Kinh tế Việt Nam bước sang năm 2011 trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thuận lợi cơ bản. Tuy nhiên, cùng với những yếu tố thuận lợi còn có những thách thức không mới nhưng rất phức tạp và khó kiểm soát. Theo đà phục hồi của các đầu tàu kinh tế thế giới và một số nền kinh tế phát triển khác, các yếu tố cơ bản góp phần tăng trưởng hứa hẹn có nhiều tín hiệu tích cực: xuất khẩu, du lịch, kiều hối, dòng vốn FDI… có nhiều cơ hội tăng. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào chiến lược, chính sách của chúng ta để có thể phát huy hiệu quả và tận dụng nội lực của bản thân nền kinh tế.
Vì thế chỉ tiêu tăng trưởng GDP 7% - 7,5% là có cơ sở và khả thi. Tuy nhiên, chỉ tiêu CPI dưới 7% trong bối cảnh giá cả hàng hóa, nguyên nhiên liệu, vàng… đều trong xu hướng tăng, có thứ tăng mạnh như dầu mỏ, vàng là một thách thức lớn đối với nền kinh tế trong năm 2011.
Thực tế đang phát sinh một số thách thức rất gay gắt cần có giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.
Do chính sách đồng đô la yếu của Mỹ và sự sụt giá đồng đô la Mỹ, sự cạn kiệt dần nguồn dầu mỏ, nhu cầu nhiên liệu cho phục hồi và phát triển kinh tế ở các nước, nhất là những nước có nhu cầu lớn về nhiên liệu đã làm cho giá dầu mỏ có xu hướng tăng cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Giá dầu mỏ tăng sẽ tác động đến giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa khác. Trước nay, trong hoạch định kế hoạch, chúng ta chỉ mới tính toán giá dầu mỏ ở mức 70 USD/thùng làm cơ sở. Nay giá dầu mỏ đã vượt mốc 91 USD/thùng và đang trong xu hướng tăng lên.
Cũng do USD đang mất dần vị thế đồng tiền của thế giới, các nước lớn, nhỏ, các định chế tài chính, các quỹ tiền tệ đều muốn bảo toàn giá trị đã làm cho nhu cầu mua vàng dự trữ tăng mạnh hơn lúc nào hết. Đã có những dự đoán giá vàng thế giới có thể lên đến mốc 1.500 - 1.700 USD/ounce. Người ta chỉ chưa xác định chính xác các mức giá đó sẽ đạt vào thời điểm nào mà thôi.
Giá vàng thế giới tăng sẽ tác động mạnh đến giá vàng trong nước, tỷ giá USD/VND và nhiều hàng hóa khác. Do ta chưa có chính sách quản lý thị trường vàng phù hợp nên tác động của giá vàng thế giới đối với thị trường vàng trong nước có nhiều bất lợi hơn một số nước trong khu vực. Giá vàng thế giới biến động tăng phức tạp đã thực sự trở thành thách thức không nhỏ không những đối với thị trường vàng trong nước mà còn tác động bất lợi đối với nền kinh tế và sự điều hành vĩ mô trong thời gian tới.
Hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang chịu một nghịch cảnh là, trong khi USD đang mất giá, mất vị thế trên toàn thế giới nhưng ở Việt Nam lại tăng giá. Đây là một thách thức và hóa giải điều này không chỉ bằng chính sách tiền tệ đơn thuần mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các chính sách vĩ mô.
Với mặt bằng lãi suất cao hiện nay, sản xuất, kinh doanh lâm vào tình trạng rất khó khăn. Ngân hàng cũng khó huy động vốn và bảo đảm thanh khoản. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ giảm sút so với các nước khác có mặt bằng lãi suất thấp hơn rất nhiều. Việc kéo giảm lãi suất ngân hàng xuống mức hợp lý, góp phần bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hoàn toàn không thể bằng biện pháp hành chính đơn thuần hay vận động đồng thuận, mà phải bằng tư duy đổi mới với chính sách phù hợp, hữu hiệu.
Những thách thức trên tác động trực tiếp đến mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cần được xem xét, hóa giải một cách thận trọng, hiệu quả trong hoạch định chính sách và điều hành vĩ mô năm 2011.