Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga (đứng ngoài cùng bên phải) giao lưu cùng sĩ quan các nước.
Phóng viên (PV): Chị đã bắt đầu nhận nhiệm vụ ở Nam Sudan, vậy công việc hàng ngày của chị là gì?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Tôi nhận nhiệm vụ là sĩ quan tham mưu tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan (UNMISS). Trong hai tuần đầu tiên, tôi làm việc tại Lực lượng phòng vệ, một lực lượng mới của Phái bộ UNMISS. Sau đó, do nhu cầu và khả năng đáp ứng được yêu cầu của công việc, tôi được điều động sang làm sĩ quan tham mưu chuyên trách theo dõi, giám sát các hoạt động quân sự tại Trung tâm chỉ huy quân sự của toàn Phái bộ. Đây được coi là cơ quan đầu não của phái bộ UNMISS.
Công việc tuy bận rộn, nhưng tôi lại muốn làm việc trong môi trường này, vì qua công việc tôi có thể trải nghiệm và học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các bạn bè đồng nghiệp.
Theo đó, công việc của tôi được chia lịch theo từng tuần bao gồm: trực ban ngày và ban đêm tại Trung tâm hoạt động tác chiến của toàn Phái bộ; trực ban ngày tại Trung tâm chỉ huy quân sự của Phái bộ.
Nếu trực đêm, công việc sẽ kéo dài suốt 15 tiếng trong ngày với nhiệm vụ chính là cập nhật các thông tin về quân sự; thông tin chung về các sự cố, tuần tra, tai nạn thương vong… từ bốn phân khu (Đông, Tây, Nam, Bắc) và các đơn vị trên toàn lãnh thổ Nam Sudan. Bên cạnh đó, tôi phải hoàn thành các báo cáo tình hình theo ngày, tuần, tháng, quý; các báo cáo tình hình và bảng tổng hợp kết quả tuần tra của các đơn vị, xây dựng các báo cáo đặc biệt về các sự cố xảy ra trong ngày… Các báo cáo được yêu cầu phải hoàn thiện ngay trong đêm để gửi đến Trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Hoa Kỳ) và các đầu mối chỉ huy trong Phái bộ, nhằm hỗ trợ chỉ huy có cái nhìn khái quát cho buổi họp sáng hôm sau và từ đó chỉ huy đưa ra quyết định, mệnh lệnh và chương trình hành động phù hợp.
PV: Cảm xúc của chị trong những ngày đầu ở một quốc gia châu Phi cách xa về địa lý, khác biệt về môi trường, văn hóa,… như thế nào?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Những ngày đầu mới sang, khi nhìn những ngôi nhà vách đất (mà cũng không biết có thể gọi là nhà hay không), ruộng đồng không có, chỉ thấy những mảnh đất cằn, tôi đã thốt lên rằng: “Người dân ở đây sống bằng gì?”.
Trước đây, khi chuẩn bị lên đường sang Nam Sudan, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để bắt nhịp với cuộc sống và công việc mới ở vùng đất có văn hóa, phong tục hoàn toàn lạ lẫm. Thế nhưng, chứng kiến cuộc sống nghèo khổ và phải đối mặt với những bất ổn về an ninh, dịch bệnh của người dân nơi đây, tôi không còn cảm thấy xa lạ mà thay vào đó là mong muốn được sẻ chia, mong muốn quyết tâm hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Tôi cũng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa lớn lao của con đường mà mình đã chọn và thêm tự tin sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại.
PV: Điều băn khoăn nhất của chị khi nhận nhiệm vụ tham gia Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Tôi nghĩ rằng, điều băn khoăn của tôi cũng giống như phần lớn những sĩ quan Việt Nam đã và đang tham gia Phái bộ, đó là làm sao thích nghi được với khí hậu, môi trường sống, thực phẩm, tình hình dịch bệnh ở đó. Làm sao thích nghi được với môi trường làm việc đa quốc gia, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ liệu có đáp ứng được công việc? Làm sao để gạt bỏ nỗi nhớ gia đình để toàn tâm, toàn ý vào công việc?
PV: Vậy cuộc sống và công việc hiện nay của chị có gặp khó khăn gì không?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Sau hơn một tháng làm việc, tôi đã quen với công việc, cơ bản không có khó khăn gì. Ngoại trừ việc phải trực đêm, tôi thực sự chưa quen lắm vì cơ địa chưa thích nghi được.
Cuộc sống sinh hoạt cũng có nhiều hạn chế, thiếu thốn nhưng tôi vẫn khắc phục được. Tháng đầu, khi mới sang, do thay đổi nguồn nước nên tóc tôi rụng nhiều, mẩn ngứa khắp người do dị ứng, có những đêm còn không ngủ được. Tuy nhiên, tôi tin là mọi việc sẽ sớm ổn định hơn trong thời gian tới.
PV: Là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chị nhận thấy vinh dự và trách nhiệm của mình như thế nào?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Tôi rất vinh dự và tự hào là nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên tham gia Phái bộ Liên hợp quốc. Từ đó, tôi hiểu được trách nhiệm của mình phải làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn khả năng có thể làm, để là tấm gương cho các em thế hệ sau có niềm tin và sẵn sàng nhận nhiệm vụ là người thay thế.
PV: Quan hệ giữa chị và các đồng nghiệp nữ khác tại Phái bộ như thế nào?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Hiện tôi làm việc cùng một nữ sĩ quan đến từ Na-uy và ở cùng phòng với một nữ sĩ quan đến từ Hàn Quốc. Tuy khác nhau về văn hóa, điều kiện, môi trường sống, nhưng chúng tôi có thể chia sẻ với nhau về mọi khó khăn trong công việc và cuộc sống. Hai nữ sĩ quan này đều đến làm việc trước tôi 4 đến 5 tháng, nên hai bạn đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu tôi mới đến Phái bộ.
Ngoài giờ làm, chúng tôi cùng nhau đi tập yoga, tham gia các hoạt động ngoại khóa, đi chợ và thay nhau nấu những món ăn đặc trưng của đất nước mình. Thỉnh thoảng ra ngoài thăm hỏi những người dân quanh vùng. Cả hai bạn nói rằng qua tìm hiểu trên Internet, thấy Việt Nam chúng ta rất tươi đẹp, hiếu khách và ước mong sau khi hết nhiệm kỳ có dịp sang Việt Nam.
Những lúc rảnh rỗi, thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga thường
đến các khu dân cư để gặp gỡ người dân Nam Sudan.
PV: Gia đình là “hậu phương vững chắc” cho chị như thế nào để chị yên tâm công tác?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Tôi rất may mắn khi có ông bà nội ngoại hai bên luôn gọi điện hỏi thăm và động viên để tôi yên tâm công tác, không phải lo lắng việc nhà và học tập của hai con.
Kể từ ngày tôi chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ, chồng tôi đã xin chuyển công tác sang một bộ phận phù hợp, ít phải đi công tác và có thời gian ở nhà với các con.
Hai con thì biết thương yêu, quan tâm nhau hơn, chăm chỉ học và vâng lời ông bà, bố. Nhận thức từ công việc của mẹ, các cháu cũng biết quan tâm hơn đến những người có hoàn cảnh khó khăn và không may mắn. Ngày cuối tuần các cháu tham gia bán hàng ở vài địa điểm du lịch của Hà Nội giúp người khuyết tật (các sản phẩm do người khuyết tật làm) thay vì đi chơi, đi xem phim.
Có những hôm gọi về nhà mà tôi phải kiềm chế để không khóc. Vì con trai lớn nói: “Mẹ gọi về đừng nói nhớ các con nhiều, không thì đến đêm ngủ em lại khóc vì nhớ mẹ, em không chịu ngủ, con cũng không ngủ được”. Những lúc như thế, tôi thực sự rất nhớ các con, nhớ mọi người ở nhà.
PV: Chị nghĩ thế nào về vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay?
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga: Tôi nghĩ rằng, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện nay rất quan trọng. Họ không chỉ làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình mà còn giữ các vai trò trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội... Khả năng đảm bảo trách nhiệm, công việc của phụ nữ không thua kém nam giới. Người phụ nữ hiện nay là người đảm nhận tốt việc nhà và việc xã hội, đồng thời luôn biết tự làm mới mình, có thể làm trụ cột gia đình, có thể thực hiện ước mơ làm chủ cuộc đời, làm những việc lớn cho bản thân, gia đình và xã hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga. Chúc chị luôn mạnh khỏe, xinh đẹp, hạnh phúc và hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao!
----------------------------
(Ảnh trong bài do nhân vật cung cấp)