|
Giáo dục truyền thống cho đoàn viên thanh niên của đảo Sơn Ca. |
Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân có nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), bảo vệ vùng biển, đảo thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có lệnh. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Lữ đoàn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm chắc tình hình nhiệm vụ; xác định rõ đối tác, đối tượng và các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài; tư tưởng chỉ đạo, phương châm, đối sách xử trí các vấn đề trên biển của Đảng, Nhà nước.
Để nâng cao chất lượng huấn luyện, hằng năm, cấp ủy các cấp đã ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác huấn luyện, trong đó xác định rõ nội dung, biện pháp, chỉ tiêu cần thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Lữ đoàn đã tập trung đột phá vào nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; lấy 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp làm kim chỉ nam trong huấn luyện. Lữ đoàn chủ động lựa chọn, xây dựng đơn vị điểm về huấn luyện giỏi để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn Lữ đoàn.
|
Cán bộ, chiến sĩ trên các đảo tích cực huấn luyện, nêu cao cảnh giác và SSCĐ. |
Xác định cán bộ huấn luyện là khâu then chốt quyết định chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn đã tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, kiểm tra và chú trọng khắc phục khâu yếu, mặt yếu còn tồn tại. Các tổ giáo viên tổ chức thục luyện giáo án, giảng thử, giảng mẫu, chuẩn bị tốt bài giảng, mô hình học cụ trước khi lên lớp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện. Khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất trên các đảo, cán bộ, chiến sĩ đã phát huy nội lực, tận dụng vật liệu tại chỗ, chế tạo các mô hình, học cụ đúng, đủ theo quy định.
Theo phương châm: “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, Lữ đoàn tổ chức huấn luyện cho bộ đội từ thấp đến cao, từ cơ bản đến chuyên sâu; lấy thực hành làm trọng tâm, đồng thời tăng cường huấn luyện khả năng cơ động, hiệp đồng và huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp. Chủ động trong huấn luyện xoay vòng, đổi tập, cán bộ, chiến sĩ trên các đảo cũng như khối bờ luôn thuần thục chức trách của mình và có thể thay thế từ 2 đến 3 vị trí khác khi cần thiết. 100% cán bộ, chiến sĩ sử dụng thành thạo các loại vũ khí trang bị trong biên chế.
Lữ đoàn thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, thực hiện huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính, sát phương án chiến đấu, sát đối tượng tác chiến, lấy chiến trường làm thao trường huấn luyện, lấy nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Trường Sa làm mục tiêu huấn luyện. Lữ đoàn tập trung huấn luyện nâng cao trình độ, năng lực toàn diện cho cán bộ, nhất là năng lực tham mưu, chỉ huy, quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị và xử lý các tình huống, coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng huấn luyện. Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cả về chiến thuật và kỹ thuật, đồng thời, chủ động chỉ đạo gắn huấn luyện với tổ chức hội thi, hội thao và rèn luyện nâng cao thể lực, điều lệnh đội ngũ, lễ tiết tác phong quân nhân.
|
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 thường xuyên huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp để không bị động bất ngờ trong mọi tình huống. |
Trong quá trình huấn luyện, sau từng nội dung, khoa mục và vấn đề huấn luyện, các cơ quan, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện trong các lần sau. Cùng với đó, Lữ đoàn tăng cường các nội dung huấn luyện thể lực, các nội dung huấn luyện bổ trợ giúp bộ đội tăng cường thể lực, sự dẻo dai và sức chịu đựng, hỗ trợ cho quá trình huấn luyện. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ luôn nắm chắc nội dung huấn luyện, thành thục yếu lĩnh động tác, nâng cao trình độ xử trí tình huống sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Đóng quân trên quần đảo Trường Sa, xa đất liền, hoạt động độc lập và thường xuyên phải xử trí các tình huống phức tạp trên biển, vì vậy, chỉ huy Lữ đoàn luôn chú trọng huấn luyện SSCĐ. Lữ đoàn thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp quản lý, điều hành huấn luyện nhằm nâng cao năng lực ứng phó, xử trí các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện sát với phương án, sát với nhiệm vụ, sát đối tượng tác chiến, sát vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện có và sát chiến trường.
Chú trọng công tác huấn luyện hậu cần, Lữ đoàn đã tổ chức huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ làm tốt công tác quản lý, khai thác sử dụng các loại trang bị hậu cần hiện có và làm chủ các trang bị hậu cần mới. Các cơ quan, đơn vị tăng cường huấn luyện thực hành, bảo đảm hậu cần cho các đơn vị, đặc biệt là bảo đảm hậu cần cho các đảo. Lữ đoàn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp chứng chỉ 5 kỹ thuật cấp cứu thương binh và chuyển thương hỏa tuyến cho cán bộ, chiến sĩ. Để bảo đảm tốt VKTBKT cho nhiệm vụ SSCĐ, Lữ đoàn đã huấn luyện nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy, quản lý, bảo đảm kỹ thuật cho huấn luyện, SSCĐ, nhất là huấn luyện các quy tắc bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập, khai thác, sử dụng VKTBKT.
Nhằm đẩy mạnh các khâu đột phá trong huấn luyện, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã phát động các đợt thi đua đột kích nhằm khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ thi đua, khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ huấn luyện. Trong quá trình thi đua, công tác huấn luyện được gắn với việc “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng xứng danh bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” và hai khâu đột phá của ngành Kỹ thuật Hải quân “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”.
Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phát huy những thành tích và chiến công của các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 hôm nay luôn đoàn kết, thống nhất, tích cực xây dựng huyện đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân, dân". Mặc dù còn nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 luôn phát huy nội lực, làm tốt công tác huấn luyện, SSCĐ, chấp nhận hi sinh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn 146 vinh dự được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Tập thể Lữ đoàn 146 và 3 đảo ( Song Tử Tây, Nam Yết và Trường Sa) được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Liệt sĩ Trần Đức Thông và liệt sĩ Trần Văn Phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Có 14 lượt tập thể thuộc Lữ đoàn được tặng thưởng huân chương chiến công, quân công các hạng; 6 lần được Chủ tịch nước tặng lẵng hoa và nhiều phần thưởng cao quý khác. |