|
Đồn Biên phòng Tam Hợp giúp người dân phát triển kinh tế.
|
Năm 2022, Đảng ủy đồn Biên phòng Tam Hợp phân công Đại uý Nguyễn Kim Trọng, Đội trưởng đội vận động quần chúng đồn hỗ trợ gia đình ông Xồng Nhia Lỳ, là hộ nghèo của bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương phát triển kinh tế. Với vốn kiến thức có được từ khi còn ở nhà và qua các lớp tập huấn ngắn ngày về phát triển chăn nuôi vùng đồi núi, Đại uý Nguyễn Kim Trọng đã hướng dẫn gia đình phát triển chăn nuôi, bò dê sinh sản và ruộng nước. Từ 2 cặp dê giống ban đầu, sau thời gian chăm sóc đúng kỹ thuật gia đình ông Xồng Nhia Lỳ đã có đàn dê 16 con, 10 con bò phát triển tốt. “Được bộ đội Trọng hỗ trợ nguồn vốn mua con giống, hướng dẫn chăm sóc dê, bò phát triển tốt, nhanh lớn”, ông Xồng Nhia Lỳ chia sẻ.
Một hộ gia đình khác là bà Quang Thị Loan, bản Văng Môn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cũng được đồn Biên phòng Tam Hợp cử đảng viên hỗ trợ phát triển kinh tế. Ngay từ đầu để giúp gia đình triển khai mô hình chăn nuôi dê, đồn Biên phòng Tam Hợp đã phân công những đảng viên có kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán hỗ trợ đồng bào; đơn vị còn hỗ trợ kinh phí mua con giống ban đầu hỗ trợ gia đình và huy động lực lượng giúp làm chuồng nuôi đảm bảo mùa hè mát, mùa đông ấm. Bà Quang Thị Loan chia sẻ: “Từ ngày được hỗ trợ con giống gia đình rất phấn khởi, bộ đội còn giúp gia đình làm chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc nên con giống phát triển tốt, gia đình mong Bộ đội thường xuyên hỗ trợ để phát triển kinh tế”.
Trung tá Ngô Văn Thiện, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Hợp cho biết: Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị luôn cẩn thận lựa chọn các gia đình và phân công đảng viên của Đồn phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Hiện đơn vị đang triển khai 20 đảng viên phụ trách 86 hộ gia đình trên địa bàn các bản. Các đảng viên phụ trách cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức chấp hành quy định pháp luật, còn tập trung hỗ trợ kỹ thuật, cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi để giúp bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Rời địa bàn Tam Hợp, chúng tôi đến đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Trung tá Phan Nhật Thành, Chính trị viên đơn vị cho biết, Đơn vị đứng chân trên địa bàn 2 xã Nậm Cắn và Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, quản lý bảo vệ 30 km đường biên giới, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cửa khẩu, đơn vị đã thực hiện có hiệu quả việc phân công đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới. Cấp ủy, Chỉ huy đồn đã phối hợp với địa phương khảo sát toàn diện tình hình địa bàn, trọng tâm là nơi phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phân công đảng viên phụ trách phù hợp, đúng đối tượng cần giúp đỡ.
Được phân công phụ trách 5 gia đình, trong đó có 3 hộ đồng bào người Khơ Mú, 2 hộ dân tộc Mông, hàng ngày, ngoài công việc tại đồn, Thiếu tá QNCN Nguyễn Bá Dũng, nhân viên đội Vận động quần chúng thường xuyên xuống địa bàn giúp đỡ các gia đình phát triển kinh tế, tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật. Nhờ sự tận tụy, kiên trì của anh nên dù chỉ mới được phân công trong thời gian ngắn, anh đã được bà con yêu quý, xem như thành viên trong gia đình.
“Đồng bào sống trong khu vực chủ yếu là dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế nên dễ bị tội phạm lợi dụng. Việc giúp bà con thay đổi nhận thức cần kiên trì trong thời gian dài và hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt phải hiểu tiếng nói mới nắm được đồng bào nghĩ gì, cần gì. Mỗi chiến sĩ đều phải tích cực thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc)” - Thiếu tá Nguyễn Bá Dũng, Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn chia sẻ.
Chị Ngô Thị Hương, bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho biết, cán bộ biên phòng được phân công về giúp đỡ rất nhiệt tình. Bên cạnh việc hỗ trợ con giống để phát triển kinh tế, các anh còn hướng dẫn cách chăm sóc vật nuôi; giúp bà con hiểu hơn quy định pháp luật, không vượt biên trái phép, không nghe lời những người xấu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
|
Thiếu tá QNCN Nguyễn Bá Dũng, nhân viên đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn trao đổi với người dân tại địa bàn.
|
Hiện nay, đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã lựa chọn các đảng viên có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán phân công phụ trách 260 hộ trên địa bàn. Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, cùng với sự nỗ lực và tận tâm các đảng viên phụ trách, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, nhận thức, hiểu biết pháp luật cũng được nâng lên rõ rệt.
Ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho biết, xã Nậm Cắn với chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhiều người vi phạm pháp luật nhưng không biết. Vì vậy, việc Bộ đội Biên phòng đưa đảng viên về phụ trách các gia đình có ý nghĩa rất lớn. Nhờ đó, dù là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự nhưng hiện nay xã Nậm Cắn đã được công nhận là xã sạch ma túy.
Hiện nay, BĐBP Nghệ An đang duy trì 06 cán bộ đồn Biên phòng tham gia cấp ủy các huyện biên giới, 02 đồng chí tham gia HĐND cấp huyện, 23 đồng chí tham gia HĐND cấp xã; 27 đồng chí cán bộ tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới; giới thiệu 81 đảng viên BĐBP chuyển sinh hoạt tạm thời về các chi bộ thôn, bản, địa bàn phức tạp, xung yếu và vùng giáo; phân công 522 đảng viên phụ trách 2.387 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Sự tận tâm của mỗi đảng viên Đồn Biên phòng phụ trách hộ gia đình ở địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An đã giúp hàng nghìn hộ dân vùng biên xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật. Đây thực sự là cầu nối gắn kết tình quân dân, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới./.