Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12: Cam kết cải tổ Hệ thống giải quyết tranh chấp

Thứ hai, 07/11/2022 16:36
(ĐCSVN) - Hội nghị Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) lần thứ 12 (MC12) vừa qua đã bước đầu đạt được tín hiệu tích cực về việc cải tổ Hệ thống giải quyết tranh chấp WTO. Tại cuộc họp của Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DSB) vào ngày 30 tháng 6, đại diện các nước thành viên WTO đã tham gia vào các cuộc thảo luận nhằm đảm bảo một hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ vào năm 2024.
 Lễ khai mạc Hội nghị bộ trưởng WTO. (Nguồn: Congthuong)

Từ tháng 12 năm 2019 đến nay, Cơ quan phúc thẩm (AB) của DSB đã bị đình trệ do không còn thành viên. Việc lựa chọn và bổ nhiệm các thành viên mới của AB gặp phải những hạn chế do Hoa Kỳ cho rằng cần có sự cải tổ với DSB. Để khắc phục sự vắng mặt của AB, một số thành viên đã đồng ý tham gia và sử dụng cơ chế trọng tài phúc thẩm tạm thời (MPIA). Tuy nhiên, số lượng vụ việc sử dụng cơ chế này vẫn còn rất hạn chế và cơ chế này không thể được coi là một phương án xử lý lâu dài. Phần lớn các nước thành viên WTO bày tỏ quan điểm khôi phục lại hoạt động của AB.

Các bộ trưởng đã thông qua Văn kiện kết quả MC12 tại hội nghị ngày 12-17 tháng 6, trong đó họ “ý thức được những thách thức và quan ngại đối với hệ thống giải quyết tranh chấp, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến Cơ quan phúc thẩm, nhận thức tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc giải quyết những thách thức và quan ngại đó, và cam kết tiến hành các cuộc thảo luận nhằm mục đích có được một hệ thống giải quyết tranh chấp đầy đủ và hoạt động tốt cho tất cả các Thành viên vào năm 2024.”

Gần 20 thành viên, trong đó một số thành viên đại diện cho một nhóm các thành viên bày tỏ ý kiến ghi nhận cam kết của các bộ trưởng tại MC12 và cam kết ủng hộ việc đảm bảo một kết quả trong khoảng thời gian quy định. Nhiều người hoan nghênh cam kết rõ ràng từ các thành viên tại MC12 để giải quyết những thách thức mà hệ thống giải quyết tranh chấp đang đối mặt, với một số lưu ý rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được tiến hành.

Chủ tịch DSB, Đại sứ Athaliah Lesiba Molokomme Botswana cho rằng Văn kiện Kết quả MC12 là rất tích cực cho hệ thống giải quyết tranh chấp. Bà bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, các thành viên sẽ có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề.

 Đoàn đại biểu của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu tại Hội nghị MC12. (Nguồn: congthuong)

Cũng tại cuộc họp, Mexico phát biểu thay mặt cho 123 thành viên, đưa ra đề xuất lần thứ 55 của nhóm về việc bắt đầu các quy trình lựa chọn các vị trí tại Cơ quan Phúc thẩm. Mexico cho biết số lượng lớn các thành viên gửi đề xuất phản ánh mối lo ngại chung về tình hình hiện tại của Cơ quan Phúc thẩm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống giải quyết tranh chấp chung của WTO và lợi ích của các thành viên.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ không ủng hộ đề xuất này của Mexico. Hoa Kỳ bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO và một cuộc thảo luận về cải cách thực sự sẽ đảm bảo cho cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO phản ánh đúng lợi ích của các thành viên, bất kể cho việc cải cách sẽ như thế nào.

Mexico đại diện cho 123 thành viên khác đã phản hồi lại ý kiến của Hoa Kỳ, cho rằng một thành viên có vướng mắc về một số vấn đề liên quan đến chức năng của AB không thể là lý do để làm suy yếu và làm gián đoạn hoạt động của AB, DSB và cơ chế giải quyết tranh chấp nói chung. Và Mexico cho rằng không có cơ sở pháp lý nào cho việc cản trở hiện nay với quy trình lựa chọn.

Như vậy, mặc dù Hoa Kỳ vẫn giữ quan điểm không khôi phục lại AB mà cần có sự cải tổ theo cách khác, các thành viên khác của WTO đã có những phản hồi mạnh mẽ hơn cho thấy quyết tâm khôi phục lại hoạt động của AB và DSB. Văn kiện Kết quả MC với cam kết về việc khôi phục lại chức năng đầy đủ cho DSB trước năm 2024 là một tín hiệu cho thấy sự quyết tâm của các thành viên trong việc thúc đẩy việc hoàn thiện DSB, một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình cải tổ WTO.

Bích Nguyệt (Bộ Công Thương)
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực