Ai Cập trong vòng xoáy leo thang xung đột quyền lực
Thứ tư, 11/07/2012 17:42 (GMT+7)
Căng thẳng giữa quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập leo thang sau sắc lệnh của Tổng thống M.Mơ-xi triệu tập Quốc hội (QH), bị tòa án Hiến pháp tối cao ra phán quyết giải tán hồi tháng trước. Quyết định bất ngờ của ông Mơ-xi đưa ra chỉ một tuần sau khi nhậm chức có nguy cơ đẩy Ai Cập vào vòng xoáy bất ổn chính trị mới.
Trong sắc lệnh ban hành ngày 8-7, Tổng thống M.Mơ-xi yêu cầu QH triệu tập trở lại và thực thi các quyền hạn của cơ quan lập pháp cho đến khi bầu ra QH mới. Sắc lệnh cũng nêu rõ, cuộc bầu cử QH trước thời hạn sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau khi Hiến pháp mới được thông qua trong một cuộc trưng cầu ý dân. Ông Mơ-xi ban hành quyết định triệu tập lại QH chỉ một tuần sau khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống hôm 30-6, tiếp quản quyền lực từ Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) nắm quyền điều hành Ai Cập từ sau khi cựu Tổng thống H.Mu-ba-rắc bị lật đổ. Ðộng thái khôi phục QH, trong đó đảng Công lý và Phát triển (FJP) thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo của ông Mơ-xi chiếm 235 ghế trong tổng số 508 ghế QH, được đưa ra hơn một tháng sau khi ngày 14-6, Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập (SCC) do quân đội hậu thuẫn ra phán quyết một phần ba số ghế trong QH là không hợp lệ và chỉ một ngày sau, SCAF ra lệnh giải tán QH, quyền lập pháp được trao lại cho SCAF.
SCC ngay lập tức phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mơ-xi bằng tuyên bố rằng, mọi phán quyết của tòa án này là "quyết định cuối cùng", đáng tin cậy nhất và mang tính bắt buộc thực thi, không một thể chế hay cá nhân nào có thể đảo ngược. SCAF cũng tiến hành phiên họp khẩn cấp bàn cách đối phó động thái bất ngờ của ông Mơ-xi. SCAF tuyên bố ủng hộ các quyết định của SCC, đồng thời kêu gọi tất cả các thể chế ở Ai Cập tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Trong khi đó, người phát ngôn Tổng thống, ông Y.A-li khẳng định sắc lệnh khôi phục hoạt động của QH dựa trên quy định của Hiến pháp, không vi phạm và không trái với phán quyết của SCC. Tổng thống Mơ-xi tôn trọng phán quyết của SCC và không có mâu thuẫn giữa Tổng thống với Tòa án Hiến pháp tối cao.
Các động thái đáp trả lẫn nhau giữa các bên xung đột làm lộ rõ những rắc rối về thể chế và hệ thống luật pháp hiện nay ở Ai Cập. Dư luận đặt câu hỏi liệu Tổng thống Mơ-xi có thẩm quyền bác bỏ phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao hay không. Trong bối cảnh bản Hiến pháp có hiệu lực dưới thời cựu Tổng thống H.Mu-ba-rắc đã bị đình chỉ, Ai Cập chưa có Hiến pháp mới, do bất đồng về việc ai có quyền soạn thảo và một ủy ban chịu trách nhiệm các công việc liên quan soạn thảo Hiến pháp mới chưa đi vào hoạt động, sắc lệnh của ông Mơ-xi lại đẩy nước này vào tình trạng lộn xộn, có thể dẫn tới một cuộc xung đột giữa các nhánh quyền lực nhà nước.
Giới quan sát ví quyết định của Tổng thống Mơ-xi như động thái chính thức khơi mào cuộc chiến quyền lực vốn âm ỉ giữa tổ chức Anh em Hồi giáo với giới tướng lĩnh quân đội đầy quyền lực ở Ai Cập. Quân đội tháng trước đã ban hành một sắc lệnh, theo đó cho phép họ có quyền lập pháp khi QH không hoạt động. Việc SCAF giải tán QH đã giáng một đòn nặng nề vào tổ chức Anh em Hồi giáo đang nỗ lực giành quyền lực sau hơn 80 năm thành lập. Vì thế, sắc lệnh của Tổng thống Mơ-xi triệu tập lại QH không đề cập phán quyết của Tòa án Hiến pháp tối cao, mà nhằm vào SCAF, buộc họ hủy bỏ lệnh giải tán cơ quan lập pháp đưa ra trước đó được cho là nhằm mục đích không chỉ hạn chế quyền lực của phe Hồi giáo trong QH, mà còn kiềm chế vai trò của Tổng thống.
Gần 17 tháng sau khi chế độ Mu-ba-rắc bị lật đổ, Ai Cập đã bầu được QH và tổng thống mới, với hy vọng đem lại hòa bình và ổn định. Tuy nhiên, căng thẳng leo thang do xung đột lợi ích và quyền lực giữa các phe phái lại tiếp tục đặt Ai Cập trước nguy cơ rơi vào vòng xoáy bất ổn và bạo lực mới./.