Lực lượng CAND quyết liệt thực hành gương mẫu, đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Thứ ba, 28/03/2023 11:15
(ĐCSVN) - Đảng ủy Công an Trung ương luôn chỉ đạo quyết liệt việc thực hành gương mẫu, đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; qua đó khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng CAND.

Ngày 29/3, Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai trương, hòa mạng internet. Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc trao đổi với Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an nhằm làm rõ hơn nội dung được cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tiêu cực nhất là các vụ án trọng điểm, nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được thực hiện quyết liệt với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Xin đồng chí nói rõ thêm về một số kết quả nổi bật Bộ Công an đã thực hiện thời gian qua?

Trung tướng Tô Ân Xô: Có thể khẳng định, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, được quần chúng nhân dân ghi nhận đánh giá cao.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng CAND đã triển khai thực hiện với quyết tâm cao, hành động rất cụ thể, quyết liệt, kiên trì, “không ngừng, không nghỉ”, không khoan nhượng, với tinh thần thượng tôn pháp luật, thể hiện trên các mặt:

Lực lượng Công an nắm chắc tình hình, nhận diện đúng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có tham nhũng, tiêu cực. Khi đã nhận diện, phát hiện có tham nhũng, tiêu cực, luôn chủ động trong thu thập chứng cứ, điều tra sâu, khám phá tội phạm toàn diện, xác minh kỹ, kết luận nhanh chóng, để góp phần đẩy nhanh tiến trình tố tụng.

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an trả lời phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TH.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư: “Phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh trong bản thân mỗi con người, mỗi cơ quan, tổ chức”, xác định đây là “căn bệnh nan y”, là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” trên nhiều lĩnh vực, nên Bộ Công an đặc biệt chú trọng việc chọn thời cơ, thời điểm “phát lệnh” đấu tranh, xác định đối tượng đột phá, lĩnh vực đột phá để vừa đảm bảo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đồng thời “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Công tác khởi tố, điều tra án tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và các quy định của pháp luật có liên quan. Năm 2022 đã phát hiện, xử lý gần 500 vụ, hơn 900 đối tượng; trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đã phát hiện 160 vụ án về tham nhũng và chức vụ; đã được đồng chí Tổng Bí thư đánh giá là “điểm sáng” trong giai đoạn vừa qua.

Qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Bộ Công an đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp quan trọng trong chỉ đạo điều hành, xây dựng đội ngũ cán bộ, hoàn thiện pháp luật; khắc phục các sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, góp phần để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế “không thể đảo ngược”, để mọi cá nhân, tổ chức đều “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng”.

PV: Trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng có gặp khó khăn không khi nhiều đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, thưa đồng chí?

Trung tướng Tô Ân Xô: Đúng là công tác điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng luôn gặp nhiều khó khăn, cả về chủ quan lẫn khách quan. Ví dụ như: Hệ thống pháp luật liên quan chưa đầy đủ, đồng bộ, thậm chí chưa đủ hiệu lực, tính răn đe; công tác giám định, định giá tài sản phục vụ điều tra, xử lý tội phạm, trong đó có việc thu hồi tài sản còn nhiều bất cập, vướng mắc. Những vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng, nhạy cảm, có ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, dân tộc, tác động tới niềm tin của nhân dân, quá trình xử lý đụng chạm tới lợi ích vật chất, lợi ích chính trị của nhiều người, phải cân nhắc tính toán đảm bảo các yêu cầu về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

Trong các vụ án này, nhiều bị can, đối tượng đấu tranh có nhân thân rất “đặc biệt”. Họ là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật, thậm chí có tầm ảnh hưởng đến xã hội, có kinh nghiệm đối phó với hoạt động điều tra, che dấu hành vi phạm tội của bản thân và đồng phạm. Quần chúng nhân dân, người trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận, phát hiện, tố cáo; thậm chí luôn lo sợ bị trù dập. Các đối tượng phạm tội câu kết chặt chẽ, hành vi tham nhũng được che dấu bởi nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong thu thập tài liệu, chứng cứ. Đặc biệt, họ không từ các thủ đoạn mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ, tác động gây áp lực đối với lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, các vụ án tham nhũng thường có nhiều hành vi phạm tội phải chứng minh, khối lượng công việc phải giải quyết trong quá trình điều tra rất lớn, số lượng bị can, đối tượng liên quan, bị hại nhiều, do đó đặt ra yêu cầu, áp lực lớn cho cơ quan điều tra.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy trao chứng nhận và biểu trưng "Gương mặt trẻ Công an tiêu biểu" tặng các cán bộ, đoàn viên, thanh niên Công an có thành tích xuất sắc. Ảnh: TH.

PV: Có thể thấy, lực lượng CAND đã có những cách làm mới, hiệu quả, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm đạo đức, nghề nghiệp, thậm chí “nhúng chàm” bị xử lý hình sự. Vấn đề này cần được nhìn nhận như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Tô Ân Xô: Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai đồng bộ trên cả hai mặt: Đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng theo chức năng của lực lượng CAND và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Công an. Trong cuộc đấu tranh với tội phạm, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định, luôn sẵn sàng cống hiến, hy sinh phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bản lĩnh không vững vàng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật. Đây là tỷ lệ rất nhỏ, rất cá biệt, luôn được chủ động phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Do tính chất đặc thù của tội phạm tham nhũng, tiêu cực như đã nói ở trên, nếu cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thiếu bản lĩnh, không có niềm tin vào chính mình, thậm chí sợ hãi, bị khuất phục sẽ rất dễ vi phạm pháp luật. Vì vậy, Đảng ủy Công an Trung ương luôn chỉ đạo quyết liệt việc thực hành gương mẫu, đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đảng ủy Công an Trung ương thống nhất: Việc xử lý nghiêm một số cán bộ Công an có sai phạm không làm giảm vị thế, uy tín của lực lượng Công an, mà càng khẳng định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bản lĩnh, sức mạnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao uy tín của lực lượng CAND. Đúng như đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: “Bảo vệ, giữ gìn danh dự, uy tín, sức mạnh của lực lượng CAND cũng là một mặt trận cam go, quyết liệt để chiến thắng kẻ địch”.

Vì vậy, Bộ Công an đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, mọi tầng lớp Nhân dân và các cơ quan báo chí, truyền thông cùng chung tay, có trách nhiệm xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Quyết liệt thực hành gương mẫu, đi đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

PV: Vậy, xin đồng chí cho biết, Bộ Công an đã có những giải pháp gì để đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy trong CAND; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”?

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi có hiệu quả các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên CAND". Ảnh: TH.

Trung tướng Tô Ân Xô: Thời gian qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gương mẫu đi đầu, quyết tâm chính trị lớn trong quán triệt, triển khai các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều giải pháp mang tính “đột phá” được tập trung thực hiện hiệu quả, như: Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; hoàn thiện các quy định để quản lý chặt chẽ hơn cán bộ, đảng viên; rà soát đội ngũ cán bộ, đảng viên để loại trừ các trường hợp suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, Mặt trận tổ Tổ quốc, các đoàn thể, chính trị - xã hội... Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét trong xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND. Những kết quả này đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao.

Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu ban hành, triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW vừa là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt vừa là giải pháp chiến lược xây dựng lực lượng CAND trong thời gian tới.

PV: Năm 2023 cũng là năm kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy. Xin đồng chí cho biết việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với xây dựng văn hóa ứng xử trong CAND, Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào?

Trung tướng Tô Ân Xô: Học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt to lớn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và các mặt công tác công an. Để đưa phòng trào này thực chất, hiệu quả hơn, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung quán triệt, làm tốt ba vấn đề cốt yếu, đó là: “học tập”; “quyết tâm thực hiện, làm theo” và “gương mẫu, đi đầu” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy vừa qua và sẽ cụ thể thành một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cả về tư tưởng, tổ chức và đạo đức; là đảng bộ kiểu mẫu, tiêu biểu về phẩm chất, năng lực lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII đề ra.

Thứ hai, “gương mẫu, đi đầu” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chú trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, quy tắc ứng xử trong CAND; kiên quyết khắc phục những tồn tại, yếu kém, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên Công an tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Thứ ba, cụ thể hóa việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành các tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tiễn gắn với phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ” và trong từng chương trình, kế hoạch công tác, nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin cậy giao phó.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, 75 năm Ngày truyền thống xây dựng lực lượng Công an nhân dân (11/3/1948 - 11/3/2023).  Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.  

Phát huy vai trò người đứng đầu trong triển khai Nghị quyết 12-NQ/TW

PV: Năm 2023, Đảng ủy Công an Trung ương đề ra phương châm hành động “Xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Xin đồng chí chia sẻ những giải pháp trọng tâm để cụ thể hóa phương châm hành động trên?

Trung tướng Tô Ân Xô: “Xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn lực lượng CAND trong năm 2023 và những năm tiếp theo, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 12-NQ/TW của Bộ Chính trị, được tập trung thực hiện bởi các giải pháp trọng tâm như:

Nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng, đào tạo cán bộ, chiến sĩ CAND theo phương châm “xây dựng con người là trung tâm, hiện đại trước, kết hợp với hiện đại về phương tiện, hậu cần, kỹ thuật bảo đảm đồng bộ, phù hợp”. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an “vừa hồng, vừa chuyên” có bản lĩnh chính trị vững vàng, vững về pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phương tiện, vũ khí được trang bị, sắc bén trong tham mưu, đề xuất và xử lý các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quốc hội xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác công an.

Thứ ba, tổ chức thực hiện hiện quả các Đề án thành phần triển khai thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương khẩn trương ban hành nghị quyết chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an cấp tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của Công an các đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ tư, phát huy vai trò người đứng đầu, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong quán triệt, phổ biến, triển khai Nghị quyết 12-NQ/TW; lấy Nghị quyết 12-NQ/TW là văn bản để "soi chiếu" toàn bộ chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác trọng tâm của các đơn vị trong nhiệm kỳ và hằng năm.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, thống nhất ý chí và hành động để cùng xây dựng lực lượng CAND có đủ sức mạnh, tiềm lực, khả năng phục vụ hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!./.

Thu Hằng (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực