Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa

* Tổng kết trao giải Cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, AHLĐ Trần Đại Nghĩa
Thứ ba, 05/09/2023 17:45
(ĐCSVN) - Với tấm lòng thành kính tri ân, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh và Tổng kết trao giải Cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, AHLĐ Trần Đại Nghĩa.
 Lãnh đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trao thưởng cho các tập thể tại sự kiện (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)

Sáng 5/9, tại Hà Nội, Tổng cục CNQP đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh và Tổng kết, trao giải Cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, GS.VS.AHLĐ Trần Đại Nghĩa - người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã dành trọn cuộc đời để cống hiến vì lý tưởng cao đẹp, đem trí tuệ, tài năng, công sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến; một chiến sĩ cách mạng trên mặt trận khoa học kỹ thuật; tấm gương trí thức yêu nước sáng ngời, không màng danh lợi, luôn son sắt, thủy chung với nền KHCN và có công lao to lớn trong xây dựng ngành Quân giới Việt Nam.

Trong diễn văn chào mừng, Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP khẳng định, tên tuổi, dấu ấn tổ chức, chỉ đạo của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, AHLĐ Trần Đại Nghĩa đã gắn liền với sự ra đời của những loại vũ khí làm xoay chuyển cục diện chiến trường. Trong kháng chiến chống Pháp, súng và đạn Bazoka đã kịp thời chặn đứng mũi tiến công của xe tăng Pháp tại Sơn Lộ, Quốc Oai (Hà Đông) và tàu chiến Pháp trên sông Lô. Các loại súng không giật SKZ, súng cối, súng phóng bom, mìn lõm cỡ lớn, đạn bay, đạn chống tăng AT, đạn súng cối 40mm… đã phát huy tác dụng trong các trận chiến đấu công đồn, diệt lôcốt, xe tăng... gây cho địch những thiệt hại nặng nề.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, ông đã cùng các nhà khoa học tiến hành cải hoán thành công nhiều vũ khí thiết bị quan trọng, phù hợp với điều kiện tác chiến và chiến trường Việt Nam, như: Dàn hỏa tiễn Ca-chiu-sa, cải tiến ra đa phù hợp với cách đánh B.52; các thiết bị chống thủy lôi, bom từ trường, bom bi, bom lade, lựu đạn vi điện tử “cây nhiệt đới”, cùng nhiều loại vũ khí, khí tài đặc biệt phục vụ các hoạt động chiến đấu hết sức phức tạp của Binh chủng Đặc công…

Đại diện thân nhân của Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, AHLĐ Trần Đại Nghĩa trao tặng sách cho Thư viện Tổng cục CNQP tại sự kiện (Ảnh: HNV)  

Cũng theo Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, kỹ sư Trần Đại Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng Quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân - đã thắt chặt lý luận với thực hành. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi Giáo sư Trần Đại Nghĩa là “Ông Phật làm súng”. Giới khoa học quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè đã mệnh danh Giáo sư là “Ông Vua vũ khí”. Tên tuổi của ông đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam và nhận được sự cảm phục, kính trọng của bạn bè quốc tế.

“Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp của nhà khoa học lớn - Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, về lý tưởng, sự cống hiến cho dân tộc và đạo đức cách mạng cho các thế hệ cán bộ làm công tác KHCN hôm nay”- Chủ nhiệm Tổng cục CNQP nói.

Thời gian qua, tự hào nối tiếp, kế tục nhiệm vụ xây dựng và phát triển ngành Quân giới, nay là CNQP Việt Nam, trước yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục qua các thời kỳ trong đó có các nguyên Thủ trưởng Tổng cục đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động phấn đấu, học tập theo gương Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Qua đó, CBCNV toàn Tổng cục đã tích cực quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển CNQP; chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả, hoàn thành xuất sắc mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Cùng với thực hiện tốt nghiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng, các doanh nghiệp CNQP đã phát huy khả năng lưỡng dụng của dây chuyền thiết bị, nghiên cứu, sản xuất được nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ phát triển KTXH, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xuất khẩu... Qua đó đã đáp ứng có hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ xây dựng nền CNQP thời kỳ mới; góp phần thiết thực xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trung tướng Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP phát biểu tại sự kiện (Ảnh: HNV) 

Trung tướng Hồ Quang Tuấn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp, cán bộ, đảng viên, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động toàn Tổng cục, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến, không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương sáng ngời về một trí thức yêu nước, không màng danh lợi mang tên Trần Đại Nghĩa.

Cũng tại sự kiện, Trung tá, Ths Phạm Văn Hạnh, nghiên cứu viên Phòng chế tài đại diện thế hệ trẻ phát biểu đã cam đoan không ngừng noi gương, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực cùng kinh nghiệm quý của thế hệ đi trước, tích cực phối hợp, hợp tác trong nước và quốc tế, nghiên cứu thành công nhiều sáng chế được đánh giá cao, khơi dậy khát vọng cống hiến, nguyện ra sức học tập, nghiên cứu, giữ vững đam mê cũng như chủ động phát sinh, sáng chế, nêu cao tinh thàn “7 dám” (dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung), đoàn kết xây dựng Tổng cục CNQP ngày càng lớn mạnh, luôn là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền CNQP Việt Nam, theo đúng định hướng “Xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trong đó phát huy nội lực là yếu tố quyết định; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”.

Trong khuôn khổ hoạt động kỷ niệm trang trọng và ý nghĩa này, Đảng ủy, Thủ trưởng Tổng cục cũng chỉ đạo tổ chức Cuộc thi tìm hiểu cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Thiếu tướng, GS.VS.AHLĐ Trần Đại Nghĩa. Qua cuộc thi ở cấp trực thuộc Tổng cục, các cơ quan, đơn vị đã trao 495 giải thưởng cho tập thể và cá nhân với số tiền trị giá 815 triệu đồng gồm: 32 giải Nhất; 85 giải Nhì; 121 giải Ba, 257 giải Khuyến khích.

Thông tin từ Ban tổ chức cuộc thi cũng nêu rõ, tổng số có 15.156 tác phẩm (các đơn vị miền Trung và miền Nam chỉ chọn nộp 15 tác phẩm dự thi gửi về Tổng cục. Chung cuộc đã chọn 495 tác phẩm tham gia thi cấp Tổng cục, 112 tác phẩm chất lượng tốt ở vòng sơ khảo và 69 tác phẩm chất lượng tốt lọt vòng chung khảo, lựa chọn khen thưởng 32 giải gồm: 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 5 giải Nhì. 10 giải Ba và 16 giải Khuyến khích đồng thời lựa chọn 5 tập thể có thành tích tốt trong triển khai, tổ chức cuộc thi.

Kết quả cuộc thi cũng phản ánh sự tự hào nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành quân giới, tin tưởng rằng, tới đây, toàn thể cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, chiến sỹ và người lao động toàn Tổng cục phát huy kết quả cuộc thi, nâng cao ý thức giữ gìn, viết tiếp truyền thống; tận tâm, tận lực, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với 84 tuổi đời, gần 40 năm hoạt động cách mạng, Thiếu tướng, GS.VS.AHLĐ Trần Đại Nghĩa không chỉ góp phần đặt nền móng cho sự phát triển lớn mạnh của ngành Quân giới và Quân đội nhân dân Việt Nam; mà còn đóng góp quan trọng vào nền khoa học, kỹ thuật, công nghệ nước nhà trên các cương vị: Thứ trưởng Bộ Công thương; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học chuyên nghiệp Bách Khoa, nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng; Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam; Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô; Đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III… Những cống hiến to lớn trên của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Được phong quân hàm Thiếu tướng (1948); được phong tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động” (1952). Cùng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954. 
Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực