Thượng úy Y Hán Hwing, dân tộc Ê-đê là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốc. Là người làm công tác vận động quần chúng nên anh luôn khắc ghi lời Bác Hồ dặn Bộ đội Biên phòng: “Phải dựa vào nhân dân, ra sức đoàn kết và giúp đỡ nhân dân”.
Làm theo lời dạy của Bác, đồng thời cảm động trước sự chăm chỉ, cần cù của đôi vợ chồng nghèo Y Khéo Niê ở Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Thượng úy Y Hán Hwing đã dùng tiền lương của mình mua một cặp heo giống trị giá 3 triệu đồng, 20 kg cá giống trị giá 1,8 triệu đồng hỗ trợ cho gia đình.
|
Thượng úy Y Hán Hwing dùng tiền lương mua heo giống, cá giống hỗ trợ gia đình ông Y Khéo Niê ở Buôn Trí, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn phát triển kinh tế |
Được sự giúp đỡ của Thượng úy Y Hán Hwing, gia đình ông Y Khéo Niê từ một hộ nghèo đã vươn lên cận nghèo. Cuộc sống tuy chưa sung túc nhưng đã vơi phần khó khăn. Ông Y Khéo Niê rất vui mừng bởi thay vì thuần trồng trọt như trước đây, nay, gia đình đã có thêm hướng sinh kế mới là chăn nuôi heo lai sinh sản và cá nước ngọt.
Thượng úy Y Hán Hwing tâm sự: “Trong buôn còn nhiều hộ cần giúp. Em đang tiếp tục lựa chọn hộ gia đình khó khăn để hỗ trợ. Khi nào heo nhà ông Y Khéo Niê sinh sản, em lấy một cặp để nhân rộng cho hộ khác”.
Việc làm tốt đẹp của Thượng úy Y Hán Hwing là một trong nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế gia đình của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.
Tháng 01/2021, Thiếu tá chuyên nghiệp Từ Văn Sương - nhân viên vận động quần chúng thuộc Đồn Biên phòng Ea H’Leo cũng đã góp vốn 110 triệu đồng mua 09 con bò cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Triều ở thôn Dự, xã Ia Lốp phát triển kinh tế. Đến nay đàn bò đang phát triển tốt.
Hay tại thôn 7, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, từ số vốn ban đầu do đồn Biên phòng Ia Rvê hỗ trợ, gia đình anh Hà Văn Đức đã đầu tư phát triển một trang trại dê 30 con. Hiện nay, trang trại đã có gần 70 con, đều là dê sinh sản. Mỗi năm thu nhập của gia đình khoảng 40 triệu đồng.
Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã trao tặng 83 con bò giống cho 83 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn 04 xã biên giới thuộc huyện Buôn Đôn, huyện Ea Súp.
Sau khi triển khai chương trình tặng bò giống, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao các đồn Biên phòng tiếp tục thực hiện mô hình. Cấp ủy, Ban Chỉ huy các đồn Biên phòng phân công đảng viên đang tham gia sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, buôn giúp đỡ các hộ gia đình kỹ thuật chăn nuôi, làm chuồng, trồng cỏ voi cho bò. Đến nay, đa số các con bò trong đàn sinh trưởng, phát triển tốt.
Bên cạnh giúp dân phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk còn tham gia xóa mù chữ, nâng cao dân trí cho bà con. Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vẫn luôn nhớ lời Bác dặn: “Ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ”.
Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo mở được 07 lớp xóa mù chữ cho 225 học viên trên địa bàn.
Khi được Bộ đội Biên phòng vận động tham gia lớp học xóa mù chữ, anh Xiềm Văn U, dân tộc Dao, trú tại thôn 14, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp đã nhanh chóng trở thành học viên tích cực góp mặt trong các buổi học.
Trong quá trình học, anh U luôn gắn bó cùng Bộ đội Biên phòng đi xuống thôn vận động bà con khắc phục khó khăn, bố trí thời gian tới lớp. Hiện nay, anh U là Thôn phó thôn 14 và là người đảng viên theo đạo đầu tiên do Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk trực tiếp bồi dưỡng, tham mưu cho địa phương tổ chức kết nạp.
Đại tá Đỗ Quang Thấm - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk khẳng định, anh U và những người dân theo học các lớp xóa mù chữ chính là những hạt nhân nòng cốt cùng Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác vận động quần chúng trên địa bàn.
Việc mở các lớp học xóa mù chữ mang lại nhiều lợi ích. Về phía người dân, Bộ đội Biên phòng và ngành Giáo dục và Đào tạo đã giúp đồng bào biết đọc, biết viết, đồng nghĩa với thay đổi quá trình nhận thức, xây dựng được ý thức giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nhân dân.
Về phía Bộ đội Biên phòng, khi nhận thức của người dân được nâng lên sẽ tạo thuận lợi trong quá trình tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thuận lợi cho công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh biên giới quốc gia, vì nhân dân chính là chỗ dựa, là “tai, mắt” của Bộ đội Biên phòng.
|
Người dân tham gia cùng Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk bảo vệ cột mốc quốc gia |
Thành lập ngày 23/5/1975, trải qua 47 năm hoạt động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk luôn quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là: “dựa vào dân, lấy dân là gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy luôn xác định xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là nền tảng để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với thế trận quân sự, an ninh và đối ngoại, tạo thành thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và ngày càng phát triển với nước bạn Campuchia.
Trên cơ sở qua điểm của Đảng và dưới sự lãnh đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắc Lắk, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng đã thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Tiêu biểu là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền, kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại”. Kết hợp chặt chẽ chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới, bởi đây là nhân tố có tính chất quyết định trong việc xây dựng “thế trận lòng dân”.
Nhờ làm tốt công tác xây dựng "thế trận lòng dân" nên tình hình an ninh chính trị khu vực biên giới của tỉnh cơ bản ổn định; cấp ủy, chính quyền các xã biên giới hoạt động bình thường; nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, yên tâm lao động sản xuất - Đại tá Đỗ Quang Thấm - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk nói.
Trong không khí cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2022); với lực lượng Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk là kỷ niệm 47 năm ngày truyền thống (23/5/1975 - 23/5/2022), “những người lính mang quân hàm xanh” nơi biên cương Tổ quốc thêm phấn khởi và tự hào vì đã luôn khắc ghi, làm theo lời căn dặn của Bác, kiên trì bám trụ biên giới, đóng góp công sức cùng đồng bào các dân tộc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Bởi với họ “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”./.