|
Một giờ học thực hành của Trường Quân sự Quân khu 7. (Ảnh: PV) |
Giáo dục kỷ luật nói chung và giáo dục kỷ luật thông qua huấn luyện quân sự cũng giúp học viên chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của đơn vị; đồng thời là cơ sở để hình thành, phát triển phẩm chất nhân cách, phương pháp tác phong lãnh đạo, chỉ huy của người cán bộ trong tương lai.
Trường Quân sự Quân khu 7 là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, sĩ quan, nhân viên chuyên môn kỹ thuật cho các đơn vị các tỉnh miền Đông Nam bộ. Học viên Trường Quân sự Quân khu 7 rất phong phú, đa dạng với nhiều đối tượng, nhận thức, thời gian học khác nhau, được đào tạo chủ yếu để phục vụ cho các đơn vị trong toàn Quân khu. Trong đó, đối tượng chính là học viên đào tạo tiểu đội trưởng, khẩu đội trưởng, đây là đối tượng có nội dung, chương trình học phong phú, đa dạng kết hợp nhiều môn học như: Chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật… trong đó các nội dung liên quan đến huấn luyện quân sự chiếm nội dung, thời gian lớn trong toàn khóa học.
Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành người trực tiếp huấn luyện, quản lý, rèn luyện chiến sĩ. Để đạt được mục tiêu đề ra, yêu cầu trong quá trình giáo dục-đào tạo, Nhà trường phải xây dựng cho họ kiến thức và năng lực toàn diện, đặc biệt là bồi đắp tình cảm, niềm tin và pháp luật, kỷ luật quân đội và bồi dưỡng phương pháp quản lý để khi ra trường họ biết tổ chức, quản lý, giáo dục bộ đội hiểu biết và chấp hành pháp luật, kỷ luật trong đó cần đặc biệt coi trọng việc giáo dục kỷ luật cho học viên thông qua huấn luyện quân sự.
Quản lý giáo dục kỷ luật cho học viên thông qua huấn luyện quân sự trong thời gian qua đã được nhà trường đặc biệt quan tâm. Thông qua huấn luyện quân sự, các chủ thể quản lý đã kết hợp trang bị kiến thức quân sự, rèn luyện kỹ năng và thái độ chấp hành kỷ luật quân sự. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục kỷ luật thông qua huấn luyện quân sự cho học viên còn có mặt hạn chế như một bộ phận học viên nhận thức và trình độ hiểu biết kỷ luật chưa vững chắc; ý thức tự giác chấp hành kỷ luật quân đội, các quy định của Nhà trường và đơn vị chưa nghiêm; còn có một số các vi phạm như: Thực hiện giờ giấc chưa đúng trên thao trường, bãi tập; mất an toàn trong huấn luyện; mất đoàn kết đồng đội; vi phạm lễ tiết tác phong quân nhân; vi phạm quy chế thi, kiểm tra…. gây ảnh hưởng xấu đến truyền thống, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Nhà trường; làm phai nhạt bản chất quân nhân cách mạng, giảm sút lòng tin của nhân dân trên địa bàn đóng quân đối với đơn vị.
Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do nhận thức, trách nhiệm quản lý giáo dục kỷ luật thông qua huấn luyện quân sự cho học viên ở một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa tốt; công tác kế hoạch hóa giáo dục kỷ luật cho học viên thông qua huấn luyện quân sự còn hạn chế bất cập; phương pháp, hình thức quản lý giáo dục kỷ luật thông qua huấn luyện quân sự chưa phong phú, khoa học; Công tác kiểm tra đánh giá còn chưa phù hợp….
Do đó, cần tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức, thái độ, trách nhiệm cho các lực lượng giáo dục của Nhà trường về vai trò của huấn luyện quân sự đối với giáo dục kỷ luật cho học viên. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, các lực lượng trong nhà trường về nhiệm vụ giáo dục kỷ luật cũng như quản lý giáo dục kỷ luật cho học viên thông qua huấn luyện quân sự là biện pháp rất quan trọng. Thông qua đó để tạo ra sự thống nhất về nhận thức và hành động của mỗi cá nhân trong nhà trường. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch giáo dục kỷ luật gắn với kế hoạch huấn luyện quân sự, làm sao phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể ở nhà trường, đây vừa là biện pháp, nhưng đồng thời cũng là yêu cầu quan trọng là khâu đầu tiên có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả của toàn bộ nội dung quản lý giáo dục kỷ luật thông qua huấn luyện quân sự.
Cần phối hợp chặt chẽ giữa các khoa giáo viên với các cơ quan, đơn vị của Trường Quân sự Quân khu 7 trong quản lý giáo dục kỷ luật cho học viên, bởi việc phối hợp giữa các khoa giáo viên với các cơ quan, đơn vị trong Nhà trường có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hiệu quả của mọi hoạt động quản lý, giáo dục kỷ luật cho học viên. Việc phối hợp giữa các khoa giáo viên với các cơ quan đơn vị trong nhà trường là cơ sở để nắm bắt chất lượng, đối tượng học viên, yêu cầu đặt ra hiện nay về kiến thức giáo dục kỷ luật; nắm bắt số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên quân sự từ đó xây dựng kế hoạch chặt chẽ có sự phối hợp thống nhất với nhau.
Cùng với đó là bảo đảm các điều kiện, môi trường giáo dục kỷ luật cho học viên thông qua huấn luyện quân sự, môi trường giáo dục ở nhà trường quân sự nói chung, Trường Quân sự Quân khu 7 nói riêng, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, cả điều kiện về cơ sở vật chất và điều kiện đời sống tâm lý tinh thần. Vì vậy trong xây dựng môi trường giáo dục ở Trường Quân sự quân khu 7 các chủ thể quản lý cần phải chú ý xây dựng cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Điều đó có nghĩa là phải xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật trong nhà trường ngày càng hiện đại; đảm bảo về giảng đường, thao trường, bãi tập, cảnh quan môi trường..., cho hoạt động học tập và rèn luyện kỷ luật của học viên.
Ngoài ra, cần tập trung chỉ đạo, đổi mới kiểm tra, đánh giá huấn luyện quân sự gắn với giáo dục kỷ luật cho học viên, theo đó các khoa giáo viên cần quản lý, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động học tập, rèn luyện của học viên; các đơn vị quản lý học viên trực tiếp lãnh đạo, quản lý giáo dục, rèn luyện học viên cần quán triệt tốt các chỉ thị, nghị quyết, quy chế về công tác quản lý giáo dục…
Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, đồng thời là sự chấp hành nghiêm túc và chính xác của mỗi quân nhân đối với pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của quân đội, mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy nhằm đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của bản thân và đơn vị. Kỷ luật đó cũng chính là kết quả của toàn bộ quá trình tổ chức, quản lý, giáo dục, rèn luyện và tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi quân nhân trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Do vậy, để hoạt động giáo dục, rèn luyện giữ nghiêm kỷ luật Quân đội được tiến hành có hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đặt ra đòi hỏi hoạt động đó phải được tổ chức và quản lý chặt chẽ, khoa học./.