Vì một cuộc sống bình yên cho nhân dân

Thứ ba, 26/10/2021 12:38
(ĐCSVN) - Chiến tranh qua đi nhưng nguy cơ mất an toàn liên quan đến bom mìn, vật nổ còn sót lại vẫn hiện hữu tại nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Với quyết tâm chính trị cao, thời gian qua Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp rà phá, khắc phục bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, hướng đến mục tiêu vì cuộc sống bình yên cho nhân dân.
 Lực lượng công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn đưa bom vào vị trí hủy nổ. (Ảnh: KT).

Để hạn chế tối đa tác hại của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, Bộ Quốc phòng đã chủ động đẩy mạnh hoạt động điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn, vật nổ. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã thực hiện thành công dự án “Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc” tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự án được hoàn thiện và công bố vào tháng 3/2018, cung cấp thông tin về những khu vực hiện còn nghi ngờ bị ô nhiễm bom mìn và các tác động đối với kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương có cơ sở hoạch định chiến lược, định hướng ưu tiên sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bom mìn, vật nổ cũng được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức. Nhiều dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng cũng được thực hiện có hiệu quả. Đã có hàng nghìn nạn nhân được hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao chất lượng cuộc sống. Anh Trần Văn Huấn, một nạn nhân của bom mìn, vật nổ tại tỉnh Quảng Trị xúc động chia sẻ: “Được tham gia đào tạo nghề đã giúp tôi có cơ hội để hòa nhập cuộc sống, tăng thu nhập và giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Không chỉ được đào tạo nghề, tôi còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để ổn định đời sống”.

Theo Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, những năm qua, công tác tuyên truyền, rà phá, khắc phục bom mìn vật nổ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chỉ tính trong 10 năm (2010-2020), toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ trên 485.000 ha, trong đó có 74.000 ha được thực hiện bởi các dự án thuộc Chương trình 504, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (300.000 ha) và các dự án rà phá bom mìn nhân đạo (111.240 ha). Lực lượng khảo sát, rà phá bom mìn chủ yếu là các đơn vị công binh toàn quân và các đội rà phá bom mìn của các tổ chức quốc tế. Tổng giá trị khảo sát, rà phá ước tính khoảng 12.614 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài 2.197 tỷ đồng (tương đương khoảng 95,5 triệu USD)...

Xử lý hơn 7.000 vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tại tỉnh Hà Giang. (Ảnh: QH).

Qua đánh giá, các dự án rà phá, khắc phục bom mìn vật nổ, giải phóng đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương đã được triển khai hợp lý, đúng tiến độ; góp phần mang lại lợi ích kinh tế - xã hội to lớn cho các địa phương. Đồng thời, việc triển khai các dự án này thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; trực tiếp hỗ trợ người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, đem về màu xanh bình yên trên những vùng đất từng trải qua khói lửa chiến tranh.

Điểm nổi bật trong công tác rà phá, khắc phục bom mìn vật nổ của Bộ Quốc phòng là các cơ quan chức năng đã luôn coi trọng việc nâng cao năng lực quản lý điều hành và năng lực rà phá bom mìn, các cơ quan, tổ chức, các đơn vị Công binh trong toàn quân. Các lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn Việt Nam về khắc phục hậu quả bom mìn và được tổ chức, trong đó có nội dung giới thiệu tiêu chuẩn hành động mìn quốc tế. Nhiều đơn vị chú trọng tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên tham gia các hội thảo, hội nghị, các diễn đàn trong nước và quốc tế về bom mìn và khắc phục hậu quả chiến tranh. Qua đó, đã tạo cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng công tác rà phá, khắc phục bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Phát huy những kết quả nói trên, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 rà phá được khoảng 800.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, ưu tiên tại các địa phương bị ô nhiễm nặng; xây dựng, triển khai dự án “Khảo sát kỹ thuật khoanh vùng các khu vực khẳng định ô nhiễm bom mìn”... Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tổ chức, các lực lượng và người dân về tầm quan trọng của công tác rà phá, khắc phục bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện các văn bản theo từng ngành, lĩnh vực, nhất là xây dựng các văn bản, kế hoạch bảo đảm át thực tế, khả thi. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, nâng cao hiệu quả phối hợp trong các hoạt động rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ; ưu tiên khắc phục bom mìn, vật nổ ở những địa bàn trọng điểm; tăng cường hỗ trợ đào tạo nghề đối với nạn nhân bom mìn... Qua đó, vừa giảm thiểu những tác hại của bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh; đồng thời, cũng góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực