Một cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra và những người biểu tình phong tỏa tuyến quốc lộ Kabul-Jalalabad suốt nhiều tiếng đồng hồ với những lời khẩu hiệu phản đối Mỹ.
Hôm 20/11, hàng trăm người Afghanistan, chủ yếu là sinh viên đại học, đã đổ xuống đường biểu tình ở tỉnh để phản đối thỏa thuận đối tác chiến lược với Mỹ. Thỏa thuận này là gì và vì sao người dân Afghanistan lại phản đối?
Thỏa thuận về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ được Hội đồng Bô lão Afghanistan (Loya Jirga) gồm khoảng hơn 2.500 người thông qua tại một Hội nghị ở thủ đô Kabul diễn ra từ 16-19/11, để thảo luận về tương lai của đất nước sau khi lực lượng binh sỹ nước ngoài do NATO cầm đầu rút hết quân vào cuối năm 2014.
|
Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phát biểu tại cuộc họp Hội đồng bô lão tại Kabul |
Tuyên bố chính thức đưa ra sau Hội nghị cũng nhấn mạnh mối quan hệ chiến lược với Mỹ là cần thiết nhằm tạo dựng sự ổn định ở Afghanistan và Thỏa thuận được thông qua sẽ cho phép binh sỹ Mỹ ở lại Afghanistan trong nhiều năm. Và để làm yên lòng người dân ở đây, thỏa thuận này còn đặt ra những điều kiện kèm theo như các công dân Mỹ phạm tội ở Afghanistan sẽ không được miễn trừ truy tố và Washington phải đứng về phía Kabul nếu Afghanistan bị một nước thứ ba tấn công.
Thời hạn của thỏa thuận được nêu trong Tuyên bố là sẽ có hiệu lực 10 năm, sau đó có thể gia hạn và quy định các lực lượng an ninh Afghanistan sẽ đi đầu trong tất cả các chiến dịch quân sự.
Một điểm đáng chú ý nữa là trong Tuyên bố chính thức của mình, Hội đồng Bô lão cũng nhất trí tiến hành đối thoại hòa bình với các thành viên Taliban chuẩn bị hạ vũ khí và từ bỏ bạo lực, trở về cuộc sống bình thường. Đây cũng đang được coi là một hướng đi để bảo đảm hòa bình, ổn định lâu dài cho Afghanistan.
Ngay sau khi thông qua Tuyên bố này, Hội đồng Bô lão kêu gọi Quốc hội Afghanistan sớm thông qua thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai cũng lập tức lên tiếng cho biết ông chấp thuận tất cả các điều kiện và khuyến nghị mà Hội đồng Bô lão đưa ra về các mối quan hệ lâu dài với Mỹ cũng như một chiến lược hòa bình.
Thế nhưng, chính những “người trong cuộc” là Taliban lại cho rằng đây chỉ là “một màn diễn.” Bởi vậy, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Hội đồng Bô lão, Taliban đã ra một tuyên bố gửi giới truyền thông nêu rõ: “Hội đồng Bô lão Afghanistan là do Chính phủ Afghanistan dàn xếp nhằm đạt được các mục tiêu của Mỹ. Tất cả những người tham gia đều là nhân sự chính phủ. Cái mà họ thảo luận là những điều Mỹ muốn.”
Rồi với những quan điểm ấy, cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra và những người biểu tình phong tỏa tuyến quốc lộ Kabul-Jalalabad suốt nhiều tiếng đồng hồ với những lời hô phản đối Mỹ và “những kẻ bù nhìn của Mỹ”.
Thực ra, những hành động phản đối Mỹ đã từng nhiều lần xảy ra mà căn nguyên của nó có lúc là do những vụ pháo kích nhầm gây thương vong cho dân thường và có lúc chỉ là những vụ phạm tội thông thường của binh lính Mỹ. Chính những sự cố đó đã làm cho người dân Afghanistan “ác cảm” với những binh lính nước ngoài và cả những binh lính Mỹ nói riêng.
Trong những ngày qua, khi Hội nghị Hội đồng Bô lão đang diễn ra, hai vụ tấn công bằng rocket nhằm vào nơi diễn ra hội nghị làm một số người bị thương cũng là những dấu hiệu của sự phản kháng. Đây là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào hội nghị này sau khi Taliban dọa sẽ ngăn cản hội nghị thông qua đề xuất thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ. Bộ Nội vụ Afghanistan đã lên tiếng cáo buộc các phần tử đối lập đứng sau loạt vụ tấn công này nhằm phá hoại hòa bình và gây bất ổn đất nước.
Và như vậy, không chỉ là biểu tình, cho đến khi Thỏa thuận về đối tác chiến lược với Mỹ chính thức được thông qua, không ai dám chắc tình hình ở Afghanistan sẽ còn “nóng” đến đâu./.