Sản phẩm bộ đồ ăn và đồ dùng nhà bếp xuất xứ từ Việt Nam có thể gặp khó khăn khi vào thị trường EU

Thứ năm, 22/12/2022 09:09
(ĐCSVN) - Vụ việc mặt hàng sản phẩm bộ đồ ăn và đồ dùng nhà bếp bằng nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường Châu Âu (EU) bị áp thuế chống bán phá đang gây khó khăn cho Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam có thể là mục tiêu để Trung Quốc vận chuyển hàng hoá sang Việt Nam rồi xuất khẩu sang EU nhằm mục đích lẩn tránh biện pháp vệ thương mại. Đây là cảnh báo đối với các doanh nghiệp của Việt Nam.
Bộ đồ ăn và đồ dùng nhà bếp (ảnh minh họa) 

Bắt đầu từ tháng 2 năm 2012, Ủy ban Châu Âu (EC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm bộ đồ ăn và đồ dùng nhà bếp bằng nhập khẩu từ Trung Quốc. Sau đó, từ ngày 13/5/2015, EC đã chính thức áp thuế chống bán phá giá với mức thuế dao động từ 13,1% đến 36,1% đối với mặt hàng này từ Trung Quốc.

Đối với Khi Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Châu Âu (EU) là tương đối lớn. Việc gặp những rào cản về thuế quan khi xuất khẩu sang EU sẽ là khó khăn rất lớn đối với Trung Quốc. Do vậy, Việt Nam có thể là mục tiêu để Trung Quốc vận chuyển hàng hoá qua Việt Nam rồi xuất khẩu sang EU nhằm mục đích lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Với các lợi thế về nhân công giá rẻ, thuận tiện về giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt tiếp cận với các hệ thống cảng nước sâu, Việt Nam đã và đang đón nhận dòng đầu tư FDI mới đặc biệt từ Trung Quốc. Theo đó, thách thức lớn mà ngành sản xuất trong nước phải đối mặt là dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, sẽ khiến mặt hàng xuất khẩu nói chung và sản phẩm bộ đồ ăn và đồ dùng nhà bếp bằng gốm nói riêng của Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) để ý về việc lẩn tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc. Vì vậy, sản phẩm bộ đồ ăn và đồ dùng nhà bếp bằng gốm của Việt Nam sẽ có thể phải chịu việc kiểm soát chặt chẽ khi nhập khẩu vào thị trường EU trong thời gian tới.

Khi một mặt hàng xuất khẩu của một quốc gia bị áp dụng biện pháp PVTM, khả năng cạnh tranh của mặt hàng này khi xuất khẩu trực tiếp sẽ giảm, vì vậy có thể xuất hiện hiện tượng được gọi là chuyển hướng thương mại, nghĩa là xuất khẩu từ quốc gia bị áp dụng biện pháp PVTM giảm, trong khi xuất khẩu từ các quốc gia khác có xu hướng tăng. Việc chuyển hướng thương mại như vậy có thể dẫn tới gia tăng năng lực sản xuất của quốc gia do mở rộng đầu tư, nhưng cũng có thể xuất phát từ hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc đầu tư nhưng chỉ thực hiện một số công đoạn sản xuất tạo ra giá trị gia tăng không đáng kể tại quốc gia tiếp nhận đầu tư.

Theo thống kê, xuất khẩu một số sản phẩm của Việt Nam có sự gia tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây, kể cả những mặt hàng đang là đối tượng bị áp dụng PVTM của một số nước.

Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai nhiều biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ. Tuy nhiên, dù các bộ, ngành đã nỗ lực trong cảnh báo hành vi lẩn tránh, siết chặt quản lý, giám sát... nhưng vẫn tồn tại nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý các hiệp hội, doanh nghiệp thông báo với các cơ quan chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ hàng hóa nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác./.

PL
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực