|
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình về dự án Luật. Ảnh: Hồ Long/ĐBND
|
Chiều 19/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng không nhân dân (PKND).
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về PKND
Trình bày Tờ trình về dự án Luật, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới.
PKND là một bộ phận của nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, từ trung ương đến địa phương. Thế trận PKND là một bộ phận cấu thành, không tách rời của thế trận quốc phòng trong khu vực phòng thủ.
Hoạt động tác chiến PKND là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta. Ngày nay, trong chiến tranh hiện đại, các phương án tác chiến tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. "Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng lực lượng PKND, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không", Bộ trưởng lý giải.
Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ, việc xây dựng Luật Phòng không nhân dân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về PKND, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không.
Đồng thời, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Dự thảo Luật được xây dựng gồm 8 chương với 54 điều, gồm các quy định về: Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; chính sách của Nhà nước về phòng không nhân dân; nhiệm vụ phòng không nhân dân; trọng điểm phòng không nhân dân; hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, huy động, hoạt động phòng không nhân dân; xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; hoạt động phòng không nhân dân.
Đặc biệt, dự thảo Luật dành riêng một chương quy định về việc quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đối với phòng không nhân dân và quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ....
Nghiên cứu kỹ lưỡng về thẩm quyền khống chế, thu giữ tàu bay không người lái
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết: UBQPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật với những căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cơ bản nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời dự thảo Luật đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp Hiến, tính thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Theo Chủ nhiệm UBQPAN, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định quan hệ phối hợp về PKND; bổ sung quy định về tổ chức Câu lạc bộ hàng không; nghiên cứu, quy định cụ thể về việc sử dụng công trình công cộng, dân sinh, công trình lưỡng dụng làm công trình PKND, trận địa PKND trong thời bình và thời chiến. Đồng thời, quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và các chính sách của Nhà nước đối với các chủ thể có liên quan, phù hợp với thực tiễn, thống nhất với pháp luật có liên quan và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật với các quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan để hoàn thiện đầy đủ các quy định về PKND, quy định về quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và khu vực phòng thủ; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.
Về đình chỉ chuyến bay, tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, UBQPAN cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về thẩm quyền đình chỉ chuyến bay, thẩm quyền tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ dễ dẫn đến chồng chéo, nhất là thẩm quyền của Tư lệnh Quân khu, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự các cấp.
Cũng có ý kiến cho rằng, quy định thẩm quyền khống chế, thu giữ tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm cần nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với đặc thù hoạt động của phương tiện bay, năng lực chế áp để bảo đảm tính khả thi. Do vậy đề nghị nên phân cấp xử lý đến cấp xã và thành lập Ban chỉ đạo PKND cấp xã để bảo đảm xử lý nhanh chóng, hiệu quả từ cơ sở.
UBQPAN đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để phân định thẩm quyền cho phù hợp với thực tiễn và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Về công tác bảo đảm an toàn phòng không, có ý kiến cho rằng, quy định về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ là một trong những nội dung quan trọng để góp phần ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm do sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
"Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kế thừa các quy định tại Quyết định số 18 ngày 16/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ để quy định những nội dung cơ bản trong dự thảo Luật", Chủ nhiệm UBQPAN nêu rõ./.