Chuẩn bị xem xét về phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Thứ năm, 03/11/2022 21:24
(ĐCSVN) - Dự kiến ngày 15/11/2022, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các doanh nghiệp để các bên liên quan trao đổi, trình bày ý kiến về phạm vi hàng hóa áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Sau đó, đến ngày 22/11/2022, sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai.
 Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ 21,4% đến 35,2% với bàn, ghế Trung Quốc (nguồn ảnh: Tạp chí Công Thương)

Ngày 30/9/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1991/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Ma-lai-xi-a và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc: AD16).

Cục Phòng vệ thương mại đã nhận được thông tin của một số doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng sản phẩm bàn, ghế nhập khẩu của các doanh nghiệp này không thuộc phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá theo Quyết định số 1991/QĐ-BCT.

Để có cơ sở, Cục Phòng vệ Thương mại (Cơ quan điều tra) tổ chức buổi làm việc trực tiếp để các bên liên quan có ý kiến, vướng mắc, quan tâm về vấn đề phạm vi hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá. 

Liên quan đến AD16, ngày 21/11/2022, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc. Theo quy định, tiếng nói và chữ viết dùng trong buổi tham vấn là tiếng Việt. Các bên liên quan có quyền dùng tiếng nói và chữ viết khác, tuy nhiên phải có phiên dịch từ ngôn ngữ đó sang tiếng Việt. Các thông tin, tài liệu không phải bằng tiếng Việt do các bên liên quan cung cấp phải được dịch ra tiếng Việt, đảm bảo tính trung thực, chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung được dịch thuật.

Theo Quyết định số 1991/QĐ-BCT ngày 30/9/2022 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Ma-lai-xi-a và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn.

Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Ma-lai-xi-a và Trung Quốc.

Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù có tồn tại hành vi bán phá giá nhưng do tỷ lệ nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Ma-lai-xi-a ở mức không đáng kể (dưới 3%). Vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương, hàng hóa bị điều tra từ Ma-lai-xi-a được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời.

Đối với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc, mức độ bán phá giá được xác định từ 21,4% đến 35,2% và lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra gia tăng cả về tuyệt đối và tương đối so với tổng lượng tiêu thụ nội địa và sản lượng hàng hóa tương tự của ngành sản xuất trong nước, là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước./. 

 

ĐT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực