Ai Cập: 5 năm sau “Mùa xuân Arab”

Thứ tư, 27/01/2016 09:53
(ĐCSVN) - Đến nay, Ai Cập đã trải qua 5 năm sau chính biến lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak. Kể từ đó đến nay, “Mùa xuân Arab” mà người ta gán gọi cho một loạt cuộc biểu tình lật đổ các chính quyền dân sự ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông vẫn chưa mang lại điều mong muốn như đã từng kỳ vọng.

Mùa Xuân Arab và sự ra đi của chính quyền dân sự

Cuối tháng 12/2010, một thanh niên bán hàng rong tự thiêu ở Tunisia để phản đối cảnh sát tịch thu hàng của anh ta đã châm ngòi và trở thành sinh lực cho hàng loạt các cuộc biểu tình, mà sau đó được gọi là “Mùa xuân Arab”, bùng nổ tại các nước Trung Đông và Bắc Phi.

Chỉ một tháng sau sự kiện ở Tunisia, làn sóng “Mùa xuân Arab” đã quét qua Ai Cập. Khi đó, đất nước Ai Cập với 85 triệu dân đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn như nạn thất nghiệp, nền kinh tế đình trệ, hơn 40% người dân sống dưới mức 2 USD/ngày. Điều này đã khiến người dân Ai Cập bất mãn với chính quyền từ lâu.

Ngày 25/1/2011, các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe đối lập bùng phát với sự tham gia của hàng nghìn người dân Ai Cập tại ít nhất 16 thành phố, gây sức ép đòi chính phủ Ai Cập đáp ứng những yêu cầu về việc làm, dỡ bỏ Luật khẩn cấp và tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Trước sức ép từ các cuộc biểu tình rầm rộ của người dân Ai Cập, đến đêm ngày 11/2/2011, Tổng thống Hosni Mubarak đã phải tuyên bố từ chức sau 30 năm cầm quyền, và trao lại quyền cho quân đội nước này.

Kể từ đó, làn sóng biểu tình lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak đã kéo theo giai đoạn bất ổn triền miên tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arab này. Sau giai đoạn chuyển tiếp đầy xáo trộn kéo dài gần 1 năm rưỡi kể từ sau chính biến năm 2011, vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập Mohammed Morsi cũng chỉ cầm quyền được trong 1 năm ngắn ngủi bởi cách điều hành chính quyền mang nặng tính bè phái. Sau đó, quyền lực lại một lần nữa về tay quân đội. Sau khi ông Mohammed Morsi bị lật đổ (vào tháng 7/2013), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi đã được bầu làm tổng thống tiếp theo ở Ai Cập.

“Bàn tay sắt” của chính quyền quân sự

Không thể phủ nhận rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống El Sisi, Ai Cập đã nhanh chóng thoát khỏi tình trạng hỗn loạn. Ông đã sử dụng “bàn tay sắt” để đối phó các phần tử Hồi giáo cực đoan thông qua chiến dịch truy quét khủng bố, nhất là ở khu vực Bán đảo Sinai, nơi nhóm chiến binh Hồi giáo An-xa Bê-ít An Mác-đi tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Đến nay, đất nước Kim tự tháp dưới sự lãnh đạo của tổng thống El Sisi đã dần dần được ổn định, chấm dứt bạo loạn. Bức tranh chính trị, kinh tế, xã hội của Ai Cập đã dần dần được hé sáng. Ông El Sisi cũng giành được sự ủng hộ lớn của người dân đối với những “siêu dự án” đầy tham vọng, như việc xây dựng sông đào Suez và thủ đô mới.

Về đối ngoại, Ai Cập cũng đã gặt hái được một số thành tích nhất định. Đó là chính sách ngoại giao cởi mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, trong đó chú trọng thúc đẩy quan hệ với Nga, các nước châu Âu và một số quốc gia ở châu Á, cải thiện quan hệ với Mỹ và một số đồng minh trong khu vực Trung Đông cũng như tăng cường quan hệ trên lĩnh vực với các nước châu Phi.

Tuy nhiên, hiện Ai Cập vẫn đối mặt với không ít thách thức sau thời gian dài rơi vào khủng hoảng. Đó là tình trạng giá lương thực và thuế tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp không nhỏ khi 44% số sinh viên mới tốt nghiệp chưa có việc làm. Ai Cập cũng phải nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng ngoại hối, khi dự trữ ngoại tệ giảm khiến nước này phải đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về khoản vay 5,5 tỷ USD nhằm bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách.

Cử tri Ai Cập bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Cairo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hy vọng đan xen

Sau 5 năm, cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak, một bộ phận lớn người dân Ai Cập vẫn tỏ ra chưa hài lòng với những thành quả có được. Tâm trạng chung của người dân Ai Cập hiện nay vẫn là mong muốn tiếp tục có sự thay đổi.

Xã hội không có nhiều thay đổi. Nền kinh tế vẫn trong tình trạng ảm đạm, chi phí sinh hoạt vẫn duy trì ở mức cao trong khi tiền lương không được cải thiện. Theo một báo cáo của cơ quan thống kê của Ai Cập, tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã lên tới 12,8% trong quý III năm 2015. Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi đã cam kết giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 10% trong 5 năm tới nhưng trên thực tế thất nghiệp ở giới trẻ cao gần gấp đôi so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.

Bất chấp những chỉ trích, Tổng thống al-Sisi vẫn được lòng nhiều người Ai Cập, những người hy vọng ông sẽ đưa họ tới một tương lai thịnh vượng.

Mặc dù có sự chia rẽ, người dân Ai Cập vẫn muốn có sự thay đổi, có thể là thông qua các phương tiện khác nhau nhưng với cùng những lý do giống nhau. Đó là một nền kinh tế ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm và đời sống được nâng cao.

Nỗ lực ổn định tình hình chính trị

Trong 5 năm qua, Ai Cập đã tổ chức hàng loạt cuộc tổng tuyển cử hết sức tốn kém, song các thể chế trụ cột vẫn không thể hoàn thiện. Ai Cập đã không có Quốc hội kể từ tháng 6/2012, sau khi Tòa án Hiến pháp Tối cao ra lệnh giải tán cơ quan lập pháp được bầu hồi cuối năm 2011 và đầu năm 2012 với lý do vi phạm Hiến pháp. Và sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng, cuộc bầu cử quốc hội đã được tiến hành theo hai giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12/2015. Cuộc bầu cử quốc hội này được xem là sự kiện chính trị quan trọng trong chặng cuối của lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Ai Cập.

Ngày 10/1/2016, Quốc hội mới của Ai Cập đã họp phiên đầu tiên sau hơn 3 năm ngừng hoạt động.

Những sự kiện tích cực này đang góp phần đưa đất nước Kim tự tháp trở lại quỹ đạo ổn định sau thời gian dài bị cuốn trong cơn bão của “Mùa xuân Arab”.

5 năm qua là một chặng đường đầy chông gai đối với đất nước Kim tự tháp. Sau những sóng gió, điều mà người dân quốc gia Bắc Phi này mong mỏi chính là chấm dứt rối ren, bất ổn để phát triển kinh tế. Và các nhà lãnh đạo Ai Cập đang thực hiện mọi nỗ lực nhằm đưa đất nước lấy lại vị thế xứng đáng của “xứ sở các Pha-ra-ông huyền thoại"./.

Tấn Vũ
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực