Phòng vệ thương mại (PVTM) là công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các nước thành viên sử dụng với mục đích bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước các hành vi cạnh tranh được coi là không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu như bán phá giá hay trợ cấp từ chính phủ; hoặc trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, gây ảnh hưởng tới ngành sản xuất nội địa.
Chính vì vậy, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp PVTM cũng thường xuyên được các quốc gia trên thế giới sử dụng. Các nền kinh tế có xuất khẩu càng lớn càng dễ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM.
Thực tế là, tính đến tháng 11/2022, Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng điều tra PVTM nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 51 vụ, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá. Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông - lâm - thủy sản như: gỗ, cá tra - basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như: thép, máy cắt cỏ... thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ.
|
Cá tra - ba sa là mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại (Ảnh: VnEconomy) |
Thực tiễn này không quá bất ngờ và hoàn toàn có thể dự đoán trước, trong bối cảnh Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 10 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 93,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và Hoa Kỳ cũng là một trong những thành viên WTO tích cực sử dụng các công cụ PVTM nhất để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh của hàng nhập khẩu.
Từ năm 2022, khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát, các nước mở cửa trở lại, dự kiến thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, song song với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục phải đối diện các vụ việc điều tra PVTM của Hoa Kỳ.
Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM, hiện nay, Bộ Công Thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 12 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.
Kể từ lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7/2019 tới nay, đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra PVTM cụ thể là: gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ôtô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men. Thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã không bị động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã sớm tiếp cận với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp thông tin, giúp doanh nghiệp hiểu được các nguyên tắc, quy trình điều tra cũng như các kịch bản có thể xảy ra. Nhờ đó, năm 2021 và năm 2022 ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường: Hoa Kỳ, Canada, Australia, Ấn Độ...
Thời gian tới, để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM; đồng thời, đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các giải pháp để khắc phục khó khăn trong công tác cảnh báo sớm.
Tuy vậỵ, Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cần chủ động theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị Hoa Kỳ điều tra PVTM, điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM do Bộ Công Thương cập nhật định kỳ để xây dựng kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu phù hợp./.