Cần sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước

Thứ năm, 22/12/2022 10:15
(ĐCSVN) - Việt Nam là một trong 4 nước ở Châu Á thường chịu ảnh hưởng bởi biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) do các nước áp đặt. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao khả năng ứng phó với việc bị áp đặt PVTM, thì Việt Nam cũng cần sử dụng hiệu quả cung cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất ở trong nước.

Phòng vệ thương mại (PVTM) là chủ đề đã được đề cập từ lâu nhưng vẫn không hề cũ. Nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ PVTM ở Việt Nam là câu chuyện có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển và tương lai của nhiều ngành sản xuất của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Trong đó, việc nâng cao hiểu biết, kỹ năng của doanh nghiệp từ đó tăng cường hiệu quả sử dụng các công cụ PVTM được phép và hợp pháp trong khuôn khổ WTO, để đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc gây thiệt hại từ hàng hóa nước ngoài là đặc biệt quan trọng. Để làm rõ chủ đề này, phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương).

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) 

VIỆT NAM CẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC ỨNG PHÓ VỚI CÁC BIỆN PHÁP PVTM CỦA NƯỚC NGOÀI…

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự chủ động và năng lực của doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng trong việc ứng phó với các vụ kiện PVTM từ nước ngoài tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam?

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương): Việc nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp thuộc những nhóm ngành hàng thường xuyên là đối tượng điều tra PVTM như các mặt hàng thép, thủy sản, gỗ... đã được nâng cao. Đã có những doanh nghiệp đã coi việc điều tra PVTM là một hoạt động bình thường trong thương mại quốc tế, do đó một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng phòng ban, đội ngũ nhân sự chuyên môn hóa cho việc xử lý các vụ việc PVTM. Hiệp hội và doanh nghiệp thuộc các ngành hàng trên đã có kinh nghiệm chuẩn bị và ứng phó với các vụ việc PVTM do các quốc gia thường hay áp dụng biện pháp điều tra PVTM (Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ…) như:

(i) chủ động thành lập ban pháp chế trong nội bộ công ty và/hoặc thuê luật sư tư vấn để chuẩn bị ứng phó với các vụ việc;

(ii) chủ động hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc phục vụ cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra;

(iii) phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt thời gian diễn ra vụ việc.

Phóng viên: Khi theo đuổi 1 vụ kiện PVTM do nước ngoài khởi kiện, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những khó khăn nào thưa Ông? 

Ông Chu Thắng Trung: Nhìn chung, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam sẽ đối mặt với một số hạn chế khi bị nước ngoài điều tra PVTM. Do Việt Nam đang trong quá trình hội nhập thương mại quốc tế nên nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa nắm rõ về pháp luật PVTM, các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia vào các vụ việc điều tra về PVTM. Bất cập hiện nay của nhiều doanh nghiệp đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có những hiểu biết về luật pháp, để có thể theo dõi, chuẩn bị ứng phó một cách linh hoạt; hệ thống sổ sách kế toán, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu còn chưa hoàn thiện. Việc tham gia điều tra đòi hỏi các doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực tài chính cũng như con người trong thời gian khá lâu (thường là hơn 01 năm). Ngoài ra, còn có những trở ngại khác như ngôn ngữ khi các thông tin liên quan đến vụ việc đều sử dụng tiếng bản địa, những yêu cầu về hợp pháp hóa lãnh sự, cung cấp nhiều thông tin, số liệu, tài liệu... phục vụ điều tra trong thời hạn ngắn từ cơ quan điều tra nước ngoài…

Phóng viên: Qua những vụ việc đã xảy ra, tổn tại 1 thực tế là: khi mà chính sách bảo hộ gia tăng dẫn tới các yêu cầu khắt khe hơn, đặc biệt là về quy tắc xuất xứ. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này thì hàng hóa Việt Nam rất dễ bị kết luận là đang lẩn tránh thuế, lẩn tránh biện pháp PVTM. Ông có thể chia sẻ thêm về thực trạng này?

Ông Chu Thắng Trung: Để hiểu về thực trạng điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM, ta cần hiểu một số ngành hàng của Việt Nam hiện đang có sự gia tăng xuất khẩu nhanh chóng trong vài năm gần đây, trong đó có những mặt hàng đang là đối tượng bị áp thuế PVTM của nước nhập khẩu với nước thứ ba. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ việc điều tra chống lẩn tránh là do các đối tác nhập khẩu nghi ngờ hàng hóa bị điều tra chưa đáp ứng điều kiện “chuyển đổi đáng kể” tại Việt Nam. Việc xác định thế nào là “chuyển đổi đáng kể” yêu cầu thực hiện các công đoạn sản xuất tạo ra giá trị gia tăng là một vấn đề phức tạp, tùy thuộc vào từng mặt hàng cụ thể và theo quy định của mỗi quốc gia nhập khẩu có thể khác nhau. Doanh nghiệp cần không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp vì thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan, đồng thời cảnh báo các hiệp hội, doanh nghiệp về nguy cơ bị điều tra để ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác có tính chất cá biệt của một vài doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo lợi ích chính đáng của đa số các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 Biểu đồ so sánh kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng: đôi khi cần nhìn nhận việc bị áp thuế PVTM là cơ hội để ngành sản xuất trong nước thúc đẩy liên kết và chuẩn hóa quy trình sản xuất... Ông có nhận định như thế nào về ý kến trên?

Ông Chu Thắng Trung: Khi bị điều tra, áp thuế PVTM, chắc chắn sẽ có những thiệt hại ban đầu đối với ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, đối với các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng thường xuyên bị điều tra PVTM, sau mỗi vụ việc điều tra, doanh nghiệp sẽ có những kinh nghiệm tiếp xúc, va vấp với yêu cầu và tiêu chuẩn của cơ quan điều tra nước ngoài. Đây cũng là bài học để chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến PVTM trong tương lai có thể xảy ra, đồng thời tạo động lực để doanh nghiệp hoàn thiện và chuẩn hoá quy trình sản xuất, xây dựng quy trình quản trị đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, khi tiếp xúc với những vụ việc điều tra PVTM, doanh nghiệp sẽ có cơ hội nắm được quy định, tiêu chuẩn về sản phẩm của nước nhập khẩu. Ví dụ, đối với một số quốc gia thường xuyên điều tra, áp dụng biện pháp PVTM như Hoa Kỳ, quốc gia này có xu hướng gia tăng các vụ việc điều tra chống lẩn tránh nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp PVTM ban đầu. Sản phẩm nếu có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác (không phải từ quốc gia bị áp thuế PVTM ban đầu) sẽ được phép sử dụng cơ chế xác nhận để được miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Do đó, trên thực tế, kết luận của các vụ việc chống lẩn tránh sẽ không tác động nhiều tới Việt Nam nếu như các doanh nghiệp phát triển được các ngành thượng nguồn, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào và có hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (sản xuất đầu vào).

…ĐỒNG THỜI SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÔNG CỤ PVTM ĐỂ BẢO VỆ NGÀNH SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của các doanh nghiệp trong nước trong việc coi PVTM là “tấm khiên” bảo vệ chính mình tại thị trường nội địa trước sự đổ bộ ồ ạt của hàng hóa nước ngoài?

Ông Chu Thắng Trung: Sau hơn 20 năm hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế quốc tế, nhận thức của các doanh nghiệp trong nước về các công cụ PVTM nói riêng và chính sách thương mại quốc tế nói chung đã có những thay đổi mạnh mẽ.

Thực tế, những năm 2000, trước khi chúng ta gia nhập WTO, các công cụ PVTM còn rất mới đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Song hiện tại, phần lớn doanh sản xuất trong nước đã có những nhận thức khá tốt về công cụ PVTM.

Theo khảo sát năm 2013 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với cộng đồng doanh nghiệp về công cụ PVTM cho thấy sự nhận thức còn rất hạn chế khi có đến 15% doanh nghiệp được hỏi không biết về PVTM, 64% có nghe về biện pháp PVTM nhưng không hiểu là gì, chỉ có gần 20% doanh nghiệp có tìm hiểu qua về biện pháp PVTM và chỉ có 1,89% là đã tìm hiểu kỹ về biện pháp PVTM do là bên liên quan trong một vụ việc điều tra của nước ngoài.

