Phóng viên (PV): Năm 2022 là năm ghi nhiều dấu ấn của hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam, đồng chí có thể chia sẻ với độc giả của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những dấu ấn này?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Năm 2022, Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc (LHQ) của Việt Nam, trong đó có thể kể đến các hoạt động nổi bật như: Tổ chức Lễ Xuất quân của Đội Công binh số 1 và Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4; Cử lực lượng tham gia chương trình đối thoại của Tổng Thư ký LHQ António Guterres với thanh niên Việt Nam. Tại đây, Tổng Thư ký LHQ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề chung trong đó có gìn giữ hòa bình LHQ; Tổ chức Đoàn Công tác liên ngành do đồng chí Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành dẫn đầu đi kiểm tra lực lượng Việt Nam tại Phái bộ UNISFA.
Bên cạnh đó, Cục GGHB Việt Nam cũng vinh dự được đón Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách hoạt động hòa bình LHQ đến thăm Cục GGHB Việt Nam và cùng với Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đồng chủ trì Hội nghị quốc tế “Phụ nữ với hoạt động GGHB LHQ” tại Hà Nội; Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á-TBD (AAPTC) và đã tổ chức thành công Hội nghị AAPTC với 18 quốc gia và 08 tổ chức quốc tế đến trực tiếp tham dự tại Hà Nội; Cục GGHB Việt Nam đồng chủ trì Nhóm chuyên gia về GGHB LHQ của Nhật Bản trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, hội nghị, hội thảo và xây dựng kế hoạch diễn tập về GGHB LHQ tại Việt Nam trong năm 2023 với 18 quốc gia và các tổ chức quốc tế tham gia.
Về công tác triển khai lực lượng, lần đầu tiên Việt Nam triển khai thành công Đội Công binh số 1 với quân số và khối lượng trang thiết bị lớn tới Phái bộ UNISFA và 02 sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ huấn luyện của EU tại Cộng hòa Trung Phi, đảm bảo an toàn tuyệt đối; đồng thời, triển khai nhiều vị trí mới như Sĩ quan hậu cần, Sĩ quan quân lương, Sĩ quan điều phối quân-dân sự, Sĩ quan công binh công trình...
Về công tác huấn luyện GGHB LHQ, năm 2022, Cục GGHB Việt Nam được công nhận là Trung tâm huấn luyện về cấp cứu chấn thương quốc tế; tổ chức thành công Khóa huấn luyện Sĩ quan tham mưu LHQ và Quan sát viên quân sự LHQ có giảng viên và học viên quốc tế tham dự; lần đầu tiên cử lực lượng lớn (48 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) sang Ấn Độ tổ chức diễn tập song phương về GGHB LHQ; hỗ trợ huấn luyện cho hàng chục sĩ quan công an tham dự các khóa huấn luyện GGHB LHQ tại Cục để chuẩn bị đi làm nhiệm vụ, trong đó có 04 sĩ quan đã triển khai
PV: Thời gian qua, Việt Nam nhận được sự quan tâm và hỗ trợ đáng kể của Liên hợp quốc và các nước đối tác quốc tế trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. Đồng chí có thể nói rõ hơn về điều này?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Việc tham gia hoạt động GGHB LHQ có nhiều đóng góp vào chiến lược tích cực hội nhập quốc tế và khu vực của Đảng và Nhà nước; tăng cường củng cố đối ngoại quốc phòng và an ninh, nâng cao vị thế đất nước, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bằng các biện pháp hòa bình trong thời bình. Trong thời gian qua, hoạt động hợp tác về GGHB LHQ đã thu hút được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ đáng kể của LHQ và các nước đối tác quốc tế cho Việt Nam, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách của Việt Nam đầu tư cho tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Các nước đã tích cực hỗ trợ Việt Nam về các hoạt động GGHB LHQ: Australia hỗ trợ các khóa tiếng Anh cho lực lượng quân y và công binh; các khóa tập huấn về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Australia; các chuyến bay vận chuyển con người và trang bị của các bệnh viện dã chiến cấp 2; viện trợ một số trang bị như xe cứu thương, máy phát điện, thiết bị y tế, hệ thống phiên dịch… Hoa Kỳ cũng đã hỗ trợ Việt Nam tổ chức các khóa huấn luyện sỹ quan tham mưu, hậu cần, quan sát viên quân sự Liên hợp quốc; trang thiết bị cho quân y, phương tiện huấn luyện công binh; giảng đường, nhà ở chuyên gia. Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh… hỗ trợ về huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, khảo sát phái bộ.
