|
Đại tá Lưu Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Bình Dương. Ảnh: KPG |
Chia sẻ với phóng viên, Đại tá Lưu Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Bình Dương cho hay, ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu của Công ty là trồng, khai thác, chế biến mủ cao su. Là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh làm nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế quốc phòng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa. Một số năm gần đây do chịu tác động, ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, giá tiêu thụ sản phẩm mủ cao su ở mức thấp, khó tiêu thụ ảnh hưởng đến thu nhập người lao động. Nhưng với phương châm tất cả hướng về người lao động, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất của đơn vị như: áp dụng kỹ thuật, đầu tư thâm canh, đưa năng suất vườn cây đi lên, bảo đảm sinh trưởng bền vững. Đồng thời, Ban Giám đốc tích cực tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ vậy, hơn 4.177ha (trong đó gần 2.500 ha cao su khai thác) của Công ty phát triển khá tốt, sản lượng đạt 3,1 tấn/ha, thu nhập bình quân gần 8,6 triệu đồng/người/tháng; 100% người lao động đều vượt sản lượng, đơn vị luôn về đích trước so với kế hoạch.
|
Công nhân Công ty Bình Dương đang đổ mủ cao su, tập kết đưa đến cơ sở chế biến. Ảnh: KPG |
Với phương châm “phát triển cao su đến đâu, xây dựng khu dân cư đến đó” đơn vị đã quy hoạch và xây dựng được 11 cụm điểm cư với 807 hộ, 2.861 nhân khẩu, trong đó có 2.027 nhân khẩu là người dân tộc thiểu số; các điểm dân cư được phân bổ phù hợp với quy hoạch Khu Kinh tế - Quốc phòng và địa bàn sản xuất của đơn vị. Đi liền với điểm dân cư, Công ty Bình Dương chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn như xây dựng, sửa chữa, duy tu đường sá, cầu cống, hệ thống điện, bể nước sinh hoạt, nhà ở di dân, hỗ trợ kinh phí đối với lao động mới để ổn định nơi ăn, chốn ở với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng.
Công tác dân vận, vận động quần chúng, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty Bình Dương đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Công ty tổ chức chu đáo việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 174 triệu đồng; Hỗ trợ cứu đói, giáp hạt cho bà con có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đơn vị đứng chân 52,6 tấn gạo; giúp dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình với 220 ngày công. Phối hợp với huyện Chư prông triển khai mô hình cánh đồng lúa nước tại làng Chư Kó, xã Ia Púch bước đầu đạt kế quả tốt và được nhân rộng.
Hỗ trợ khắc phục thiên tai bão lũ, hỏa hoạn cho người dân trên địa bàn với 220 ngày công và 245 triệu đồng, hỗ trợ vốn di dân cho 30 hộ gia đình người lao động dân tộc H’Mông với số tiền 900 triệu đồng. Cùng với đó, Công ty xây tặng 05 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội với 390 triệu đồng; đầu tư xây mới 01 Trường mầm non trị giá 3 tỷ đồng; sửa chữa, trang cấp thiết bị cho 10 điểm trường, nhà trẻ với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng.
Không những vậy, Công ty Bình Dương luôn chú trọng chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho người lao động, các chế độ chính sách được giải quyết đầy đủ, kịp thời, hỗ trợ những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo...
|
Chị KPuil Ble, dân tộc Jrai, công nhân Công ty Bình Dương. Ảnh: VA |
Chia sẻ với chúng tôi, chị KPuil Ble, dân tộc Jrai, công nhân Công ty Bình Dương đã có 17 năm gắn bó với cao su nói: “Lúc chưa vào làm công nhân, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, thu nhập bấp bênh do không có công việc ổn định phải đi làm thuê, làm mướn. Thế nhưng từ ngày biết trồng và khai thác mủ cao su, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện. Hiện nay, thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu đồng, nhờ đó con cái được đi học đàng hoàng”. Hàng năm, những ngày Lễ, tết, Công ty Bình Dương đều thưởng tiền và quà cáp đầy đủ. Rồi những lúc ốm đau, thai sản cũng được lãnh đạo hỏi han, động viên. Vì lẽ đó, nên chị KPuil Ble yên tâm sản xuất, xác định sẽ gắn bó lâu dài với Công ty.
Nói về mối quan hệ máu thịt quân dân, Đại tá Lưu Văn Đoàn chia sẻ, Công ty kết nghĩa với 05 xã, 06 đội sản xuất với 12 thôn làng trên địa bàn đứng chân. Cũng như nhiều đơn vị khác trong Binh đoàn 15, Công ty Bình Dương chú trọng hoạt động “gắn kết hộ” như hộ người Kinh với hộ người dân tộc thiểu số; hộ người dân tộc thiểu số tiến bộ với hộ người dân tộc thiểu số chưa tiến bộ… Hiện đơn vị có 73 cặp hộ gắn kết, thông qua đó, các hộ gia đình đã tạo được sự gần gũi, chia sẻ giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình. Công tác tuyển dụng, đào tạo, tạo việc làm đã được Công ty quan tâm, chăm lo, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động, trong đó gần 75% là người dân tộc tại chỗ và các dân tộc phía Bắc.
Có thể khẳng định, dù trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ, người lao động Công ty Bình Dương luôn đoàn kết nhất trí, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao./.