|
Các tổ chức Đoàn thường xuyên tổ chức diễn đàn thanh niên về chấp hành pháp luật, kỷ luật. Ảnh: Mạnh Hùng. |
Trong số các mô hình hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Lực lượng vũ trang Quân khu 4 được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam chọn đưa vào biên soạn cuốn sách “Những mô hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Quân đội thì “Chi đoàn một tốt, hai không, ba rèn luyện” của Sư đoàn 324 là một mô hình tiêu biểu cho tinh thần xung kích sáng tạo, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ Đoàn Ngự Bình anh hùng.
Tham dự diễn đàn thanh niên của Chi đoàn Đại đội 10, Liên chi đoàn Tiểu đoàn 3, Đoàn cơ sở Trung đoàn 1 với chủ đề “Rèn luyện tốt, kỷ luật nghiêm”, chúng tôi thực sự bất ngờ với kịch bản hấp dẫn, có tính giáo dục sâu sắc, lối diễn dí dỏm, hài hước, lôi cuốn của các chiến sĩ trẻ trong video tình huống: “Chiến sĩ sử dụng điện thoại di động khi đang canh gác”. Nội dung này được các đoàn viên thảo luận sôi nổi và đều thống nhất: “Việc chiến sĩ sử dụng điện thoại di động là sai, có thể làm lộ lọt bí mật quân sự, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ, là nguồn gốc của việc vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước”.
Cùng với đó, chúng tôi cũng rất ấn tượng với những ý kiến phân tích làm rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm kỷ luật thông thường của bộ đội chính là tính tự học, tự rèn của một số đoàn viên chưa cao. Đồng thời “hiến kế” nhằm nâng cao ý thức rèn luyện kỷ luật ở đơn vị như: Các chi đoàn phải thường xuyên tạo sân chơi bổ ích cho đoàn viên vào giờ nghỉ, ngày nghỉ; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện nhiệm vụ và ý thức chấp hành kỷ luật của mỗi đoàn viên để làm cơ sở đánh giá, phân loại cán bộ, đoàn viên…
Đem ấn tượng đó trao đổi với Thiếu tá Trần Đình Bình, Trợ lý Công tác quần chúng Sư đoàn 324, anh cho biết: “Đây là một trong những hoạt động của tuổi trẻ Sư đoàn thực hiện mô hình “Chi đoàn một tốt, hai không, ba rèn luyện” (Một tốt: Huấn luyện tốt, sẵn sàng chiến đấu tốt. Hai không: Không vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; không mất an toàn trong huấn luyện, sinh hoạt, công tác và tham gia giao thông. Ba rèn luyện: Rèn luyện thể lực, sức khỏe dẻo dai; rèn luyện phẩm chất đạo đức quân nhân cách mạng; rèn luyện kỹ năng sống và xử lý tình huống). Ngoài ra, rất nhiều hoạt động như tọa đàm, hái hoa dân chủ, hội thi pháp luật, hội diễn văn nghệ... ở Sư đoàn đều hướng vào các nội dung của mô hình nhằm khơi dậy tinh thần xung kích, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, tháng 4/2020, sau khi nghiên cứu, khảo sát kết quả thực hiện nhiệm vụ ở các tổ chức Đoàn, Ngành Công tác quần chúng đã tham mưu triển khai thực hiện mô hình “Chi đoàn một tốt, hai không, ba rèn luyện”, giai đoạn 2020 - 2022 và những năm tiếp theo. Theo đó, mô hình được triển khai theo 5 bước.
Đầu tiên, Ban chấp hành chi đoàn xây dựng kế hoạch, báo cáo đơn vị và tổ chức đoàn cấp trên. Bước hai là tổ chức Lễ ra mắt mô hình, trong đó trọng tâm quán triệt sâu kỹ mục đích, ý nghĩa, nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của mô hình. Bước thứ ba là tổ chức đăng ký thực hiện. Bước thứ tư là từng cá nhân báo cáo kết quả đã đăng ký, tự đánh giá mức độ hoàn thành trong hội nghị sinh hoạt ra chương trình hành động.
Việc đánh giá kết quả thực hiện mô hình phải gắn với thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Sau khi có kết quả xếp loại sẽ ghi lên bảng tin treo tại nhà ở, để đoàn viên tiện theo dõi, từ đó có hướng phấn đấu tốt hơn. Và bước cuối cùng là định kỳ 6 tháng, cuối năm tiến hành sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.
|
ĐVTN xung kích thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: Mạnh Hùng. |
Theo Thiếu tá Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Liên chi đoàn Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 335 thì điểm nổi bật của mô hình là dễ triển khai, dễ thực hiện, tác động trực tiếp vào tư tưởng, nhận thức của đoàn viên. Còn Trung sĩ Bùi Gia Thành, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 chia sẻ: “Được theo dõi kết quả thực hiện mô hình hằng ngày trên bảng thi đua, em và các chiến sĩ trong tiểu đội thường xuyên tự kiểm điểm, “tự soi, tự sửa” bản thân, phát huy ưu điểm, khắc phục những tồn tại, từ đó quyết tâm hơn trong thực hiện nhiệm vụ”.
Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao mọi mặt công tác. Kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm đạt trên 81% khá, giỏi; năm sau cao hơn năm trước (tăng hơn 0,6%/năm). Cán bộ, đoàn viên chấp hành nghiêm kỷ luật; ba năm (2020, 2021, 2022) toàn Sư đoàn không có đoàn viên vi phạm phải xử lý. Bình xét hằng năm, 100% tổ chức đoàn, cán bộ, ĐVTN hoàn thành nhiệm vụ trở lên; bảo đảm an toàn tuyệt đối mọi mặt. Có 21 tập thể, 88 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng trong thực hiện mô hình. Đặc biệt, có 1 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2020, 1 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021 và 1 đồng chí đạt Giải thưởng Lý Tự Trọng, giai đoạn 2018 - 2020.
Đại tá Lê Doãn Anh, Phó Chính ủy Sư đoàn 324 khẳng định: “Triển khai thực hiện mô hình “Một tốt, hai không, ba rèn luyện” đã làm chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ trong toàn Sư đoàn; khơi dậy tính xung kích, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ Đoàn Ngự Bình trong phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa quân sự; xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thời bình, làm tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong lòng Nhân dân. Những cống hiến đó của tuổi trẻ đơn vị đã góp phần để năm 2020, Sư đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua; năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, tô thắm thêm truyền thống “Trung dũng, kiên cường - Liên tục tiến công - Đoàn kết, chiến thắng” của Đoàn Ngự Bình anh hùng”./.