Căn cứ Tà Thiết – Nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ hai, 29/04/2019 09:43

(ĐCSVN) – Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi may mắn được tới Bình Phước công tác và tham quan căn cứ Tà Thiết. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, có tính chất quyết định đến cách mạng miền Nam, góp phần làm nên chiến thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Căn cứ Tà Thiết giờ đây là địa danh vừa có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng vừa là địa chỉ đỏ, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước


Chị Trương Thị Yến, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Ban Quản lý di tích đã dẫn chúng tôi đi tham quan khu di tích lịch sử đặc biệt này. Chị thuyết minh cho chúng tôi nghe về lịch sử của khu căn cứ và kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đầy thú vị về khu căn cứ này, về các tướng lĩnh đã từng sống và làm việc ở đây, về những quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương để bảo tồn, gìn giữ địa danh này cho các thế hệ sau được tới tham quan, tìm hiểu, có những bài học thực tế, ngoại khóa.

Ngược lại thời gian, đó là vào ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, trụ sở của Bộ Chỉ huy miền đóng tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh được dời về khu vực Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Đây là trung tâm đầu não được mệnh danh là “khu rừng Chính phủ”, là nơi ở và làm việc của cơ quan B2. Dưới những tán cây lớn, được bao bọc bằng rừng le đan chằng chịt là những công trình nhà làm việc của các đồng chí chỉ huy cao cấp trong Bộ Tư lệnh miền: Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh… Căn cứ được xây dựng quy mô lớn (diện tích khoảng 16km2), hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, hội trường ngầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo, trường lớp được xây dựng chắc chắn, bảo đảm tốt cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đóng tại Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được thành lập ở chiến trường miền Nam.

Tại sao Bộ Chỉ huy Miền lúc đó lại chọn Tà Thiết, tôi đã thắc mắc với chị Yến về điều này và đã được chị thông tin cặn kẽ. Việc chọn Tà Thiết là nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy Miền bởi Lộc Ninh là vùng giải phóng rộng lớn, huyện giải phóng đầu tiên của miền Nam (7/4/1972), là thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh nơi tiếp nhận dự trữ sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện vào cho chiến trường miền Nam; với thế rừng rộng lớn, khí hậu ít khắc nghiệt, lại gây được yếu tố bất ngờ đối với địch đó là những lợi thế để Bộ Chỉ huy Miền chọn Tà Thiết làm căn cứ.

Vào tháng 3/1973, tại đây đã diễn ra Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ III; tháng 9/1973, diễn ra Hội nghị quân chính toàn Miền; tháng 10/1973, diễn ra Hội nghị quán triệt học tập Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng cho cán bộ cấp cao của Miền và các tỉnh; ngày 3/4/1975, tại đây, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn; ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

 

Tà Thiết hội tụ đủ yếu tố thuận lợi để Bộ Chỉ huy Miền chọn làm căn cứ

Để có một tên gọi xứng tầm với chiến dịch lớn nhất, có ý nghĩa nhất, kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chỉ huy Miền đề nghị Trung ương đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài gòn –Gia định lấy tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

19 giờ ngày 14/4/1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã nhận được bức điện do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn ký “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài gòn – Gia Định lấy tên là Chiến dịch hồ Chí Minh”.

Khi chiến dịch sắp mở màn, để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu và sát với tình hình tác chiến, cơ quan Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường hơn và chọn Căm Xe , thuộc ấp 1, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương ngày nay làm Sở chỉ huy tiền phương. Sở chỉ huy là một cơ quan tạm thời (từ ngày 26/4/1975 đến 30/4/1975). Các lán trại, hầm hào tại đây chủ yếu được làm bằng vật liệu gỗ có sẵn trong rừng. Hiện nay, di tích này cũng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, có giá trị lớn trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do tình hình diễn biến phức tạp của chiến tranh nên căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã phải di chuyển qua nhiều căn cứ nhưng căn cứ Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được xây dựng vào tháng 2/1973, và được xây dựng quy mô lớn mạnh nhất, không những là nơi dự trữ hậu cần chiến lược mà còn là nơi thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, là nơi các chủ trương và kế hoạch lớn được hình thành và phát đi, chỉ dẫn cho toàn quân, toàn dân tiến lên thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng góp phần giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn, ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Căn cứ Quân ủy - Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Tà Thiết) là di tích lịch sử Quốc gia. Ngày 20/4/1995, di tích Tà Thiết được phục hồi lại nguyên trạng, gồm các hạng mục: Bếp Hoàng Cầm, Hầm Giao ban, Hầm chữ A, Hội trường, nhà ở và nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo như: Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Trần Văn Trà, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng…

Từ năm 1997 đến nay, di tích đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa khang trang, gồm các hạng mục: Tượng đài chiến thắng, đền thờ chính, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cổng chào, khu quảng trường và hàng rào bảo vệ...; trở thành điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Di tích căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam là di tích quốc gia đặc biệt.

 

Hàng năm, nơi đây đón nhiều đoàn khách tới tham quan, học tập và nghiên cứu


Ngày nay, di tích lịch sử Tà Thiết trở thành địa danh vừa có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng vừa là địa chỉ đỏ, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Trung bình mỗi năm, căn cứ Tà Thiết đón khoảng 14.000 lượt khách về tham quan, học tập, nghiên cứu và tổ chức các hoạt động về nguồn, các hoạt động ý nghĩa khác.

Đặc biệt, vừa qua, tỉnh Bình Phước đã tiến hành Dự án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy miền Nam Việt Nam” với một số hạng mục như: Nhà tưởng niệm, Nhà đón tiếp, Nhà truyền thống, Đài tưởng niệm, Cổng vào khu di tích, Hồ cảnh quan, Cổng chào Ngã ba Đồng Tâm, Hàng rào bao quanh khu di tích… Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Phước chủ trương thực hiện Dự án này với phương thức xã hội hóa kết hợp với ngân sách Nhà nước. Đến nay, dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 336 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa là 91 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 50 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 195 tỷ đồng./.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực