|
Các chiến sỹ quân đội ra quân giúp nông dân Bình Định thu hoạch lúa bị ngã đổ do mưa trái mùa vừa qua. |
Giúp nông dân cứu vớt, giảm một phần thiệt hại
Tại thôn Thái Thuận, xã Cát Tài, huyện Phù Cát, hơn 40 ha lúa bị ngã rạp và ngâm trong nước nhiều ngày sau trận mưa lớn trái mùa và gió lốc bất thường vừa qua khiến nguy cơ úng thối và nảy mầm rất cao. Trong khi đó, do ngậm nhiều ngày tron nước nên bông lúa khi đưa lên bờ rất dễ rụng, năng suất giảm. Đây là thực trạng mà nhiều nông dân địa phương hết sức lo lắng với mong muốn xuống đồng thu hoạch càng sớm càng tốt để mong cứu vớt, giảm bớt phần nào thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn An (trú ở thôn Hòa Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) đứng ngồi không yên trước 08 sào ruộng lúc Đông- Xuân của gia đình bị ngã đổ cho biết: Lúa vừa mới qua giai đoạn ngậm sữa trĩu nặng, hứa hẹn một mùa thu hoạch khấm khá. Thế nhưng, chỉ sau cơn mưa trái mùa, bất thường vừa qua đã ngã đổ, ngập trong nước. “Vụ Đông - Xuân năm nay khá được mùa, trung bình mỗi sào cho năng suất khoảng 2,5 - 3 tạ. Nhưng bị ngã như thế này thì năng suất giảm còn một nửa” - ông An ngậm ngùi chia sẻ.
Theo đồng chí Nguyễn Bá Quang - Chủ tịch UBND xã Cát Tài: Toàn xã có 700 ha lúa và hoa màu, đã thu hoạch khoảng 130 ha. Hiện bị thiệt hại hơn 500 ha lúa, 160 ha ớt, 30 ha đậu, 15 ha dưa hấu. Nặng nhất là ở thôn Hòa Hiệp và Thái Phú. Hiện chính quyền chỉ mong làm sao hỗ trợ kịp để giúp bà con thu hoạch, vớt vác phần nào thiệt hại….
Trung tá Phan Châu Hùng - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Phù Cát chia sẻ: Ngay khi nắm thông tin, Ban CHQS huyện đã phối hợp với Trường Quân sự Quân đoàn 3 điều động gần 200 cán bộ, chiến sĩ và dân quân cùng đoàn thanh niên địa phương tổ chức thu hoạch lúa giúp bà con ở các thôn Vĩnh Thành, Thái Phú, Hòa Hiệp, Cảnh An, Phú Hiệp; ưu tiên giúp các hộ chính sách, gia đình neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Phân công 3 - 5 cán bộ, chiến sĩ giúp một hộ.
Trực tiếp chỉ huy gần 100 cán bộ, chiến sĩ thu hoạch lúa trong 4 ngày qua, Thượng tá Lê Quang Tường - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Quân sự Quân đoàn 3 cho hay: Quá trình thực hiện nhiệm vụ hầu như cán bộ, chiến sĩ không một phút nghỉ ngơi, bởi nếu chậm trễ chừng nào thì thiệt hại đến với bà con lớn chừng đó, nên anh em phấn đấu khắc phục khó khăn, giúp bà con sớm nhất.
|
Bộ đội 572 (Quân khu 5) thu gom lúa lên cạn chờ máy tuốt. |
Giúp Nhân dân là trách nhiệm của người lính
Ở thị xã An Nhơn, ngay từ sáng sớm, 360 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 739, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã có mặt khắp trên cánh đồng xã Nhơn Phong, cùng với Lữ đoàn 573, lực lượng dân quân và đoàn viên thanh niên địa phương khẩn trưởng giúp hàng trăm hộ dân thu hoạch lúa.
Nhìn hơn 5 sào lúa ngâm trong nước, chỉ trong 1 ngày đã được bộ đội, dân quân thu hoạch xong, cô Trần Thị Hòa vừa rót nước mời anh em, mừng rỡ chia sẻ: “Ruộng ngập nước nên không thể đưa máy gặt đập liên hợp vào được, phải gặt bằng tay. Tiền thuê nhân công mỗi sào chi phí khoảng 1,5 triệu đồng, gấp chục lần so với bình thường. Giá cao đã đành, nhưng nhân công hiện nay rất khan hiếm do dịch dã và nhiều người đi làm ăn xa. Nhà neo người không thể thu hoạch kịp. May mà có các chú bộ đội, dân quân giúp đỡ, chứ không gia đình tôi không biết xoay sở ra sao, cảm ơn các chú nhiều lắm”.
Trung tá Nguyễn Như Chất - Chính trị viên Ban CHQS thị xã An Nhơn cho biết: An Nhơn được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh Bình Định. Nhiều nơi như: xã Nhơn Phong, phường Nhơn Hòa bị thiệt hại nặng nề, diện tích ước tính hàng trăm héc ta. Trong thời điểm địa phương vừa thoát cảnh phong tỏa do dịch COVID-19 không bao lâu, đời sống của nhiều hộ nông dân gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi rất thấu hiểu áp lực đang đè nặng trên vai của bà con. Giúp đỡ người dân lúc này là việc làm rất cần thiết và trách nhiệm của chúng tôi.
Trên cánh đồng xã Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), không chờ nước rút, từ ngày 7 - 9/4, hơn 150 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 572, phối hợp với Ban CHQS huyện, dân quân, đoàn thanh niên, giúp bà con thu hoạch hơn phân nửa diện tích lúa ngã đổ. Chứng kiến tinh thần tích cực, khẩn trương của cán bộ, chiến sĩ mới thấu hiểu hết trách nhiệm, nghĩa vụ của người lính trước thiệt hại, mất mát của nhân dân. Trong khi một số chiến sĩ gia đình cũng đang hứng chịu thiệt hại. Tâm sự với chúng tôi, Binh nhất Nguyễn Ngọc Nguyên - Tiểu đoàn bộ (quê ở Nghĩa Lộc, Mỹ Lộc, Phù Mỹ) cho hay: Cơn mưa vừa qua cũng đã làm gần 2 héc ta mỳ và đậu ở nhà bị ngã, ngập nước. Biết rõ khó khăn của gia đình là vậy, nhưng khi thấy thiệt hại của bà con còn lớn hơn nhiều, nên tôi nỗ lực hết mình, cùng với đồng đội giúp bà con thu hoạch trong thời gian sớm nhất. Ưu tiên các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, ruộng ngập nước.
Còn tại huyện Tuy Phước, địa phương có hơn 4.000 ha lúa chuẩn bị thu hoạch cũng bị ngập nặng. Hơn 150 đoàn viên thanh niên, bộ đội, công an, dân quân đã có mặt ở các cánh đồng, khẩn trương thu hoạch hàng chục ha lúa ngã đổ. Theo đồng chí Dương Minh Tân - Bí thư Đảng ủy xã Phước Hưng, trong 4 ngày qua (từ ngày 5 - 9/4), các lực lượng đã hỗ trợ người dân thu hoạch hơn 50 héc ta lúa bị ngập. Hiện nay, thời tiết nắng nóng trở lại, nhiều cánh đồng không còn ngập nước, có thể đưa máy gặt đập liên hợp, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Riêng vùng lúa sản xuất giống, địa phương vẫn cần sự giúp đỡ hỗ trợ của các lực lượng.
|
Các chiến sĩ Ban CHQS huyện Phù Cát và Trường Quân sự Quân đoàn 3 gánh lúa chuyển về nhà dân. |
Theo thống kê sơ bộ, thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ có hơn 13.900 ha lúa vụ Đông - Xuân bị đổ ngã; 740 ha lúa vụ Hè vừa gieo sạ bị ngập úng; 2.578 ha hoa màu, 65 ha cây lâu năm bị hư hại; 125 tấn muốn bị hư hỏng; gần 2.000 m bờ sông, suối, kênh mương, đường giao thông bị sạt lở; nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng. Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã điều động lực lượng của Trung đoàn 739, ban CHQS các huyện, thị xã phối hợp với Lữ đoàn 572, 573 (Quân khu), Trường Quân sự Quân đoàn 3 cùng với Công an, dân quân, đoàn thanh niên các địa phương thu hoạch hơn 100 ha lúa và hoa màu. Ngoài ra các lực lượng còn giúp ngư dân thành phố Quy Nhơn, huyện Phù Cát và Phù Mỹ cứu kéo 80 tàu, thuyền, cano, thúng máy, bè du lịch, trục vớt phương tiện, ngư cụ... do bị sóng đánh chìm, hư hỏng. Đại tá Nguyễn Xuân Sơn - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Định cho biết: Ngay khi có công điện của Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai lực lựng ứng cứu, giúp nhân dân, kịp thời giảm thiểu thiệt hại cho bà con. Dự báo trong thời gian tới, ấp thấp nhiệt đới sẽ còn diễn biến phức tạp, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình, dự báo, diễn biến thời tiết; phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương, các đơn vị của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Trên thao trường, người lính “Bộ đội Cụ Hồ” không ngại gian lao đổ mồ hôi xuống nền đất bỏng rát thì dưới ruộng đồng, người chiến sĩ Quân đội nhân dân chẳng màn đến khó khăn cho người dân vơi bớt âu lo. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ ngâm mình trong nước, chân lội bùn, đầu đội nắng, gập lưng gặt lúa, quẩy quang gánh thu hoạch mùa màng cứu nông sản đã để lại nhiều tình cảm thân thương, gần gũi với cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Đó còn là minh chứng sinh động của chức năng là đội quân công tác, vì nhân dân phục vụ trong thời bình./.