Chiều 12/4, tại Hà Nội, Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Tọa đàm khoa học Công an nhân dân khắc ghi lời căn dặn "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Tọa đàm.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TH. |
Lời căn dặn gửi gắm kỳ vọng to lớn đối với CBCS Công an
Phát biểu đề dẫn toạ đàm, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc- Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Từ rất sớm, Người đã răn dạy về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên và nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải biết giữ "thanh danh của Đảng" và "danh giá của mình".
Người khẳng định, "người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Do đó, để làm tròn sứ mệnh của mình, Đảng không chỉ có lý luận tiên phong dẫn đường, là chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Đảng còn phải tiêu biểu cho đạo đức và văn hóa. Thấm nhuần sâu sắc những chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, cùng tầm nhìn xa đối với các vấn đề xây dựng Đảng, trong nhiều bài viết và nhiều lần phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở, phân tích sâu sắc về tư cách, đạo đức cách mạng và danh dự của người cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư nhấn mạnh, khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hãy giữ liêm sỉ và danh dự; hãy khắc cốt ghi tâm: "Lời thề trước Đảng - Hãy giữ danh thơm tiếng tốt", "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
|
PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc- Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu đề dẫn toạ đàm. Ảnh: TH. |
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, ngày 15/1/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn: “Hãy luôn luôn ghi nhớ, khắc sâu vào tâm trí mình và thực hiện cho bằng được chân lý: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; “Còn Đảng thì còn mình”; “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Lời căn dặn đó gửi gắm kỳ vọng to lớn của người đứng đầu Đảng ta mong muốn mỗi đảng viên, mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an nhân dân (CAND) phải tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; phải luôn giữ vững bản lĩnh, liêm chính, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng nỗ lực phấn đấu, cống hiến, sao cho xứng đáng với danh dự, truyền thống vẻ vang của lực lượng CAND Việt Nam anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Khắc cốt ghi tâm lời căn dặn, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh
Tại Toạ đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận, khẳng định và làm sâu sắc hơn giá trị và ý nghĩa lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với quá trình tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác và chiến đấu của lực lượng CAND. Đồng thời, phân tích, đánh giá kết quả, bài học kinh nghiệm, những vấn đề đặt ra trong quá trình quán triệt, thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lực lượng CAND. Trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp gắn quá trình quán triệt và làm theo lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với việc học và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy và quyết tâm triển khai Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, người chiến sĩ CAND ngoài lòng tự trọng, thanh danh, phẩm giá của mình còn gánh trên vai sự uỷ thác của đất nước, của Nhân dân. Đối với CBCS CAND ngày nay, danh dự cá nhân cũng gắn với danh dự của đất nước, của dân tộc; sự bình yên của Nhân dân, an ninh của Tổ quốc. Danh dự của CBCS Công an không phải là danh dự cá nhân mà là danh dự của một lực lượng, mà Tổng Bí thư gọi là "thanh bảo kiếm", "lá chắn" bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Danh dự là sự nhận thức và quyết tâm giữ gìn thanh danh, phẩm giá của mình, trải qua quá trình rèn luyện, đấu tranh.
|
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và PGS.TS Vũ Trọng Lâm với các đại biểu tham dự toạ đàm. Ảnh: TH. |
Trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của thời kỳ phát triển mới toàn lực lượng Công an nhân dân, TS. Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, cho rằng, lực lượng công an cần khắc cốt ghi tâm những chỉ đạo quan trọng và lời căn dặn tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư. Quyết tâm thực hiện thật tốt Sáu Điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, xứng đáng là lá chắn vững chắc, là thanh bảo kiếm sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.
Danh dự của mỗi CBCS gắn chặt với danh dự của toàn lực lượng CAND
Phát biểu tổng kết toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, thời gian qua, lực lượng CAND triển khai thực hiện lời căn dặn "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" bằng những mô hình, phần việc thiết thực cụ thể hằng ngày như: "mỗi ngày làm một việc tốt", "tự học, tự rèn, tự đào tạo", "làm hết việc, không làm hết giờ", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", "xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ"...
|
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tổng kết toạ đàm. Ảnh: TH. |
Kết quả đã thể hiện rõ sự quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, kéo giảm tội phạm, đạt và vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra; gương mẫu, đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia, cải cách hành chính phục vụ Nhân dân, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo bước "đột phá", chuyển trạng thái hoạt động trong công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân; chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, buôn lậu, kinh tế... theo tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ". Đồng thời chấn chỉnh kịp thời, tạo chuyển biến rõ rệt, từng bước kiềm chế làm giảm tai nạn giao thông, giảm các vụ cháy nổ; tập trung giải quyết các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh, ngay tại cơ sở, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Từ lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể khẳng định: Danh dự của người CBCS Công an luôn gắn chặt với danh dự của lực lượng CAND. Vì vậy, mỗi CBCS CAND phải luôn đề cao ý thức bảo vệ danh dự cá nhân cũng như bảo vệ danh dự của Đảng, Nhà nước và của ngành Công an.
"Mỗi lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ, việc làm của CBCS phải coi Sáu điều Bác Hồ dạy CAND là "kim chỉ nam" và phải hướng tới 4 chuẩn mực, đó là: chuẩn mực chính trị; chuẩn mực pháp luật; chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực văn hóa. Từ đó, mỗi CBCS CAND phải xác định rõ và nhận thức đúng đắn về "danh dự", vững vàng đối mặt với những khó khăn, cám dỗ, âm mưu, thủ đoạn tinh vi của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm để luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy phẩm chất cao quý của người Công an cách mạng, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của người CBCS Công an trong lòng nhân dân", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị, trong thời gian tới, lực lượng CAND cần tiếp tục xác định rõ nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu, có tính nguyên tắc là phải tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đồng thời, tiếp tục thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; phát huy trách nhiệm và vai trò nêu gương, nhất là người đứng đầu…/.