|
Pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Việt Nam có khả năng bị Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (Ảnh: Bộ Công Thương) |
Sản phẩm bị điều tra trong vụ việc này là nhóm sản phẩm pin năng lượng mặt trời có mã HS 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025 và 8501.31.8010 (theo hệ thống HS của Hoa Kỳ).
Cùng với Việt Nam, các sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a và Thái Lan cũng nằm trong nhóm cảnh báo khả năng bị điều tra.
Theo cáo buộc trong đơn yêu cầu điều tra, các doanh nghiệp tại Việt Nam, Ma-lai-xi-a và Thái Lan nhập khẩu nguyên liệu sản xuất là tế bào và mô-đun quang điện silicon từ Trung Quốc để sản xuất ra pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Nguyên đơn cho rằng hoạt động sản xuất này không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể và cần được xem là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của pháp luật Hoa Kỳ.
Mặt hàng pin năng lượng mặt trời đang bị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 15,85% đến 238,95% và thuế chống trợ cấp từ 11,97% - 15,24% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ tháng 12/2017.
Đồng thời, từ tháng 02/2018, mặt hàng này cũng đã bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ chung đối với hàng hóa có xuất xứ từ tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian áp dụng biện pháp là 04 năm.
Tháng 02/2022, Hoa Kỳ đã ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ nêu trên thêm 04 năm. Biện pháp tự vệ quy định lượng hạn ngạch nhập khẩu hàng năm vào Hoa Kỳ từ tất cả các quốc gia là 2,5 gigawatt/năm đối với tế bào quang điện. Nhập khẩu trong hạn ngạch không phải chịu thuế tự vệ, nhưng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế tự vệ từ 15% - 30%.
Đối với mô-đun quang điện, Hoa Kỳ áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung trong 04 năm với mức thuế bằng mức ngoài hạn ngạch với tế bào quang điện.
Hoa Kỳ cũng đang duy trì biện pháp CBPG và CTC với cùng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc từ năm 2012, với mức thuế CBPG là 15,85% - 238,95% và mức thuế CTC là 11,97% -15,24%.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu tăng nhanh từ tháng 6/2019. Trong 12 tháng, từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 25% trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Ngày 28/3/2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm này nhập khẩu từ Việt Nam, do cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế CBPG và CTC mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Vụ việc đang trong quá trình điều tra.
Ngày 06/6/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố tình trạng khẩn cấp liên quan đến thiếu hụt nguồn cung tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời trong nước để phục vụ sản xuất điện mặt trời, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu của Hoa Kỳ.
Tổng thống Joe Biden giao Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ xem xét có hành động phù hợp cho phép miễn thuế CBPG, CTC và thuế chống lẩn tránh thuế CBPG, CTC (nếu có) đối với các sản phẩm tế bào và mô-đun pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 04 quốc gia Đông Nam Á (gồm: Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Thái lan và Việt Nam) với thời hạn là 24 tháng kể từ ngày tuyên bố hoặc đến khi tình trạng khẩn cấp được bãi bỏ (tùy theo thời điểm nào đến trước). Hiện, DOC chưa có thông báo chính thức về nội dung này.
Pin năng lượng mặt trời là một ngành được Hoa Kỳ quan tâm và bảo vệ. Đây cũng là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, với các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, đây là mặt hàng cần tiếp tục theo dõi nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại trong thời gian tới.
Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cần theo dõi sát tình hình để có những biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định khởi xướng điều tra vụ việc./.