Cảnh sát biển Việt Nam quyết tâm giữ bình yên biển, đảo Tổ quốc

Thứ ba, 06/02/2024 12:57
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Năm 2024 là năm bản lề thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển gắn với bảo đảm vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn trên biển. Đây cũng là năm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam đã có cuộc trao đổi, chia sẻ về những vấn đề này.

 Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng ủy – Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: TL

Phóng viên (PV): Xin Trung tướng cho biết một số kết quả nổi bật về tình hình thực thi pháp luật trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong năm qua?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Thực thi pháp luật trên biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Lực lượng Cảnh sát biển, nhằm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, vi phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn vùng biển, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Nhiệm vụ này luôn được Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; được cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lực lượng tổ chức triển khai bài bản, đồng bộ, với quyết tâm chính trị cao; được cán bộ, chiến sĩ toàn tâm, toàn sức thực hiện với tinh thần đấu tranh không khoan nhượng.

Năm 2023, toàn Lực lượng đã điều động, sử dụng hơn 1.100 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển; tuyên truyền, xua đuổi hơn 930 lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; ngăn chặn hàng trăm tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác IUU; phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý gần 1.800 vụ việc vi phạm với hơn 2.000 đối tượng, tăng 573 vụ, 672 đối tượng so với năm 2022, trong đó khởi tố 50 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 1.536 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 85 tỷ đồng.

Với những thành tích xuất sắc và đặc biệt xuất sắc trong thực thi pháp luật, đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy, năm 2023, Cảnh sát biển Việt Nam đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; 12 tập thể và 14 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ Quốc phòng; nhiều tập thể và cá nhân khác được tặng Bằng khen, Giấy khen các cấp.

Song có lẽ, kết quả lớn nhất mà chúng tôi đạt được không chỉ thể hiện trên những con số vụ việc bắt giữ hay số lượt khen thưởng, mà còn thể hiện ở sự ghi nhận, đánh giá và tin tưởng ngày càng sâu sắc hơn, xứng đáng hơn của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, nhân dân cả nước; ở sự khẳng định ngày càng vững chắc hơn, tự tin hơn về vai trò, vị thế, uy tín của Cảnh sát biển Việt Nam trên trường quốc tế và sự đóng góp ngày càng to lớn hơn, quan trọng hơn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn cho các vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Thưa Trung tướng, trước tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển ngày càng phức tạp, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những giải pháp gì để ngăn chặn hiệu quả hoạt động này?

Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính uỷ Cảnh sát biển Việt Nam tặng quà, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ tàu Cảnh sát biển đang thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Ảnh: Đức Tĩnh

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Có thể nói, mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát; đấu tranh trấn áp mạnh mẽ với các loại tội phạm, vi phạm trên biển, nhưng do lợi thế địa chính trị, địa kinh tế lớn của biển đảo nước ta và đặc thù địa bàn vùng biển rất dễ lợi dụng để hoạt động phạm pháp, nếu hoạt động trót lọt thì lợi nhuận rất cao nên các đối tượng luôn tìm mọi thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, kể cả manh động, liều lĩnh chống trả nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

Trước tình hình đó, để đấu tranh, ngăn chặn, phòng chống hiệu quả, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị tập trung lực lượng, phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tăng cường sự hiện diện thường xuyên, liên tục trên tất cả các hướng, địa bàn quản lý, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng biển Tây Nam, nhằm nâng cao hiệu quả cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm.

Các đơn vị đã triển khai đồng bộ, triệt để các biện pháp nghiệp vụ từ cơ bản đến chuyên sâu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan và chính quyền địa phương trong bám nắm, quản lý tốt tình hình địa bàn, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các đối tượng; xây dựng và sử dụng lực lượng mật rộng khắp, coi trọng phát huy “tai mắt” của nhân dân hoạt động trên biển trong nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm. Chủ động mở các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết đấu tranh toàn diện, triệt để, không khoan nhượng trước mọi hành vi phạm pháp và xử lý nghiêm các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với đó, toàn lực lượng chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, nhất là ngư dân làm ăn trên biển. Coi trọng phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động sự vào cuộc của các lực lượng, các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị cùng chung sức, đồng lòng với Cảnh sát biển đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển, giữ vững sự bình yên cho các vùng biển đảo Tổ quốc.

