động lực quan trọng để ngành Tư pháp tiếp tục đổi mới, phát triển ngày càng lớn mạnh!