Thông qua công tác tuyên truyền, đào tạo của Bộ Công Thương và đặc biệt là sự tham gia chủ động, tích cực của doanh nghiệp vào các vụ việc PVTM, theo khảo sát gần nhất Cục PVTM tiến hành năm 2019 để tìm hiểu về mức độ nhận thức của doanh nghiệp về PVTM đã cho thấy có những chuyển biến tích cực, cụ thể: chỉ có 11% doanh nghiệp được hỏi là không biết về biện pháp PVTM, 36% có nghe nhưng không biết sâu về biện pháp PVTM, 36% đã tìm hiểu qua về biện pháp PVTM và 17% đã tìm hiểu rất kỹ về biện pháp PVTM.

 

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng: Tâm lý ngại khởi kiện, thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành đang được xem là là rào cản trong việc sử dụng các biện pháp PVTM với hàng nhập khẩu. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Chu Thắng Trung: Đây cũng chỉ là một trong những lý do của việc các doanh nghiệp sản xuất trong nước hạn chế sử dụng các biện pháp PVTM, ngoài ra còn có một số những nguyên nhân sau:

- Nhận thức: như đã nêu trên, mức độ hiểu biết nói chung của các doanh nghiệp về PVTM vẫn còn hạn chế, việc này còn hạn chế hơn ở cấp độ ngành nghề cụ thể, do đó ảnh hưởng tới việc hợp tác, phối hợp cung cấp thông tin khi xây dựng hồ sơ đề nghị điều tra.

- Tập hợp lực lượng: Các biện pháp PVTM là để bảo vệ lợi ích hợp pháp của một ngành, lĩnh vực cụ thể. Do đó, để áp điều tra, dụng được biện pháp PVTM thì cần phải có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành nhằm đảm bảo các yêu cầu về quy định pháp lý: tính đại diện khi nộp hồ sơ, tính đại diện của ngành sản xuất trong nước…

- Thu thập dữ liệu: Việc xây dựng hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp PVTM cũng là vấn đề ảnh hưởng lớn tới việc sử dụng các biện pháp PVTM: cung cấp, chia sẻ thông tin của doanh nghiệp, thu thập thông tin về chi phí, giá bán tại nước xuất khẩu, dữ liệu nhập khẩu…

- Thời gian, hiệu quả: Vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM thường kéo dài (12-18 tháng) và doanh nghiệp phải hợp tác, cung cấp thông tin trong suốt quá trình điều tra.

- Nguồn lực: việc theo đuổi vụ việc điều tra cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực để hợp tác, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra cũng như nguồn lực tài chính để thuê đơn vị tư vấn, hỗ trợ trong quá trình vụ việc.

 

Phóng viên: Có thể thấy, trong thành công của 1 số vụ kháng kiện PVTM cũng như áp dụng biện pháp PVTM thành công của Việt Nam thời gian qua, đã thấy rõ vai trò của công tác cảnh báo sớm, để doanh nghiệp không bị động. Ông có thể phân tích rõ về vai trò này?

Ông Chu Thắng Trung: Để giúp các cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động đấu tranh chống lẩn tránh thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và hỗ trợ các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước, chủ động hơn trong việc xử lý, ứng phó với các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316). 

Hệ thống cảnh báo sớm giúp các hiệp hội nắm bắt được khả năng bị điều tra PVTM bởi nước ngoài, từ đó chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.

Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới tháng 9/2022, đã có nhiều sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, pin năng lượng mặt trời, tủ gỗ. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài. Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để đáp ứng đầy đủ, chính xác nhất các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài.

Về kết quả, các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp dù mới được triển khai nhưng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Ví dụ, trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Hoa Kỳ không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Hoa Kỳ cáo buộc 110%.   

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm theo kế hoạch triển khai Đề án 316.

Phóng viên: Trong thời gian tới, để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì thưa Ông?

Ông Chu Thắng Trung: Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần lưu ý:

- Tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra PVTM của các nước xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường mục tiêu;

- Thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Cục Phòng vệ thương mại để đề ra các chiến lược xuất khẩu phù hợp cho từng giai đoạn, đồng thời thiết lập các kênh thông tin với các đối tác, các Hiệp hội, ngành hàng để kịp thời cập nhật, xử lý các vụ kiện, tình huống phát sinh;

- Nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm, đồng thời chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp;

- Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra;

- Đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ PVTM hoặc đã từng kiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam;

- Tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp;

Trường hợp bị điều tra PVTM, để hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ các vụ việc, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp:

- Phối hợp đầy đủ, toàn diện, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài khi vụ điều tra PVTM diễn ra;

- Phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình ứng phó vụ việc để được hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông !

TD
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực