Người Chính ủy Sư đoàn Nguyễn Nam Khánh

Thứ hai, 05/10/2020 11:08
(ĐCSVN) - “Dù vũ khí trang bị có hiện đại đến mấy cũng không thể và không cho phép xem nhẹ và làm hời hợt công tác tư tưởng, bởi vì giữa vũ khí trang bị kỹ thuật và con người, thì con người vẫn là nhân tố quyết định...” - đó là sự nhất quán trong con người thượng tướng Nguyễn Nam Khánh.
 Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh

Không có tư tưởng chung chung, tư tưởng đơn thuần

Ông sinh ra từ một vùng quê nghèo, lam lũ, nhưng chính mảnh đất ấy lại là mảnh đất “ Địa linh nhân kiệt” - huyện Tây Sơn, Bình Định. Sớm giác ngộ, được hun đúc bởi tinh thần yêu nước của quê hương, cùng với lòng căm thù áp bức bất công. Từ những năm đầu Cách mạng tháng Tám, ông đã là một trong những  hạt nhân của phong trào chống thực dân, phong kiến. Tại nhà máy Đờ Li Nhông của Pháp ở địa phương, ông cùng các công nhân khác giác ngộ, tích cực đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Vì vậy, khi bọn mật thám vây ráp, khủng bố, ông phải chạy trốn khỏi nhà máy và gia nhập đội quân Nam tiến, bắt đầu tham gia chiến đấu ở Nam Trung Bộ. Từ một người chiến sỹ, với sự giác ngộ cao, tổ chức giao việc gì, ông đều vận động quần chúng xung quanh tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy.

Trải qua nhiều cương vị công tác, ông chứng tỏ là người vừa có năng lực, lại có trách nhiệm và kinh nghiệm, đồng thời lại được tín nhiệm của cấp trên, được mọi người yêu mến. Trong quá trình hoạt động trong quân đội, ông hoạt động chính về công tác Đảng, công tác chính trị nhưng không quên học tập nghiên cứu, tìm hiểu về công tác quân sự. Có lần ông nói với chúng tôi là những cán bộ chính trị cấp dưới: “ Chúng ta hoạt động công tác chính trị nhưng là chính trị quân sự, nên phải am hiểu về quân sự. Có hiểu về quân sự thì hiệu quả công tác chính trị mới cao và sát thực”. Ông ví: “Người làm công tác chính trị trong quân đội mà không có kiến thức quân sự thì chẳng khác nào anh chàng “khổng lồ” đi chân khập khiễng”.

Thời gian ông là Chính ủy Sư đoàn 3 rồi lên quân khu và ra Tổng cục chính trị, những buổi nói chuyện của ông với cán bộ nói chung và cán bộ chính trị nói riêng, ông đều có sự chuẩn bị rất chu đáo đối với từng đối tượng. Ông không nói lý luận nhiều mà thường gắn rất chặt giữa lý luận và thực tiễn. Thực tiễn cũng không phải xa xôi, mà từ hoạt động chiến đấu xây dựng ở ngay chiến trường Khu 5, thậm chí những kinh nghiệm từng chiến dịch và từng trận đánh. Rồi từ thực tiễn đó, ông đúc kết thành những nguyên tắc trong lãnh đạo và chỉ huy nên người nghe dễ hiểu và dễ vận dụng vào công tác của mình.

Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (thứ 4, từ phải sang) thăm mộ các liệt sỹ trong chuyến công tác tại Trường Sa năm 1995. (ảnh: Viết Hiền - baobinhdinh.com.vn). 

Tôi nhớ vào khoảng tháng 10 năm 1973 ( thế kỷ 20). Bộ tư lệnh Quân khu 5 tổ chức tổng kết thực hiện nhiệm vụ 2 năm (72-73) và tập huấn cán bộ. Sau khi hội nghị chung làm xong, quân khu dành 2 ngày để từng ngành tổng kết.

Lúc đó ông mới là cấp Đại tá Chủ nhiệm Chính trị Quân khu. Ông trực tiếp chủ trì hội nghị. Sau khi nghe báo cáo chung, các đơn vị và các địa phương phát biểu, ông dành thời gian thích đáng, vừa kết luận hội nghị, vừa có tính chất bồi dưỡng những quan điểm, tư tưởng, những nội dung, phương pháp công tác cho cán bộ chính trị dưới quyền. Hôm ấy, ông phân tích rất sâu và nhấn mạnh về công tác tư tưởng trong lực lượng vũ trang quân khu, nhất là trong điều kiện chiến đấu liên tục, ác liệt, gian khổ. Ông nói: “ Dù vũ khí trang bị có hiện đại đến mấy cũng không thể và không cho phép xem nhẹ và làm hời hợt công tác tư tưởng, bởi vì giữa vũ khí trang bị kỹ thuật và con người, thì con người vẫn là nhân tố quyết định...”.

Trong công tác tư tưởng, ông nhấn mạnh: “Giải quyết tư tưởng trong cán bộ chiến sỹ LLVT quân khu không thể chung chung mà phải đi vào cụ thể từng trận đánh, từng chiến dịch, từng hình thức chiến thuật, từng đối tượng tác chiến... Muốn vậy thì người làm công tác tư tưởng phải hiểu sâu về quân sự. Không có tư tưởng chung chung, tư tưởng đơn thuần”.

Chính những luận điểm ấy ông phân tích đã tạo cơ sở cho chúng tôi mở mang thêm về kiến thức mà vận dụng vào thực tế công tác của mình. Bởi lẽ, cán bộ chính trị các cấp ngày ấy phần lớn trưởng thành từ cơ sở, trải qua chiến đấu công tác ở chiến trường cân nhắc lên, không qua trường lớp nào, thì việc bồi dưỡng như ông đã làm, có tác dụng rất lớn đối với những người làm công tác chính trị trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước... 

Kiên định, tuyệt đối, không được chùn bước trước khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh

Tối hôm ấy tại một khu rừng ở huyện Trà My, căn cứ của quân khu Bộ quân khu 5, ông cho công vụ đến dẫn tôi lên gặp ông. Đến phòng của ông, có điện sáng, ông đang ngồi viết ở bàn làm việc, tôi cất tiếng “ Chào thủ trưởng”, ông đứng dậy ra bắt tay tôi. Đồng chí công vụ đi pha nước, ông nói: “ Hôm nay có trà Thanh Hương( miền Bắc) pha uống cho vui”, ông nói trà người ta mới cho... Hai “ cha con” ngồi uống chén trà đầu tiên.

Bắt đầu vào câu chuyện, ông hỏi tôi : “Tình hình Bình Định lâu nay thế nào? Lâu mình không vào phía Nam nên cũng không nắm chắc lắm, hỏi xem có gì thay đổi không?”. Tôi báo cáo những gì tôi biết. Ông bảo: “ Bình Định vốn là khó khăn, miền Bắc hoặc quân khu chi viện thì chậm, nên phải khai thác tại chỗ là tốt nhất, tình hình như vậy nên nhân dân cũng cực mà bộ đội cũng cực”. Tiếp đó ông hỏi tình hình Sư đoàn 3, tôi cũng chỉ biết về trung đoàn 12, nên báo cáo tóm tắt tình hình trung đoàn 12 trên một số mặt. Sau khi tôi báo cáo, ông nói ngay: “Bây giờ thì thế trận chung và từng địa phương có khác mấy năm trước, cũng là thế “ da báo”, nhưng vùng chính quyền mình kiểm soát rộng hơn, địch đã có xu hướng “co cụm” để đối phó. Rồi đây ta hoạt động mạnh thì tình hình còn có thể khác nữa. Việc tập huấn lần này cũng là để phục vụ nhiệm vụ 2 năm tới (1974-1975)”.

 Kiểm tra công tác bảo quản VKTB tại  Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 , Trung đoàn 2

Nghe ông phân tích tình hình, tôi đoán thấy sẽ có cái gì diễn ra trong năm 74-75 sắp tới, nhưng cụ thể thế nào thì mình là cán bộ cấp dưới làm sao mà biết được.