PV: Cảnh sát biển Việt Nam đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển, vậy Trung tướng có thể đánh giá hiệu quả của các chương trình này trong năm qua?.

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Đặc thù chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam luôn gắn liền với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để thực hiện nhiệm vụ, hướng đến mục tiêu cuối cùng là vì Nhân dân; xây dựng, bảo vệ, gìn giữ môi trường vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để nhân dân yên tâm vươn khơi, bám biển, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước.

Nhận thức rõ vấn đề này, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều chương trình công tác dân vận như: “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, “Em yêu biển, đảo quê hương”… Đặc biệt, quá trình triển khai chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển đã ký kết Quy chế phối hợp với 28/28 Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành ven biển. Qua đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn cùng chung tay với Cảnh sát biển thực hiện chương trình này. Chương trình đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá là điểm sáng về công tác dân vận của Quân đội trong thời kỳ mới.

Những kết quả cụ thể từ các chương trình công tác dân vận của Cảnh sát biển đã mang lại hiệu quả tích cực, trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho ngư dân; huy động nguồn lực xã hội giúp địa phương phát triển kinh tế, xây dựng địa bàn an toàn, hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Thông qua các chương trình, còn góp phần làm lan tỏa và ngời sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong lòng dân; góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; giúp nhân dân thêm tin tưởng, yêu mến Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng, để nhân dân thực sự là “tai, mắt”, là “cột mốc sống”, hỗ trợ đắc lực cùng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh, an toàn cho các vùng biển, đảo Tổ quốc.

Trung tướng Bùi Quốc Oai thăm, động viên và tặng quà ngư dân huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đức Tĩnh

PV: Năm 2024 là năm bản lề thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển gắn với bảo đảm vững chắc chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn trên biển. Đây cũng là năm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cảnh sát biển tiến thẳng lên hiện đại. Xin Trung tướng cho biết Cảnh sát biển Việt Nam sẽ ưu tiên tập trung vào những vấn đề gì?

Trung tướng Bùi Quốc Oai: Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, năm 2024, Cảnh sát biển Việt Nam xác định ưu tiên tập trung thực hiện những nội dung chủ yếu gồm:

Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu; nắm chắc tình hình trên biển; phân tích, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống, không để bị động bất ngờ, không để tạo “điểm nóng” trên biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, giữ vững môi trường vùng biển hòa bình, ổn định để góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.

Hai là, chủ động tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh, sắp xếp, xây dựng tổ chức biên chế hợp lý, tinh, gọn, mạnh trên cơ sở bám sát chủ trương, lộ trình xây dựng Cảnh sát biển giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục đầu tư mua sắm, đóng mới phương tiện, vũ khí, trang bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Cảnh sát biển Việt Nam.

Ba là, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có phương pháp, tác phong công tác khoa học, hiện đại; có năng lực lãnh đạo, tổ chức chỉ huy tốt; có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao; có tinh thần “7 dám” theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung.

Bốn là, tăng cường phối hợp cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh thành ven biển triển khai có hiệu quả các nội dung chương trình phối hợp công tác dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”; không ngừng củng cố mối quan hệ đoàn kết quân - dân, tạo sức mạnh tổng hợp để Cảnh sát biển Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Năm là, triển khai công tác đối ngoại Cảnh sát biển theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”; mở rộng và làm sâu sắc hơn các quan hệ hợp tác trong cơ chế song phương và đa phương giữa Cảnh sát biển Việt Nam với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước nhằm chung tay xây dựng vùng biển an ninh, an toàn, ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống từ hướng biển.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Nhâm Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực