Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Từ 2 giai đoạn của chủ thuyết “Abenomics”…
Abenomics 1.0 là chủ thuyết của Thủ tướng Nhật Bản Abe khi mới lên cầm quyền vào năm 2012, với 3 mũi tên phản ánh nội dung cốt lõi của chính sách kinh tế.
(1) Mũi tên “ngân sách” được ông Abe, chủ trương chi ra hàng ngàn tỷ Yen, nhằm kích cầu nền kinh tế.
(2) Mũi tên “tiền tệ”, nhằm cải tổ chính sách với mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2015, thông qua “giảm nhẹ chất lượng và số lượng”. Bơm tiền mặt vào thị trường, bôi trơn tín dụng, giảm chi phí cho vay kích thích đầu tư của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.
(3) Mũi tên “cải cách”, nhằm chuyển đổi sâu sắc hệ thống kinh tế và khơi dậy “tiềm năng tăng trưởng”, hướng tới việc giảm thuế cho doanh nghiệp, tự do hóa thị trường điện, hiện đại hóa nông nghiệp, gia tăng việc làm, nhất là lao động nữ.
Tuy nhiên, vào quý III/2014, hai mũi tên đầu đã thu được kết quả khả quan, còn mũi tên thứ 3 đã không thành công như mong đợi, tiền tệ thay vì đầu tư lại chạy vào kênh tích trữ, bởi thu nhập của người lao động tăng chậm bị san bằng tỷ số với thuế trị giá gia tăng, khiến nền kinh tế tăng trưởng âm vào quý II và III/2014.
Khi đã vượt qua các thử thách về chính trị, cùng với việc đổi mới nhân sự bộ máy chính phủ, ông Abe đã khởi động Chương trình Abenomics phiên bản 2.0 (giai đoạn 2) với những mục tiêu tham vọng, dài hạn và các mũi tên đều nhằm tới các mục tiêu cụ thể hơn.
(1) Tăng trưởng GDP 600 nghìn tỷ yen (5.000 tỷ USD) so với con số GDP 490.000 tỷ Yen của Nhật Bản trong năm tài khóa 2014 là một mục tiêu đầy tham vọng.
(2) Tăng cường các biện pháp hỗ trợ nuôi và sinh con, nhằm khắc phục tình trạng lão hoá và dân số giảm, Nhật Bản chủ trương hỗ trợ tài chính cho các gia đình và đề ra mục tiêu tăng tỷ lệ sinh lên mức bình quân từ 1,4 lến 1,8 trẻ/bà mẹ. Đồng thời cam kết duy trì dân số luôn ở mức 100 triệu dân đến năm 2065.
(3) Cải thiện an sinh xã hội, thông qua việc xây dựng thêm nhiều nhà dưỡng lão để giảm bớt gánh nặng cho lao động trẻ, giúp họ yên tâm làm việc, giảm được hàng chục ngàn lao động của con cái phải ở nhà chăm sóc cho cha mẹ già.
Robot hóa” nền kinh tế…
Với việc thành lập Hội đồng sáng kiến Cách mạng Robot (RRIC) năm 2015, nhằm ứng dụng robot vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giúp Nhật Bản vượt qua khủng hoảng dân số, thiếu và suy giảm năng suất lao động trầm trọng.
Sáng kiến RRIC do chính Thủ tướng Abe đưa ra là dựa vào tình hình thực tế, được trên 200 công ty và các trường đại học lớn của Nhật ủng hộ. Theo đó, trong vòng 5 năm, Nhật Bản sẽ chú trọng việc thúc đẩy sử dụng các loại robot thông minh trong sản xuất, dây chuyền cung ứng, xây dựng và y tế - chăm sóc sức khỏe, với mục tiêu phát triển thị trường robot từ 660 tỷ yên đến 2,4 nghìn tỷ yên vào năm 2020.
Theo RRIC, ngành công nghiệp robot Nhật Bản được xếp vị trí top đầu, kể cả sản xuất lẫn ứng dụng, xuất hiện nhiều công ty ứng dụng thành công robot trong sản xuất như: Fanuc, Yaskawa Electric và Kawasaki Heavy Industries. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), Nhật Bản là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về robot công nghiệp.
Theo ông Hajime Shoji, Trưởng bộ phận Thực hành công nghệ Châu Á - Thái Bình Dương tại tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group nói: “Sự thiếu hụt lao động là một vấn đề cấp bách đến nỗi các doanh nghiệp đều không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng hiệu suất làm việc”. Ông còn cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Nhật Bản trong thị trường này luôn rất lớn. Theo đó, đến năm 2025, robot có thể giúp tiết kiệm tới 25% chi phí lao động cho các nhà máy tại Nhật Bản.
Ngoài ra, tự động hóa còn rất có tiềm năng trong phân phối tại Nhật Bản. Trung tâm phân phối thuốc trị giá 10 tỷ yên Toho Holdings Co, chỉ tuyển có 130 nhân viên, chưa tới 1 nửa so với số nhân công tại các hãng thuốc lớn khác. Bởi lẽ hãng này đã sở hữu 16 robot làm việc hết sức đắc lực, góp phần tăng trưởng năng suất làm việc tới 77%.
Giám đốc điều hành Mitsuo Morikubo chia sẻ: “Chúng tôi quyết định cắt giảm nhân công bằng cách sử dụng robot để tránh những khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự”. Tại trụ sở ở tỉnh Saitama, luôn có ít nhất 16 robot hoạt động nhằm phân loại và sắp xếp 28.000 mặt hàng dược phẩm trong kho. “Đội quân” robot này có khả năng sắp xếp tới 10.000 sản phẩm mỗi giờ với sự chính xác gần như tuyệt đối.
Và lạc quan về tương lai phát triển…
Theo thống kê mới nhất được công bố hồi 8/2017 cho thấy, kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng 1,0%. Tiêu dùng cá nhân đạt mức tăng tới 0,9%, tăng đáng kể so với mức 0,4% của quý trước đó. Đây là một trong những động lực thúc đẩy đà tăng của nền kinh tế do chi tiêu cá nhân chiếm tới hơn 50% GDP của Nhật Bản.
Xuất khẩu là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý vừa qua. Thị trường việc làm ổn định, niềm tin của khối doanh nghiệp cũng là những yếu tố tích cực đóng góp cho nền kinh thế trị giá 4.900 tỷ USD này.
Lần đầu tiên, BOJ đã đưa ra đánh giá lạc quan nhất trong 12 năm qua về tình hình kinh tế của các khu vực trên cả nước, trong bối cảnh xuất khẩu và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh. BOJ đã nâng cao đánh giá đối với 5 trong số 9 khu vực và giữ nguyên đánh giá lạc quan đối với bốn khu vực còn lại.
Với chiến thắng áp đảo của Thủ tướng Nhật Abe trong cuộc bầu cử hạ viện tại nước này đã trở thành nguồn cảm hứng để thị trường tài chính thế giới khởi sắc. Theo đó, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tăng 1,1% và đạt mức cao nhất kể từ năm 1996 đến nay. Kết quả bầu cử trên cho thấy Abenomics đang nhận được sự ủng hộ của người dân, nên sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới.
Chiến thắng vang dội của liên minh cầm quyền giữa Dân chủ tự do (LDP) của ông Abe và đảng Công Minh Komeito trong cuộc bầu cử Hạ viện chắc chắn sẽ giúp ông Abe tiếp tục thực hiện các kế hoạch đang dang dở, trong đó quan trọng nhất là chính sách kinh tế Abenomics và nỗ lực sửa đổi hiến pháp.
Như vậy, với chính sách nới lỏng tiền tệ, gia tăng chi tiêu công và cải cách thể chế nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp và chú trọng tự do thương mại… khiến Abenomics được người dân kỳ vọng hơn về “sự tái sinh” của nền kinh tế Nhật Bản.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, chủ thuyết “Abenomics” và giải pháp “robot hóa” nền kinh tế là sự thành công của Thủ tướng Nhật Bản. Từ sự thành công về kinh tế, ông Abe đã thành công vang dội trong lĩnh vực chính trị, tạo cơ sở vững chắc để ông theo đuổi chủ trương sửa đổi hiến pháp năm 1947 (do Mỹ soạn thảo) và nâng cao vị thế của Nhật Bản trong cấu trúc an ninh toàn cầu mới./.