Năm 2018, Cục GGHB Việt Nam cùng Chương trình phát triển LHQ (UNDP) đồng tổ chức Hội thảo về nâng cao năng lực cho Lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ trong khuôn khổ Diễn đàn An ninh khu vực châu Á (ARF) tại Việt Nam, được LHQ và các nước đánh giá cao.
Bộ Quốc phòng đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, Chính phủ triển khai ký kết 09 Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực GGHB LHQ với các nước đối tác, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand; 01 bản ghi nhớ với LHQ về triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 đến Phái bộ Nam Xu-đăng; 01 bản ghi nhớ với EU về triển khai giảng viên hỗ trợ kỹ thuật của EU tại Cục GGHB Việt Nam; 01 Bản ghi nhớ với LHQ về triển khai Đội Công binh đến Phái bộ Abyei.
Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch Hiệp hội các Trung tâm GGHB khu vực châu Á-Thái Bình Dương - AAPTC (lần đầu tiên Việt Nam đảm nhận cương vị này kể từ khi chính thức tham gia vào hoạt động GGHB LHQ năm 2014 và là một thành viên của AAPTC). Tháng 6/2022, BQP đã tổ chức thành công Hội nghị AAPTC với 18 quốc gia và 08 tổ chức quốc tế đến trực tiếp tham gia. Hiện tại, Cục GGHB Việt Nam đang đảm nhiệm vai trò đồng chủ trì Nhóm chuyên gia về GGHB LHQ với Nhật Bản tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, hội nghị, hội thảo và xây dựng kế hoạch diễn tập tại Việt Nam về GGHB LHQ trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) trong năm 2023 và đang làm tốt công tác chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm huấn luyện GGHB LHQ các nước ASEAN năm 2023.
|
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng chụp ảnh cùng các nữ quân nhân Đội Công binh số 1 tại lễ xuất quân ngày 27/4/2022 (Ảnh: KG) |
|
Năm 2021, Bộ Quốc phòng tổ chức các đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ Quốc phòng dẫn đầu đến Trụ sở LHQ và một số nước đối tác giao thiệp với Lãnh đạo LHQ và Lãnh đạo Bộ Quốc phòng các nước, góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực GGHB LHQ, nhất là tạo tiền đề cho việc triển khai Đội Công binh đầu tiên của Việt Nam đến Phái bộ Abyei. Việt Nam đồng chủ trì với Nhật Bản về Nhóm chuyên gia GGHB LHQ trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), nhiệm kỳ 2020-2023 đã tổ chức nhiều hoạt động hợp tác, hội nghị, hội thảo về GGHB LHQ và xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập GGHB LHQ tại Việt Nam trong khuôn khổ ADMM+ trong năm 2023.
PV: Sau gần 10 năm chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, những đóng góp của Việt Nam đã được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận như thế nào, thưa đồng chí?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Tính đến nay, Việt Nam đã triển khai 520 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ tại 04 Phái bộ (bao gồm cả Phái bộ huấn luyện của EU tại Trung Phi) và Trụ sở LHQ, trong đó, hằng năm duy trì 25 sĩ quan hoạt động độc lập và 247 cán bộ, nhân viên của hai đơn vị (ĐCB1 và BVDC cấp 2). Các lực lượng tham gia hoạt động đã và đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Lãnh đạo LHQ, chỉ huy Phái bộ, sĩ quan quân đội các nước và Chính quyền nước sở tại đánh giá cao. Việt Nam được LHQ đánh giá rất cao đối với các thành tích đã đạt được trong tham gia hoạt động GGHB LHQ, qua đó góp phần vào việc Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ.
Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres đã từng nói rằng lực lượng GGHB LHQ của Việt Nam là một trong những lực lượng GGHB LHQ tốt nhất trên thế giới. Tháng 6/2018, LHQ đã công nhận Cục GGHB Việt Nam là một trong bốn Trung tâm Huấn luyện quốc tế ở khu vực để triển khai huấn luyện theo chương trình Đối tác 3 bên (Việt Nam, LHQ và một nước đối tác).
Đội Công binh số 1 của Việt Nam được triển khai từ tháng 5/2022, sau 07 tháng làm nhiệm vụ được Chỉ huy Phái bộ đánh giá “làm thay đổi diện mạo của Phái bộ tại khu vực Abyei”. Lãnh đạo Phái bộ UNISFA ghi nhận những đóng góp, cống hiến của lực lượng Việt Nam cho nhiệm vụ của Phái bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về những sáng kiến, đột phá và vai trò của Đội Công binh số 1 trong các hoạt động quân sự và công tác dân vận, hỗ trợ nhân đạo trong thời gian vừa qua, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai và phát triển lực lượng tại Phái bộ UNISFA trong thời gian tới.
Trước đó, các Bệnh viện dã chiến cấp 2 thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Ben tiu, Nam Xu-đăng đã thu dung và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân là nhân viên Phái bộ và nhân dân bản địa. Với những đóng góp thiệt thực, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã được LHQ, Chỉ huy Phái bộ, Trưởng cơ quan Y tế của LHQ, Giám đốc Y tế Phái bộ gửi thư khen ngợi và cảm ơn và được đánh giá là có sự chuẩn bị, ứng phó với đại dịch Covid-19 tốt nhất tại Phái bộ Nam Xu-đăng.
Đối với các đồng chí Sĩ quan cá nhân, khi được triển khai đến các Phái bộ GGHB LHQ và Trụ sở LHQ tại New York đều hoàn thành tốt, thậm chí là xuất sắc nhiệm vụ. Tổng thư ký LHQ qua các thời kỳ đều đánh giá rất cao năng lực của Sĩ quan Việt Nam, minh chứng là Đại úy Nguyễn Thế Duy, Sĩ quan hậu cần tại Phái bộ UNISFA được LHQ đề nghị kéo dài 06 tháng; Trung tá Lương Trường Vinh, làm việc tại Trụ sở LHQ đang được LHQ đề nghị kéo dài 2 lần, mỗi lần 01 năm.
PV: Từ những kết quả đã đạt được, xin đồng chí cho biết, Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam có những kế hoạch gì trong thời gian tới để đóng góp cho hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì các sĩ quan hoạt động độc lập và hai đơn vị tham gia hoạt động GGHB LHQ hiện nay; làm tốt công tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo và điều hành. Nghiên cứu, mở rộng triển khai một số vị trí chỉ huy hay các vị trí có ảnh hưởng lớn và có sự hỗ trợ tốt cho các lực lượng của Việt Nam tại các phái bộ. Phối hợp chặt chẽ và chủ động công tác tạo nguồn, nhất là lực lượng nữ, đảm bảo chất lượng về sức khỏe, năng lực, ngoại ngữ, trong đó nghiên cứu xây dựng Thông tư về tuyển chọn nguồn nhân lực cho tham gia hoạt động GGHB LHQ; làm tốt công tác huấn luyện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của LHQ. Cục GGHB Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng thường trực Bộ Công an về huấn luyện, đào tạo và triển khai các quy trình thủ tục cử lực lượng Công an đi làm nhiệm vụ GGHB LHQ.
Cục GGHB Việt Nam sẽ thực hiện các công việc để chuẩn bị tốt cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội công binh số 2 cũng như các sĩ quan hoạt động độc lập đi luân phiên, thay thế theo đúng kế hoạch; thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội công binh số 3 để chuẩn bị, huấn luyện, triển khai luân phiên thay thế.
Bên cạnh đó, là công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất điều chỉnh tổ chức, biên chế của Cục GGHB Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; xây dựng Cục GGHB Việt Nam là Trung tâm điều phối quốc gia về tham gia hoạt động GGHB LHQ. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về tham gia hoạt động GGHB LHQ, bao gồm Sơ kết Nghị định 162 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ; sơ kết Nghị quyết 130 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB của LHQ để xem xét, lập hồ sơ xây dựng Luật về tham gia hoạt động GGHB LHQ; xây dựng Thông tư quy định về quy chế tuyển dụng nhân sự tham gia lực lượng GGHB LHQ, cả hình thức cá nhân và đơn vị.
Công tác chuẩn bị chu đáo mọi mặt và tổ chức thành công 02 diễn tập về GGHB LHQ tại Việt Nam, đảm bảo an toàn và tạo ấn tượng tốt: Diễn tập GGHB LHQ trong khuôn khổ ADMM+ và Diễn tập song phương với Ấn Độ (VINBAX); Tổ chức thành công Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm GGHB LHQ của ASEAN trên cương vị Việt Nam là Chủ tịch của Mạng lưới này; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiến hành sơ, tổng kết các mặt công tác trong lĩnh vực GGHB LHQ, như: Huấn luyện, đào tạo; hợp tác quốc tế; công tác đảm bảo hậu cần, kỹ thuật...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!./.