Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong giai đoạn mới

Thứ tư, 10/02/2021 20:44
(ĐCSVN) – Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Quân đội cần có những đổi mới phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Để hiểu rõ hơn điều này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Xuân Sang – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
  

Thiếu tướng Lê Xuân Sang – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (Ảnh: Hồng Pha)

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết vai trò, ý nghĩa của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Quân đội?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, một mặt hoạt động cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của Quân đội. Vai trò của công tác giáo dục chính trị tư tưởng thể hiện tập trung ở việc trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng lập trường giai cấp công nhân, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội.

PV: Để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong Quân đội đã có những đổi mới như thế nào, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng để phù hợp với tình hình thực tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quán triệt tinh thần đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp trong toàn quân, cụ thể:

Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác giáo dục chính trị tư tưởng luôn luôn kịp thời, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong toàn quân; các cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Bám sát yêu cầu xây dựng Quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, chương trình, nội dung giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn quân được xây dựng đồng bộ, hệ thống tài liệu nghiên cứu, học tập luôn luôn được bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp với từng đối tượng; đồng thời, bổ sung bảo đảm cân đối, hài hòa theo hướng mở, phân cấp 20% tổng thời gian để cơ quan, đơn vị tự xác định nội dung giáo dục.

 Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân La Văn Cầu kể chuyện truyền thống với chiến sĩ trẻ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2). Ảnh: Hồng Sáng

Hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng được các cơ quan, đơn vị vận dụng linh hoạt, đổi mới mạnh mẽ theo hướng lấy đối tượng giáo dục làm trung tâm, trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị, niềm tin, tình cảm, ý chí, trách nhiệm và hiệu quả công tác làm thước đo chất lượng; gắn công tác giáo dục chính trị với công tác tư tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật, thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động và huấn luyện quân sự, xây dựng nền nếp chính quy; tổ chức học tập qua mạng nội bộ. Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả được đổi mới theo hướng gắn khả năng nhận thức lý luận với năng lực xử lý, vận dụng thực tiễn theo chức tránh, nhiệm vụ của người học.

Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng toàn diện về phẩm chất và năng lực, nhất là bản lĩnh chính trị, trình độ sư phạm, khả năng sử dụng phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các hình thức giáo dục chính trị (trọng tâm là hướng dẫn, bồi dưỡng khả năng xây dựng giáo án điện tử, sử dụng phương tiện trình chiếu trong hình thức giảng bài chính trị). Việc bồi dưỡng thông qua nhiều hình thức, như: giảng thử, giảng mẫu, hội giảng, bình giảng, thi cán bộ giảng dạy chính trị...

Đầu tư, quản lý, sử dụng trang bị, phương tiện giáo dục chính trị tư tưởng, bảo đảm nguồn kinh phí để bảo đảm tài liệu, phương tiện kỹ thuật, sơ đồ, tranh, ảnh, phim, băng đĩa hình...  góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong quân đội hiện nay.

PV: Trong thời gian qua, việc Việt Nam cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Xin đồng chí cho biết, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng này đã được thực hiện như thế nào?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế, “Đề án Tổng thể về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo”, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết về việc Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Tổng cục Chính trị ban hành hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cục Tuyên huấn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan: Cục Chính trị Bộ Tổng Tham mưu, Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam, Cục đối ngoại Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân y 175, Học viện Quân y, Binh chủng Công binh biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền, giáo dục về Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức đầy đủ về xu thế hội nhập quốc tế, về Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc; thấy rõ vai trò, vị thế, hình ảnh thân thiện của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khẳng định chủ trương, cam kết và những đóng góp của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề quốc tế và khu vực. Cục Tuyên huấn cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí quân đội tuyên truyền Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và số 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Nam Xu-đăng và Lễ trao Quyết định của Chủ tịch nước cho các đồng chí cán bộ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi.

Các sỹ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan
  (Ảnh: Cục GGHBVN) 

Từ năm 2018 đến nay, Cục Tuyên huấn quản lý, hướng dẫn hơn 1.500 lượt phóng viên của 68 cơ quan báo chí trong nước và 186 lượt phóng viên của 25 cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam tuyên truyền về Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Nhiều tác phẩm báo chí tuyên truyền về Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tham dự giải báo chí toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VI đạt giải cao, như: Giải Nhì tác phẩm “Những ngày covid và chuyện kể từ Châu Phi” của nhóm phóng viên Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội; Giải Nhì “Sáng kiến may khẩu trang tặng nhân viên hệ dân sự, quân sự và nhân dân địa phương” của Trung tá Nguyễn Thị Liên, cán bộ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Giải Ba loạt bài “Việt Nam trên chặng đường gìn giữ hòa bình tại Nam Xu-đăng” của Vũ Mạnh Hùng Báo Quân đội nhân dân. Tác phẩm “Nghĩa tình Bộ đội Cụ Hồ ở Trung Phi” của tác giả Hồng Linh, Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đạt Giải nhất báo chí về “Văn hóa ứng xử”. 02 tác phẩm báo chí đoạt giải về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng 05 năm 2014 - 2019, gồm: Giải C tác phẩm “Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Viết tiếp lời thề với Đảng” và Giải Khuyến khích tác phẩm “Cờ Tổ quốc ở Nam Xu - đăng” của nhóm phóng viên Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội. Đặc biệt là đã tổ chức trại sáng tác các tác phẩm viết về lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, gồm các tác phẩm:  “Bác sĩ mũ nồi xanh” của tác giả Hồ Trọng Tuấn; “Vì hòa bình” của tác giả Bùi Đức Nghĩa; “Chung tay dệt hòa bình” của tác giả Trần Quốc Đạt; “Màu áo anh mang - áo xanh, áo trắng” của tác giả Nguyễn Anh Thông; “Những cánh chim hòa bình” của tác giả Lê Tuấn Bảo; “Theo bước chân người chiến sĩ mũ nồi xanh” của tác giả Trần Minh Thăng; “Khát vọng hòa bình” của tác giả Lê Hồng Kỳ; “Mệnh lệnh trái tim” của tác giả Nguyễn Hồng Ngọc; “Nhớ Sudan” của nghệ sĩ Giáng Son; “Lính gìn giữ hòa bình Việt Nam” của Nghệ sĩ Bá Môn; “Em là lính mũ nồi xanh” của nghệ sĩ Ngọc Thịnh; “Mũ nồi xanh”, nhạc của Xuân Trí, lời Nghệ sĩ ưu tú Trung Hiếu... Có thể nói, những tác phẩm trên đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh bộ đội cụ Hồ của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đồng thời cũng mang những hiệu ứng tích cực đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Bên cạnh đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho Lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc đã tập trung giới thiệu 02 chuyên đề về thành tựu 5 năm Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và quan điểm của Đảng về đối ngoại và đối ngoại quốc phòng trong thời kỳ mới. Tổ chức học tập sâu, kỹ 08 chuyên đề: (1) Tình hình an ninh chính trị xã hội nước Cộng hòa Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung phi và các quy định của Liên hợp quốc. (2) Nhiệm vụ, yêu cầu, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. (3) Đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay. (4) Công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. (5) Quan điểm của Đảng ta về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam. (6) Một số nhận thức mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. (7) Nâng cao tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. (8) Phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

 Giờ giải lao trên bãi tập của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 (Quân khu 2). Ảnh: Hồng Sáng

Qua đó, lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc luôn trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nhận thức tốt về nhiệm vụ; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức trách nhiệm cao, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, luật pháp quốc tế và nước sở tại; chủ động đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá, chia rẽ quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc, kiên quyết đấu tranh, phê phán với những biểu hiện ngại khó khăn, gian khổ và các biểu hiện tiêu cực khác. 100% cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Liên hợp quốc, chính quyền, nhân dân nước sở tại ghi nhận và đánh giá cao. 

PV: Tình hình thế giới và khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, vậy đâu là những khó khăn, thách thức đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở nước ta, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Dự  báo trong những năm tới tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng sẽ phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn. Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thoả hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau gay gắt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân tuý trong quan hệ quốc tế gia tăng; thiên tai, dịch bệnh, an ninh xã hội và an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm môi trường,... tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn; các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội; thực hiện “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội ngày càng quyết liệt, công khai, trực diện hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra thời cơ và thách thức mới trên tất cả các lĩnh vực. Quân đội đang tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, đề án, chiến lược quan trọng của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện điều chỉnh, tổ chức lực lượng; cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong Quân đội; tình hình biển đông, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp... Đó là những khó khăn, thách thức đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng ở nước ta.

PV: Theo đồng chí, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?

Thiếu tướng Lê Xuân Sang: Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một nhiệm vụ, một nội dung quyết định để xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ chiến sĩ. Tập trung kiểm tra, rà soát lại thực trạng tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ; chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm. Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải cụ thể, bám sát kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của trên; tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, khâu yếu, mặt yếu. Khắc phục triệt để hiện tượng coi công tác giáo dục chính trị - tư tưởng là của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Phát huy có hiệu quả vai trò tham mưu của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp trong tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Coi trọng bồi dưỡng cho cán bộ các cấp về phương pháp, kinh nghiệm giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh trong đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sỹ; kết hợp chặt chẽ quản lý con người với quản lý đơn vị, quản lý vũ khí, trang bị, tài liệu. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Hai là, tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng

Trong điều kiện hiện nay, cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị; giáo dục làm rõ đối tượng, đối tác, bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống; giáo dục chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa; lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hoá của dân tộc, của Đảng, của giai cấp công nhân, của quân đội, của đơn vị; giáo dục kỷ luật quân đội và chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời trang bị những kiến thức cần thiết về kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội, nhất là về kỹ năng sống, văn hoá ứng xử, giao tiếp... Đấu tranh chống những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nâng cao chất lượng các hình thức, phương pháp tổ chức giáo dục chính trị như: học tập chính trị; sinh hoạt chính trị, tư tưởng; nghiên cứu chuyên đề của sĩ quan; ngày chính trị và văn hoá tinh thần; thông báo chính trị - thời sự, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình; thông qua hoạt động thực hiện nhiệm vụ, phong trào thi đua, các cuộc vận động, kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày truyền thống, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các thiết chế văn hóa, thiết chế dân chủ trong quân đội. Nghiên cứu vận dụng thích hợp hình thức mới là học tập trên internet mạng xã hội.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả nắm, đánh giá, phân loại và giải quyết tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ

Các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện tốt nội dung, yêu cầu các khâu, các bước của công tác quản lý tư tưởng, bảo đảm nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ, phân tích đánh giá, phân loại sát thực tế, giải quyết đúng đắn, kịp thời và có hiệu quả những vấn đề nảy sinh, bảo đảm sự ổn định vững vàng về tư tưởng, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao để phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của các tổ chức, các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Duy trì có nền nếp việc nắm tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sỹ qua chế độ báo cáo, giao ban, phản ánh. Làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm chắc hồ sơ lý lịch, quản lý chặt chẽ các đối tượng. Kết hợp chặt chẽ quản lý tư tưởng với quản lý theo điều lệnh. Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ học tập, sinh hoạt, công tác, chú trọng rèn kỷ luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật. Khi đơn vị xảy ra vụ việc vi phạm kỷ luật, pháp luật phải kịp thời báo cáo theo phân cấp, xử lý nghiêm minh, quy rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ huy, kịp thời rút kinh nghiệm trong quản lý, giải quyết tư tưởng.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổ chức triển khai có hiệu quả hình thức sinh hoạt ngày chính trị và văn hóa tinh thần, sinh hoạt tư tưởng, tọa đàm, đối thoại ở cơ sở. Qua đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cơ quan nắm bắt kịp thời tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, trực tiếp giải quyết những vướng mắc, nhu cầu nguyện vọng chính đáng.

Kết hợp chặt chẽ công tác quản lý tư tưởng với công tác chính sách, công tác thi đua, khen thưởng, xây dựng, nhân điển hình tiến tiến trong đơn vị, cơ quan, nâng cao chất lượng xây dựng môi trường văn hóa, bảo đảm tốt tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ.

Bốn là, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Phát huy truyền thống, công hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”

Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thành việc làm thường xuyên, thiết thực theo chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để tạo ra được chuyển biến tiến bộ mới về đạo đức, lối sống. Khắc phục những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sỹ. Thường xuyên rèn luyện phấn đấu theo chuẩn mực, tiêu chí phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, chức trách của từng đối tượng. Đưa kết quả học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nhận xét, đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của các cấp, các tổ chức và bình xét phân loại cán bộ, đảng viên. Coi trọng công tác kế hoạch, kiểm tra, giám sát đảng viên, tổ chức đảng gắn với tổ chức thực hiện nghiêm túc Qui định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp.

Nội dung, phương thức giáo dục, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống phù hợp với đặc điểm từng đối tượng và yêu cầu nhiệm vụ của từng lực lượng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật quân đội. Kết hợp tuyên truyền giáo dục với tăng cường công tác quản lý, kiên quyết kiểm điểm, xử lý nghiêm những hiện tượng vi phạm pháp luật, kỷ luật, vi phạm về tư cách, đạo đức quân nhân. Thực hiện tự phê bình và phê bình một cách thường xuyên, nghiêm túc, làm trong sạch nội bộ, kiên quyết đấu tranh khắc phục những biểu hiện sai trái.

Năm là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ về đối tượng, đối tác của cách mạng trong tình hình mới.

 

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa và các cán bộ, chiến sỹ tham quan một khu trưng bày đề tài, sản phẩm giáo dục chính trị. (Ảnh: Minh Sơn )

Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng ta về xác định đối tượng, đối tác của cách mạng trong Nghị quyết Trung ương Tám, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; các nghị quyết, kết  luận của Đảng về nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Cán bộ chiến sỹ cần hiểu rõ: đối tượng, đối tác cũng có thể đan xen, chuyển hóa lẫn nhau, biến hóa khó lường, trong mỗi đối tượng cũng có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một đối tác cũng có mặt khác biệt, mâu thuẫn cần đấu tranh... Cần có cách nhìn mới, toàn diện và linh hoạt để có chủ trương, giải pháp đối phó thích hợp: tranh thủ mặt đối tác, cảnh giác, đấu tranh với mặt đối tượng. Khắc phục cả hai khuynh hướng sai trái là tuyệt đối hóa mặt đối tác dẫn đến mơ hồ, mất cảnh giác, thủ tiêu đấu tranh; hoặc tuyệt đối hóa mặt đối tượng dẫn đến cứng nhắc trong nhận thức và xử lý các tình huống nhạy cảm.

 

Thực hiện đồng bộ những giải pháp trên sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lượng lượng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong tình hình mới.

Nhân dịp đầu xuân mới 2021 và tết cổ truyền  Tân Sửu, xin trân trọng gửi tới lãnh đạo Ban biên tập, cán bộ, nhân viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và toàn thể độc giả lời kính chúc sức khỏe, năm mới thắng lợi mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! Kính chúc đồng chí và gia đình năm mới mạnh khỏe, an khang thịnh vượng!./.

Kiều Giang (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực