Phóng viên (PV): Đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ với cương vị là sỹ quan truyền thông tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA) nhiệm kỳ 2021-2022. Thời gian thực hiện nhiệm vụ ở xa Tổ quốc đã mang đến những trải nghiệm như thế nào đối với đồng chí?
Đại úy Vũ Nhật Hương: Tôi đã có “379 ngày” thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hoà bình (GGHB) Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA). Ở đó, tôi có rất nhiều trải nghiệm đầu tiên như lần đầu được làm việc trong môi trường đa ngôn ngữ, đa quốc gia, thậm chí có những quốc gia mà tôi chỉ mới được nghe đến lần đầu. Trong vai trò là một phóng viên hiện trường, công việc phải di chuyển nhiều nơi, chủ yếu là làm việc ngoài trời, có những ngày nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C nhưng vẫn theo đoàn công tác tới các phân khu, các buổi diễn tập hoặc theo đơn vị đi khảo sát, tác chiến, xử lý chất nổ, đòi hỏi phải có một sức khoẻ bền bỉ và nhiều năng lượng mới có thể hoàn thành được công việc đảm nhiệm. Lần đầu tiên được tiếp cận cuộc sống ở một châu lục mới, nơi mà ngôn ngữ cơ thể và những nụ cười là thứ giúp người dân địa phương và những người lính mũ nồi xanh như chúng tôi có thể hiểu nhau hơn. Lần đầu tiên tôi hiểu rằng thiếu thốn về điện và nước sinh hoạt triền miên là điều bình thường trong cuộc sống. Và cũng là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được ngoài COVID-19 thì sốt rét cũng là một mối đe doạ nguy hiểm đối với tất cả nhân viên Liên hợp quốc (LHQ) và lính mũ nồi xanh nơi đây.
PV: Những công việc cụ thể của đồng chí trong thời gian công tác tại Cộng hòa Trung Phi?
Đại úy Vũ Nhật Hương: Thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA, tôi trong vai trò là một phóng viên ảnh, làm việc tại Phòng Truyền thông. Công việc khá là năng động, di chuyển nhiều nơi với nhiệm vụ là làm tin ảnh, tin tài liệu các sự kiện, hội nghị, các chương trình thiện nguyện và tham gia các chuyến công tác tháp tùng Tư lệnh, Phó Tư lệnh lực lượng quân sự Phái bộ MINUSCA đến thăm và làm việc với các đơn vị. Sau mỗi sự kiện hay chuyến công tác, thông tin sẽ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Phái bộ, và đôi khi những hình ảnh đẹp hay thông tin hữu ích sẽ được chọn lưạ để trở thành tin ảnh nổi bật của ngày.
Bên cạnh đó, theo phân công nhiệm vụ dựa trên kinh nghiệm và khả năng, tôi đã trực tiếp tham gia vào các công tác phỏng vấn, viết bài, biên tập và thiết kế cho Tạp chí quân sự được phát hành vào hàng quý. Phối hợp với các thành viên của phòng, chuẩn bị tài liệu và thuyết trình cho các buổi giao ban 02 lần/ tuần dưới sự chủ trì của Tư lệnh lực lượng quân sự. Dưới dự phân công của Trưởng phòng, tôi trực tiếp lấy ảnh, tin bài nhằm phục vụ cho các buổi họp báo định kỳ vào thứ 4 hàng tuần với sự chủ trì của Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký tại Phái bộ MINUSCA.
Tôi cũng phối hợp chặt chẽ với Phòng Điều phối quân dân sự, Phòng Cố vấn Giới của lực lượng quân sự MINUSCA để tổ chức và tham gia một số hoạt động dân vận như: cung cấp dụng cụ y tế cho bệnh viện, trạm xá; phát đồ dùng học tập, quần áo và các vận dụng cần thiết cho trẻ em ở các làng trẻ mồ côi, trường học; tham gia một số chương trình phổ cập giáo dục giới tính cho trẻ em gái vị tuổi thanh niên địa phương. Bên cạnh đó, tôi phối hợp với các đơn vị đang đóng quân tại MINUSCA như Công binh, Không quân trong các hoạt động xây dựng đường xá, công trình nhà cửa…. Ngoài ra, tôi trực tiếp xây dựng phóng sự và hình ảnh phục vụ các sự kiện quân sự như Ngày Quốc khánh, Ngày Thành lập Quân đội của các Quốc gia tham gia hoạt động GGHB LHQ tại MINUSCA.
PV: Vậy trong khi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ MINUSCA, đồng chí gặp những thuận lợi và khó khăn như thế nào?
Đại úy Vũ Nhật Hương: Tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ vốn đã có nhiều khó khăn, thử thách, thiếu thốn và bất ổn về chính trị. Đặc biệt là với nữ giới, mọi khó khăn thường sẽ nhân đôi. Tuy nhiên, tôi luôn tự đặt ra cho mình phương châm rằng “biến khó khăn thành thử thách”, bởi ở đây, bất kể mọi thứ bạn nhìn thấy, bạn trải nghiệm và biết đến đều có những thử thách riêng; và thử thách không chỉ với những cán bộ tham gia công tác như chúng tôi mà ngay chính người dân bản địa cũng gặp phải rất nhiều như đối mặt với dịch bệnh, nạn đói, thiếu điện, nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường…Do tính chất công việc đảm nhiệm, tôi thường xuyên phải theo Đoàn công tác tới các Phân khu ở tỉnh cách thủ đô khá xa, mọi di chuyển phải đi bằng máy bay trực thăng hay các máy bay chuyên dụng của LHQ. Có những khi thời tiết xấu, máy bay hạ độ cao thấp bất chợt, nếu như không có một tâm lý vững hay sức khoẻ tốt sẽ khiến cơ thể bị chao đảo, hẫng hụt…. Hay có những ngày phải làm việc ngoài nắng, mà nắng châu Phi có những ngày lên tới hơn 40 độ C.
Tuy nhiên, với những chuẩn bị về tinh thần và sức khỏe, tôi cùng các đồng nghiệp luôn động viên lẫn nhau để vượt qua thử thách. Mặc dù là nữ và nhận được nhiều sự ưu tiên nhất định, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng cùng nhau khắc phục mọi khó khăn để yên tâm công tác cũng như ổn định cuộc sống xa nhà. Như việc, trước khi triển khai, từ những cán bộ tiền nhiệm, tôi luôn cập nhật tin tức về tình hình địa bàn mỗi tuần/ mỗi tháng nên mặc dù là khi mới sang nhận nhiệm vụ còn nhiều bỡ ngỡ nhưng cũng không để cho sự lạ lẫm làm xáo trộn cuộc sống. Tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các đồng nghiệp quốc tế trong quá trình thực hiện nhiệu vụ, và học hỏi được nhiều kinh nghiệm sinh sống và làm việc trong môi trường đa quốc gia.
PV: Quảng bá về văn hóa và con người Việt Nam là một trong những nhiệm vụ của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Các đồng chí đã có những hoạt động cụ thể nào để thực hiện nhiệm vụ này?
Đại úy Vũ Nhật Hương: Vị trí công tác tại Phòng truyền thông đã cho tôi có nhiều hơn cơ hội được tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Trong quá trình công tác, phòng truyền thông đóng góp một phần quan trọng trong các hoạt động CIMIC (Hoạt động quân dân sự mang tính chất thiện nguyện, giúp dân bản địa) tại MINUSCA, tôi đã tham gia vào các hoạt động thiện nguyện do lực lượng các nữ quân nhân tại MINUSCA tổ chức như: tới các trường học chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục giới tính cho các bạn gái độ tuổi vị thành niên, tới làng trẻ mồ côi để phát quần áo, sách vở, dụng cụ học tập cho trẻ em. Bên cạnh đó, cùng Tổ công tác Việt Nam tổ chức các buổi từ thiện, nấu ăn và giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua các ngày lễ như Tết Nguyên đán, Trung thu tại làng trẻ mồ côi tại Bangui. Chúng tôi đã góp phần truyền bá hình ảnh, con người và nét văn hóa đến với người dân nơi đây.
Đặc biệt, vào dịp Tết nguyên đán và Tết Trung thu năm 2022, Tổ Công tác Lực lượng quân sự Việt Nam tại Cộng hoà Trung Phi đã tới với Làng trẻ mồ cô Bangui, nơi đón nhận những đứa trẻ bị bỏ lại sau những cuộc xung đột hay các nguyên nhân xã hội. Vào dịp Tết Nguyên đán, Tổ Công tác đã có hoạt động tặng đồ dùng bếp, gạo, mì và cả bánh kẹo – món đồ ăn yêu thích của trẻ nhỏ, chúng tôi có cơ hội được Giám đốc Làng trẻ ngỏ ý muốn được ăn các món ăn của Việt Nam thông qua những thực phẩm được tặng. Đó là một buổi tối ý nghĩa, khi Tổ Công tác được nấu món mì chũ gà và được giao lưu hát cùng các bạn nhỏ.
Vào dịp Tết Trung thu, các sĩ quan Việt Nam đã tự tay làm đầu sư tử, chong chóng, đèn lồng (được chuẩn bị từ Việt Nam sau đợt nghỉ phép của các sĩ quan) và cả bánh Trung thu... Chúng tôi đã tổ chức một số hoạt động như tô màu và ghép những bức tranh lại để kể sự tích về Trung thu, rước đèn, phá cỗ, múa hát theo các bài hát Trung thu Việt Nam. Sau buổi ngày hôm đó, các bé đã biết thêm về một văn hoá mới, ở đó có những câu chuyện thú vị như trên cung trăng có chị Hằng, chú Cuội, rước đèn bên chiếc đầu tư sử bằng bìa giấy nhiều màu sắc…và quan trọng, những “vị khách” lạ mà quen đến từ Việt Nam đã mang tới cho các bạn nhỏ cũng như những quản lý làng trẻ không khí nhiều tiếng cười và phút giây thư giãn.
|
Một số hình ảnh đáng nhớ của Đại úy Vũ Nhật Hương trong thời gian công tác tại Cộng hòa Trung Phi |
PV: Thực hiện nhiệm vụ ở xa Tổ quốc, các đồng chí đã đón Tết cổ truyền Việt Nam tại Cộng hòa Trung Phi như thế nào?
Đại úy Vũ Nhật Hương: Vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam, tất cả các hoạt động tại các Phái bộ vẫn diễn ra bình thường theo lịch hoạt động của Liên hợp quốc. Những người lính “mũ nồi xanh” chúng tôi không có ngày nghỉ Tết như ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cùng Tổ Công tác vẫn tranh thủ khoảng thời gian rảnh để biến cái nóng nực ngày hè ở Trung Phi trở nên “xuân” hơn bằng một cái Tết “đặc biệt” trên mảnh đất vẫn còn tồn tại nhiều bất ổn. Thực sự đây là một cái Tết vô cùng đặc biệt không chỉ với tôi mà với tất cả những quân nhân Việt Nam đang được triển khai tới các phái bộ GGHB LHQ.
Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể sắp xếp thời gian vào những phút nghỉ ngơi ít ỏi của những ngày “giáp Tết” đi chợ tìm mua những thứ đồ “gọi là Tết”. Chúng tôi tổ chức gói bánh chưng, cuốn nem và làm một vài món ăn cổ truyền từ một vài nguyên liệu đồ khô mang từ Việt Nam. Một vài món ăn cũng không đủ các gia vị nhưng tình đồng chí, đồng đội đã làm mâm cỗ Tết trở nên ấm áp và đủ đầy hơn.
Về bày biện, trang trí, ở Trung Phi kiếm một bó hoa cắm cho vui thôi cũng là điều xa xỉ, chứ đừng nói là tìm một cây hoa để trang trí. Do đó, chúng tôi đã gắn trang trí bông đào, mai lên một vài cây có sẵn trong khu vực nhà ở để có thêm không khí màu sắc. Khá bất ngờ khi ở đây cũng có lá dong, bởi người dân Trung Phi - họ cũng gói các loại bánh của họ bằng lá này. Nên chúng tôi mới có cơ hội được gói bánh chưng, và có bánh chưng tức là có không khí tết rồi.
Ngày 30 Tết ở Việt Nam là một ngày rất đỗi bình thường tại Thủ đô Bangui. Chúng tôi vẫn trong bộ quân phục chỉnh tề đến trụ sở làm việc, chỉ khác là về sớm hơn mọi ngày một chút. Nếu như ở Việt Nam thì chiều 30 Tết sẽ là thời điểm chạy xuôi ngược đi lo mua sắm đồ bày biện ban thờ, trang trí nhà cửa, đi ngắm chọn cành đào cây quất hay chuẩn bị mâm cơm tất niên cùng gia đình hay nhã hơn thì như tôi sẽ có thói quen đạp xe vòng quanh Bờ hồ với chiếc tai phone để nghe các bài hát về Hà Nội. Nhưng Tết Nhâm dần, năm anh em của Tổ công tác lại đón Tết trong phiên bản của một ngày bình thường và chúng tôi đang biến những điều bình thường trở nên đặc biệt. Lá cờ Tổ quốc, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ngay ngắn và trang trọng bên trên ban thờ; mâm ngũ quả, đĩa xôi, con gà và cả bánh chưng cũng được bày biện gọn gàng; những cành mai đào giấy được cắm ngay ngắn cũng góp phần đưa không khí xuân tràn đầy trong ngôi nhà nhỏ. Khung cảnh 18h chiều vắng lặng, trong ánh sáng được chiếu ra từ vài chiếc đèn pin cũng là thời điểm giao thừa tại Việt Nam. Nam giới trong bộ quân phục chỉnh tề, nữ giới trong bộ áo dài truyền thống, chúng tôi hướng về nơi có Lá cờ Tổ quốc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh để cùng nhau nguyện cầu “Chúc Tết đến trăm điều như ý – Mừng xuân sang vạn sự thành công”.
Sau những lễ thức đó, là khoảng thời gian cho gia đình, tôi đã nhìn thấy đôi mắt rưng rưng của người bạn cùng nhà khi có cuộc nói chuyện hình ảnh cùng đứa con 3 tuổi đang ngây thơ bi bô chúc tết mẹ; tôi cũng thấy cả sự luyến tiếc của người anh khi năm nay có con trai lớn ôn thi cấp 3 mà không thể ở cạnh động viên trực tiếp; và cả tiếng cười giòn tan phát ra từ những chiếc điện thoại khác khi cuộc nói chuyện kèm theo cả tiếng nâng ly chúc mừng đầu xuân năm mới… Và tôi, qua cuộc trò chuyện, tôi thấy được nụ cười và ẩn chứa trong đó là sự lo lắng của mẹ. Mỗi chúng tôi ở mỗi một góc nhà để trò chuyện với gia đình. Mỗi người một câu chuyện nhưng khiến tôi hiểu được rằng Tết là thời gian để sum vầy và Nhà là nơi để về. Nhưng chúng tôi cũng hiểu được rằng, đây là vinh dự, là niềm tự hào khi chúng tôi được giao nhiệm vụ công tác ở Cộng hòa Trung Phi. Chúng tôi cùng nhau nén lại cảm xúc để cùng chúc nhau một nhiệm kỳ bình an và như ý.
PV: Cảm ơn đồng chí, chúc đồng chí một năm mới mạnh khỏe và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ!