Tự hào danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”,
Xuất hiện từ rất sớm và gắn liền với quá trình xây dựng, trưởng thành của Quân đội ta, danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi trìu mến của nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. “Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý, chứa đựng sự trân trọng, tin yêu của nhân dân dành cho Quân đội ta. “Bộ đội Cụ Hồ” luôn là một hình ảnh quen thuộc, một biểu tượng cao đẹp trong lòng nhân dân.
Bắt nguồn từ bản chất cách mạng của Quân đội, cùng sự quan tâm, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Quân đội ta đã luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, “tận tâm vì nước, vì dân” là đặc trưng bao trùm trong mọi hoạt động của Quân đội, là yếu tố cốt lõi nhất góp phần tạo thành giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Ngay từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã được nhân dân tin yêu, đùm bọc; coi như con em ruột thịt bởi trong mọi hoàn cảnh, “Bộ đội Cụ Hồ” luôn nêu cao tinh thần “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng" (1).
|
Bộ đội nỗ lực giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: TH). |
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Quân đội là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân chiến đấu, đánh đuổi các thế lực thực dân, đế quốc, giành độc lập, tự do cho nhân dân. Đó không chỉ là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mà còn góp phần khẳng định hình ảnh, giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là sự hòa quyện giữa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với bản chất cách mạng ở quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được hình thành, phát triển gắn liền với lịch sử 80 xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.
Trong giai đoạn hiện nay, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã tiếp tục tỏa sáng ở mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực. Nhân dân cả nước mãi mãi khắc ghi tấm gương những cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới; bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Đó là Thiếu tá Vi Văn Nhất (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa) hy sinh năm 2019; Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng 10 đồng chí cán bộ Quân khu 4 hy sinh năm 2020;.. Và gần đây nhất, những tấm gương cán bộ Quân đội dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3, như: Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Tăng Bá Hưng; Đại úy Nguyễn Đình Khiêm;… đã tô thắm thêm phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
|
Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Lữ đoàn 513 đã dũng cảm, hy sinh khi làm nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024. (Ảnh: ND). |
Đặc biệt, nêu cao tinh thần “vì nhân dân quên mình”, biết bao cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, gắn bó phần lớn tuổi thanh xuân của mình với các địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ địa cách mạng, biên giới, hải đảo. “Quân đội cũng là lực lượng nòng cốt trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Có thể nói, ở đâu có khó khăn, nguy nan, ở đó có Quân đội. Hình ảnh và phấm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn được giữ vững, phát huy và được nhân dân tin yêu” (2).
Gìn giữ, phát huy tinh thần tận tâm vì nước, vì dân
Những năm qua, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tinh thần tận tâm vì nước, vì dân cùng những giá trị phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã luôn được Quân đội ta gìn giữ, phát huy. Đại đa số cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã tích cực tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững và phát huy những chuẩn mực văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”; nêu cao vai trò, trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn, cố gắng hoàn thành chức trách, nhiệm vụ; xứng đáng với tình cảm tin cậy, yêu mến của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Tuy nhiên, số ít cán bộ, chiến sĩ chưa nhận thức đầy đủ, chưa nêu cao trách nhiệm trong gìn giữ, phát huy tinh thần tận tâm vì nước, vì dân, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; các thế lực thù địch, phản động cũng luôn tìm cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, truyền bá tư tưởng “phi chính trị hóa Quân đội”, xuyên tạc hình ảnh, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Cùng với đó là tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng, tâm lý hưởng thụ, ngại cống hiến, lười phấn đấu,… Điều này đòi hỏi phải tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phát huy tinh thần vì nước, vì dân trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội.
Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong gìn giữ, phát huy tinh thần tận tâm vì nước, vì dân; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Thường xuyên đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, quân nhân trên từng lĩnh vực công tác; cổ vũ, lan tỏa những tấm gương quên mình vì nước, vì dân. Tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 855-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới” gắn với đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
|
Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” là trách nhiệm, tình cảm của mọi quân nhân. (Ảnh: TH). |
Coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong rèn luyện, phấn đấu theo các đặc trưng, chuẩn mực của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là tinh thần vì nước, vì dân trong thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương trên các mặt công tác, thực sự là tấm gương mẫu mực trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Đồng thời, khơi dậy tinh thần “7 dám” để mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; sẵn sàng đến những nơi khó khăn, gian khổ với tinh thần tận tâm vì nước, vì dân.
Từng cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa phong trào thi đua quyết thắng với hình thức, nội dung phong phú trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, như: Nghiên cứu, học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu,… Phong trào thi đua quyết thắng phải được thực hiện thường xuyên, toàn diện, có chiều sâu, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị trung tâm và đặc điểm, đặc thù của mỗi cơ quan, đơn vị. Chú trọng xây dựng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo để lan tỏa tinh thần tận tâm vì nước, vì dân trong đông đảo cán bộ, chiến sĩ.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đãi ngộ đối với Quân đội, nhất là các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, các lĩnh vực đặc thù. Đây vừa là sự ghi nhận, đồng thời cũng có ý nghĩa động viên để cán bộ, chiến sĩ Quân đội thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cần chú trọng động viên và kết hợp các nguồn lực, trên cơ sở bảo đảm của Nhà nước là chủ yếu, phát huy sức mạnh tổng hợp gắn với xã hội hóa phù hợp trong thực hiện chính sách đãi ngộ đối với Quân đội, nhất là các chính sách về tiền lương, nhà ở xã hội,…
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2011, tr. 435.
(2). Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H. 2023, tr. 95.