Cuối cùng ông hỏi: “Anh có hay xuống Bình Khê không? Tôi trả lời "Có ạ". Ông nói: “ Hôm nay mình có viết cho lãnh đạo Bình Khê một lá thư, và gửi cho cô em một lá, cô ấy đang công tác ở huyện Bình Khê”. Tôi hỏi ngay: "Cô nào, thủ trưởng? Cô ấy làm gì ở đó ạ?" Ông trả lời: “ cô Yến là em ruột mình làm y sỹ ở đó. Mấy năm nay anh em cũng chẳng gặp nhau. Mình gửi ông về nếu xuống được thì đưa trực tiếp, nếu không xuống được thì gửi liên lạc mang xuống giúp mình cũng được”.

Tôi đón hai bức thư từ tay ông, bức thư gửi cho huyện ủy thì phong bì ông dán, còn bức thư gửi cho cô Yến thì ông không dán. Hôm sau về, tôi tò mò lấy lá thư ông gửi cho cô Yến ra xem, ông viết cho người em gái ruột đúng 3 tờ pô luya. Trong thư ông viết vài dòng đầu hỏi thăm sức khỏe và điều kiện công tác. Sau đó ông nói về tình hình chung, nói về sự gian khổ, khó khăn của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến... nhất là giảng giải về mục tiêu lý tưởng, động cơ chiến đấu của người đảng viên cộng sản. Cuối cùng ông dặn: “ dù trong hoàn cảnh điều kiện nào em cũng phải vững vàng kiên định, tuyệt đối không được hoang mang, dao động, không được chùn bước trước khó khăn gian khổ, ác liệt hy sinh. Dù có phải hy sinh chăng nữa cũng là vẻ vang, đó là điều anh mong muốn nhất...”.

Đọc thư ông gửi cho em gái, tôi càng thấy giác ngộ thêm. Rất tiếc tôi không đem hai lá thư ông gửi xuống Bình Khê vì công việc chuẩn bị cho tổng kết năm, triển khai nhiệm vụ năm tới. Tôi nhờ liên lạc đem hai lá thư ấy xuống địa chỉ người nhận, thế rồi cũng không biết lãnh đạo huyện Bình Khê và cô Yến có nhận được hay không, tôi cũng không rõ.

Là Chính ủy Sư đoàn 3 thời kỳ đầu thành lập, khi rời khỏi Sư đoàn  về quân khu nhận công tác mới, nhưng lần nào gặp ông cũng hỏi về tình hình Sư đoàn. Có những lần tôi về Tổng cục chính trị họp , gặp tôi ông thân mật hỏi: “Sao lâu nay có về Sư đoàn không?”. Tôi nhớ có lần có số anh em cũ ở Sư đoàn 3 đã chuyển đi công tác khác, hoặc đã nghỉ hưu gặp ông, họ phản ánh: “ Số cán bộ đã qua chiến đấu ở chiến trường ngày một vắng dần”, ông giải thích : “ Cái đó cũng đúng thôi, nhưng cái quan trọng bây giờ là anh em mới về, hoặc mới lên cán bộ Sư đoàn phải nắm cho được truyền thống vẻ vang của một đơn vị như Sư đoàn 3, lấy đó làm cơ sở để vận dụng vào công tác xây dựng và huấn luyện đơn vị. Đối với đơn vị có bề dày truyền thống phải hết sức đề phòng  tư tưởng kiêu căng, tự phụ, cho mình là hơn cả ....”.

Viết bài này, đối với tôi cũng là nén tâm nhang, lòng thành kính đối với người chính ủy Sư đoàn - Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh. Ông đã đi xa, nhưng tên tuổi ông còn mãi mãi trong lịch sử Sư đoàn 3, lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam và lịch sử của dân tộc Việt Nam anh hùng./.

Đồng Sỹ Tài - Nguyên Chính ủy Trung đoàn 12

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực