Những nhân tố tạo nên thắng lợi của chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc

Chủ nhật, 25/06/2023 20:44
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Để có được thắng lợi oanh liệt đó là kết quả tổng hợp nhiều nhân tố tạo thành, của sức mạnh nội lực và ngoại lực được huy động cao độ trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường.
Đồng chí Trương Thế Hùng, Đội trưởng Đội 8 Công binh tháo gỡ quả thủy lôi MK-52 tại Nam Đàn, Nghệ An ngày 16/3/1967. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (những năm 1967-1968 và 1972–1973) là một trong những chiến công oanh liệt nổi bật của quân dân và dân miền Bắc, nòng cốt là Hải quân Nhân dân Việt Nam; là sự tiếp nối và nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, lực lượng của ta “phá hủy được 13.346 quả thủy lôi và bom từ trường, đập tan âm mưu và hành động phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường vô cùng thâm độc và xảo quyệt của đế quốc Mỹ trên sông, biển miền Bắc”1. Để có được thắng lợi oanh liệt đó là kết quả tổng hợp nhiều nhân tố tạo thành, của sức mạnh nội lực và ngoại lực được huy động cao độ trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường, trong đó tập trung: 

Thứ nhất, đó là sự chủ động, nhạy bén trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Đây là nhân tố hàng đầu, quyết định nhất tạo nên thắng lợi trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc. Sự chủ động, nhạy bén trong lãnh đạo, chỉ đạo được thể hiện tập trung thống nhất trong các cấp ủy đảng từ trên xuống dưới, từ Đảng, Quân ủy Trung ương đến Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; được thể hiện toàn diện các khâu, các bước từ nhận định, đánh giá tình hình, chỉ đạo triển khai xây dựng lực lượng, hiệp đồng, nghiên cứu cách đánh và tổ chức rà phá chống địch phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường. Ngay từ sớm ngày 01/6/1966, trước khi đế quốc Mỹ thực hiện phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường vào đầu năm 1967, Quân ủy Trung ương đã xác định “Vấn đề chống phong tòa là nhiệm vụ cấp thiết”. Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị tích cực triển khai các biện pháp phòng chống và giao cho Hải quân làm nòng cốt, tuần tiễu, tìm đường vòng tránh, tổ chức tháo gỡ thủy lôi, biên soạn thành tài liệu huấn luyện, nghiên cứu cách rà phá thủy lôi. Đầu năm 1966, Đảng ủy Quân chủng Hải quân ra Nghị quyết lãnh đạo Quân chủng chủ động xây dựng kế hoạch chống địch phong tỏa đường thủy. Ngày 03 tháng 5 năm 1972, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chống phong tỏa thủy lôi, bảo đảm giao thông vận tải biển. Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân chủ động phối hợp với các quân khu, quân chủng, binh chủng và cấp ủy, chính quyền các địa phương, tích cực thực hiện việc chống phong tỏa, tổ chức quan sát dọc ven biển, ven sông lớn, tiến hành phá gỡ thủy lôi của địch. Ngày 17 tháng 7 năm 1972, Đảng ủy Quân chủng Hải quân tổ chức quán triệt các chủ trương, chỉ thị mới của cấp trên, đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ và ra Nghị quyết chuyên đề về chống địch phong tỏa. Về trong quá trình tổ chức thực hiện, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân thành lập Đội 8 công binh thuộc Bộ Tham mưu Hải quân, làm nhiệm vụ tham mưu cho Quân chủng tổ chức nghiên cứu cách phòng, chống địch phong tỏa; thành lập Ban Nghiên cứu kỹ thuật; sau này thành lập tiểu đoàn tàu rà phá thủy lôi…

Thứ hai, đó là sự phối hợp nhịp nhàng và phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó Hải quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Chống phong tòa bằng thủy lôi, bom từ trường là cuộc chiến đấu mới, khó khăn, phức tạp, dễ bị tổn thất người, phương tiện, nhất là trong điều kiện ta chưa có nhiều kinh nghiệm, hạn chế cả về phương tiện và công nghệ, nên Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã sớm chỉ đạo thực hiện tốt việc phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó lực lượng Hải quân làm nòng cốt. Ngay từ ngày 23 và 24 tháng 6 năm 1966, Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức hội nghị hiệp đồng giữa Hải quân với các lực lượng có liên quan để quán triệt chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, thảo luận kế hoạch chung và 2 đề án chống địch phong tỏa thủy lôi do Quân chủng Hải quân soạn thảo. Ngày 27 tháng 6 năm 1966, Bộ Tư lệnh Hải quân chủ trì tổ chức Hội nghị hiệp đồng chống phong tỏa thủy lôi với Quân khu 3, Bộ Tư lệnh 350, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang và Công an vũ trang Hải Phòng; phân công trách nhiệm cho từng lực lượng. Bộ Tư lệnh Hải quân cũng chủ động hiệp đồng cụ thể với Cục Vận tải đường biển, phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu Tả Ngạn, các đơn vị lực lượng vũ trang Hải Phòng trong thực hiện rà, phá chống đế quốc Mỹ phong tòa sông, biển bằng thủy lôi và bom từ trường…. Chính nhờ thực hiện tốt sự phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hợp đã phát huy cao nhất ưu thế, sở trường và sức mạnh của các lực lượng đánh bại âm mưu, hành động phong tỏa sông, biển của đế quốc Mỹ bằng thủy lôi và bom từ trường.

Thứ ba, đó là sự thông minh, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, tích cực, chủ động, vừa tiến hành rà phá, vừa nghiên cứu vươn lên làm chủ khoa học trong thực hiện rà phá thủy lôi và bom từ trường. Với trách nhiệm là nòng cốt, ngay từ sớm, Quân chủng Hải quân tổ chức đội phá thủy lôi, có trách nhiệm nghiên cứu kỹ thuật, tìm cách tháo gỡ và huấn luyện, hướng dẫn cho lực lượng liên quan khác tham gia tháo gỡ, rà phá thuỷ lôi. Ban Nghiên cứu kỹ thuật trực thuộc Chủ nhiệm Hậu cần Hải quân nghiên cứu các loại phương tiện, vũ khí, trang bị của các nước viện trợ nhằm cải tiến cho phù hợp với điều kiện của ta và nghiên cứu cải tiến chế tạo mới phục vụ cho chiến đấu của Quân chủng. Lực lượng Hải quân phối hợp với lực lượng tại chỗ để khảo sát, nghiên cứu tìm cách tháo gỡ, rà phá, nghiên cứu nguyên lý gây nổ, tìm ra nguyên lý hoạt động chiến đấu của thủy lôi địch, phục vụ cho việc nghiên cứu chế tạo các phương tiện, thiết bị rà phá có hiệu quả.

Từ những khám phá, kết luận về thủy lôi và bom từ trường của địch, cán bộ ngành kỹ thuật Hải quân đã phối hợp với các xưởng 46 và 56 của Quân chủng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công các phương tiện, thiết bị rà phá thủy lôi như HDL-9 (Hải quân diệt lôi-9); chế tạo thành công thiết bị rà phá mang tên HT-5 (Hải quân từ trường-5) là thiết bị phóng từ có cấu tạo gọn nhẹ, hiệu quả; và sau đó cải tiến thành thiết bị HT-6 có hiệu suất chiến đấu cao hơn; thử nghiệm thành công và cho ra đời những chiếc máy phóng từ hiện đại mang ký hiệu 480 và 311 có kết cấu gọn nhẹ có thể lắp trên các phương tiện tàu, xe, ca nô để phá bom từ trường mang đầu nổ MK42 và chế tạo các khung dây gây biến thiên từ trường lớn dùng tàu tuần tiễu 50 tấn kéo để phá thủy lôi MK-52 của địch…

Việc nghiên cứu, chế tạo thành công các thiết bị, phương tiện phóng từ rà phá thủy lôi đã củng cố ý chí, quyết tâm chiến đấu, tạo ra động lực to lớn cho lực lượng Hải quân cũng như các lực lượng hiệp đồng khác phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chống phong tỏa.   

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Chính trị Quân chủng Hải quân (2023), Chuyên đề: Tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Chiến công chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi và bom từ trường (27/6/1973 - 27/6/2023
2. Đảng ủy Quân chủng Hải quân (1966), Nghị quyết lãnh đạo Quân chủng chủ động xây dựng kế hoạch chống địch phong tỏa đường thủy
3. Quân ủy Trung ương (1972), Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chống phong tỏa thủy lôi, bảo đảm giao thông vận tải biển, ngày 03 tháng 5 năm 1972
4. Đảng ủy Quân chủng Hải quân (1972), Nghị quyết chuyên đề về chống địch phong tỏa, ngày 17 tháng 7 năm 1972
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết Trung ương 8, Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Đại tá Trần Hồng Hải, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực