Kiên Giang: Công tác dân vận góp phần xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị

Thứ sáu, 03/03/2023 21:01
(ĐCSVN) - Công tác dân vận tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có những tác động tích cực, nổi bật nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận, thông tin đối ngoại, phân giới cắm mốc và quản lý biên giới; góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
 Tỉnh Kiên Giang đã phát huy tối đa điều kiện hiện có, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại trên tất cả các phương diện, gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết ở khu vực biên giới... 

Là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Sông Cửu Long, Kiên Giang có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, là cửa ngõ giao thương với nước bạn Campuchia. Kiên Giang có 15 huyện, thành phố, trong đó có 01 huyện, 02 thành phố giáp biên giới với nước bạn Campuchia (huyện Giang Thành, thành phố Hà Tiên và Phú Quốc), có đường biên giới trên bộ dài 56,8 km; vùng biển rộng 63,293km2, có trên 140 hòn đảo lớn nhỏ (có 43 đảo có dân sinh sống), có 07 xã, phường (25 ấp, khu phố) biên giới của thành phố Hà Tiên và huyện Giang Thành giáp với 3 huyện của 2 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (huyện Côngpôngtrách, huyện Túcmía, tỉnh Campốt và huyện Kirivông, tỉnh Tàkeo); có 01 cặp cửa khẩu quốc tế Hà Tiên - Prek Chak, 01 cặp cửa khẩu quốc gia Giang Thành - Ton Hon và 6 cặp cửa khẩu phụ. Dân cư sinh sống tuyến biên giới đa số là đồng bào dân tộc Khmer có mối quan hệ thân tộc, đồng tộc, tương đồng về văn hóa, phong tục, tập quán với người Khmer Campuchia.

Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết: Thời gian qua, công tác dân vận tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia có những tác động tích cực, nổi bật nhất là công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận, thông tin đối ngoại, phân giới cắm mốc và quản lý biên giới; góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Nhờ vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tuyến biên giới tiếp tục được ổn định. Kinh tế, văn hóa, xã hội được đầu tư phát triển; công tác đối ngoại được tăng cường, thiết thực; quốc phòng - an ninh được giữ vững. Quan hệ nhân dân hai bên biên giới thường xuyên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa... đúng quy định.

 Lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng giáp biên giới.

Song song với việc thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thể hiện qua việc hỗ trợ về vay vốn tín dụng, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở, hỗ trợ tiền điện, nước sinh hoạt... Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nhất là chăm lo các đối tượng chính sách, người nghèo; xây dựng đường dân sinh, cụm tuyến dân cư khu vực vành đai biên giới, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế gắn với an ninh quốc phòng; ký kết quan hệ hợp tác, hữu nghị với 5 tỉnh, thành của Campuchia trên nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang đã phát huy tối đa điều kiện hiện có, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại trên tất cả các phương diện, gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết ở khu vực biên giới. Vì vậy, đồng bào tuyến biên giới luôn tích cực tham gia các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường mở rộng hợp tác và phát triển; thông tin đối ngoại; phân giới căm mốc và quản lý biên giới, đã thành lập và duy trì được 22 tổ nhân dân tự quản với 190 hộ/722 nguời đăng ký tự quản 56,8 km đường bộ và 28/28 cột mốc.

Đặc biệt, những năm qua, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dân vận, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng giáp biên giới; tăng cường giáo dục truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, lòng yêu nước, vận động, giải thích cho đồng bào hiểu rõ và nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch. Thường xuyên theo dõi nắm tình hình và giải quyết kịp thời có hiệu quả các vụ việc phát sinh phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc tuyến biên giới…

 Công tác chăm lo cho các lực lượng vũ trang khu vực biên giới được cấp ủy, chính quyền quan tâm. 

Cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nắm tình hình nhân dân và xây dựng các phong trào đoàn kết trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thông qua nhiều hình thức, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; thực hiện phương châm “tỉnh bám xã, huyện bám ấp, xã bám địa bàn dân cư”, rà soát, tập hợp đoàn viên, hội viên vào các tổ chức chính trị - xã hội; phát động các phong trào thi đua yêu nước. Đến nay, Hội LHPN tỉnh tổ chức tuyên truyền được 1164 cuộc có 27.449 lượt người dự; Tỉnh đoàn tổ chức tuyên truyền 1245 cuộc có 13.597 lượt người dự; Hội Nông dân tỉnh tổ chức phổ biến pháp luật tại 3 huyện biên giới cho 290 cán bộ, hộ viên, nông dân, tổ chức tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia có 1.449 lượt người dự.

Để tăng cường công tác dân vận góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, trong thời gian tới Kiên Giang xác định tiếp tục tăng cường đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu của các cấp chính quyền và nhân dân khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia. Đẩy mạnh công tác đối ngoại về ý nghĩa công tác phân giới, cắm mốc và xây dựng hệ thống mốc quốc giới chính xác, hiện đại, có giá trị pháp lý quốc tế với sự hợp tác, phát triển của hai nước; ý nghĩa, sự cần thiết của việc thúc đẩy giải quyết các vấn đề biên giới còn tồn đọng giữa hai nước; nỗ lực hợp tác của hai Nhà nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng Việt Nam - Campuchia với sự phát triển chung của khu vực.

Chủ động phối hợp với chính quyền các tỉnh giáp biên xây dựng và triển khai những mô hình hợp tác kinh tế để giúp nhân dân hai bên có điều kiện phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân hai bên; góp phần củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới, phục vụ tốt cho công tác bảo vệ biên giới quốc gia. Tổ chức các đoàn tham quan, học tập, hội thảo giữa hai bên biên giới để học hỏi lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác, chăn nuôi đạt được hiệu quả cao. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đối ngoại nhân dân ở vùng biên giới. Không ngừng củng cố và phát huy công tác đối ngoại nhân dân của lực lượng biên phòng và công tác dân vận của chính quyền khu vực biên giới…/.

Bài và ảnh: Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực