Afghanistan: Cuộc thoái lui dang dở

Chủ nhật, 07/10/2012 12:29

Binh sỹ Afghanistan tuần tra trong bối cảnh biểu tình tái diễn ở tỉnh Laghman ngày 25/2  (Nguồn: THX/ TTXVN)

(ĐCSVN) - Vào ngày 7/10, cách đây 11 năm, dưới danh nghĩa chống khủng bố, liên quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ cầm đầu “khai hỏa” cuộc chiến tại Afghanistan. Hơn một thập kỷ trôi qua, liên quân NATO dần hoàn tất kế hoạch rút về nước.

Sau sự kiện kinh hoàng ngày 11/9 khi hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, làm hơn ba nghìn người chết, gần như tất cả các nước lớn đều bày tỏ đồng tình khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố. Thắng lợi nhanh chóng của quân đội Mỹ và NATO tại Afghanistan khiến chính quyền của chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban bị đánh bật khỏi Thủ đô Cabun. Người dân Afghanistan vốn chán ngán chế độ tàn bạo, cuộc sống cực khổ, đất nước bị cô lập tỏ ra hân hoan, hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng trên thực tế, dù chính phủ mới đã được thành lập, hoạt động dựa trên sự hỗ trợ sát sao của phương Tây, 11 năm trôi qua, hai chữ “hòa bình” vẫn chỉ là ước mơ xa vời của người dân Afghanistan. “Bóng ma” Taliban vẫn còn đó và ngày càng trở nên nguy hiểm khi lực lượng này bắt tay với mạng lưới khủng bố al-Qaeda, tiếp tục làm loạn quốc gia Nam Á này với các vụ tiến công đẫm máu không ngừng nghỉ. Cuộc chiến Afghanistan trong 11 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn dân thường. Tính đến tháng 9-2012, hơn 3.100 binh sĩ nước ngoài bị chết, trong đó có hơn hai nghìn người Mỹ. Đáng chú ý, số lính Mỹ bị chết tăng mạnh chủ yếu sau năm 2009. Tình huống này buộc Mỹ phải liên tục thay đổi chiến lược, chi viện thêm quân tới Afghanistan. Washington thậm chí chấp nhận phương án đàm phán với khủng bố nhưng Taliban kiên quyết chỉ đàm phán nếu lực lượng nước ngoài rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ nước này. Taliban từ chối làm việc với chính quyền của Tổng thống H.Karzai khi cho rằng, Chính phủ Afghanixtan hiện nay chỉ là “bù nhìn của Mỹ”. Trong tình hình hiện nay, đây càng là “nhiệm vụ bất khả thi” khi lực lượng này đang ở thế mạnh.

Tình hình an ninh tại Afghanistan càng đáng lo ngại hơn khi chính quyền yếu kém của Tổng thống H.Karzai không đủ khả năng gồng gánh trọng trách an ninh khi phải chạy đua theo lịch trình rút quân gấp gáp của NATO. Mặc dù phương Tây khẳng định Cabun có đủ năng lực đảm đương trọng trách an ninh đất nước nhưng thực tế luôn là câu trả lời rõ ràng nhất khi bạo lực tiếp tục leo thang trong nhiều tháng qua. Nỗ lực của NATO nhằm giúp quân đội chính phủ thực hiện hàng loạt chiến dịch truy quét các tay súng Taliban cũng chỉ như “kiến cắn voi”. Gần đây, làn sóng tiến công nội bộ khiến cục diện Afghanistan càng rối ren. Từ đầu năm đến nay, số binh sĩ NATO chết trong các cuộc tiến công do các tay súng mặc đồng phục cảnh sát Afghanistan thực hiện lên đến hơn 50 người. Tổng Thư ký NATO A.Rasmussen thừa nhận, các cuộc tiến công nội bộ đã làm “suy yếu niềm tin giữa quân đội Afghanistan và nước ngoài”.

Dù cuộc chiến tại Afghanistan còn dang dở như vậy, Mỹ và NATO vẫn một mực thoái lui. Mới đây, toàn bộ 33 nghìn binh sĩ mà Tổng thống Mỹ B.Obama tăng viện cho chiến trường Afghanistan vào năm 2009 đã rút khỏi nước này. Hoàn tất việc rút hết số lính tăng viện trên, hiện nay, chỉ còn hơn 68 nghìn binh sĩ Mỹ hiện diện tại Afghanistan, so với thời kỳ đông nhất là hơn 101 nghìn người. Cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát, nền kinh tế xuống dốc khiến Mỹ khó có thể tiếp tục đảm đương cuộc chiến không hồi kết này. Mức trần nợ quốc gia của Mỹ vượt qua tổng lượng GDP, có liên quan chặt chẽ cuộc chiến “hao tiền tốn của” tại Afghanistan. Chỉ tính riêng chi phí cho chương trình huấn luyện và trang bị cho 350 nghìn binh sĩ và cảnh sát Afghanistan trong ba năm qua đã ngốn tới 22 tỷ USD ngân sách của Nhà Trắng. Việc rút khỏi cuộc chiến vào thời điểm hiện nay quả thực hơi vội vã nhưng đây là việc Tổng thống B.Obama buộc phải làm, nhất là vào thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống đã bước vào chặng đua nước rút. Hơn nữa, sau hơn một thập kỷ trụ tại Afghanistan, hẳn Mỹ đã nhận ra, cuộc chiến Afghanistan đối với Mỹ cũng là “được một mất mười”. Sức mạnh cứng của Mỹ tuy được thể hiện phần nào nhưng cũng chịu không ít tổn hại. Trong khi, hình tượng quốc tế, sức kêu gọi của Mỹ bị sụt giảm. Bối cảnh quốc tế đang thay đổi theo chiều sâu. Một số nước phương Tây ngày một lún sâu vào cuộc khủng hoảng, nhóm các nước mới nổi trỗi dậy mạnh mẽ, các khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh đang thức tỉnh. Đứng giữa nhiều con đường, Mỹ buộc phải trút bỏ gánh nặng Afghanistan nhanh nhất có thể để tập trung đối phó những thách thức có ý nghĩa chiến lược lâu dài hơn. Áp lực kinh tế, sức ép chính trị cũng khiến nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp… vội vã nối gót Mỹ đẩy nhanh tiến trình rút quân khỏi “bãi lầy” Afghanistan.

Sau khi rút quân khỏi Iraq, Mỹ và NATO tập trung lực lượng ở Afghanistan nhằm triệt tận gốc lực lượng Taliban. Thế nhưng, hơn mười năm qua, liên quân NATO đã bị sa lầy tại Afghanistan, đặt nước này vào vòng xoáy bạo lực không hồi kết. Lực lượng Taliban không những không bị tiêu diệt mà đang được tập hợp và không ngừng lan rộng sang một số nơi… Có thể nói, Mỹ và phương Tây đã không đạt được những mục tiêu đề ra trong cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ qua tại Afghanistan./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực