Ấn Độ và Afghanistan trở thành đối tác chiến lược

Thứ ba, 11/10/2011 14:25

Đây được xem là bước đi nhằm “xốc” lại quan hệ giữa 2 quốc gia Nam Á cho phù hợp với những thay đổi của khu vực diễn ra trong thời gian gần đây.

Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai vừa kết thúc ngày 4/10, 2 nước đã ký Hiệp định nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Đây là lần đầu tiên, Afghanistan ký Hiệp định đối tác chiến lược với một quốc gia khác, điều đó đủ minh chứng cho sự ưu tiên trong quan hệ của Afghanistan đối với Ấn Độ.

Quan hệ Ấn Độ  -  Afghanistan ngày càng "nồng ấm" (Ảnh: AP)

Là hai quốc gia thuộc khu vực Nam Á, Ấn Độ và Afghanistan vốn có mối quan hệ truyền thống lâu dài. Những năm trở lại đây, cái bắt tay giữa Ấn Độ và Afghanistan càng trở nên mật thiết hơn do sự “sẻ chia” của New Dehli đối với Kabul trong cuộc chiến chống khủng bố. Giờ đây, Hiệp định đối tác chiến lược vừa được ký kết sẽ tạo khuôn khổ và động lực mới cho quan hệ hai nước trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh Mỹ đang rút dần lực lượng quân đội Mỹ khỏi chiến trường Afghanistan kể từ tháng 7 năm nay và hoàn tất công việc này vào năm 2014, dường như Afghanistan muốn nhanh chóng tìm cho mình một “chỗ dựa” mới, để ít nhất là không phải một mình xoay sở với việc đảm bảo an ninh tại mảnh đất mà nguy cơ khủng bố luôn tiềm ẩn.

Lẽ dĩ nhiên, Ấn Độ sẵn sàng chìa tay ra với Afghanistan bởi hơn ai hết, Ấn Độ lo ngại Afghanistan rơi vào tay lực lượng Hồi giáo cực đoan vì những bất ổn ở Afghanistan sẽ nhanh chóng lan sang Ấn Độ cũng như toàn khu vực. Những vụ tấn công khủng bố thường xuyên và có quy mô vào Ấn Độ những năm trở lại đây đã tạo ra điều kiện tốt để chính phủ nước này tập trung được sự ủng hộ của người dân cho các kế hoạch hỗ trợ Afghanistan chống khủng bố. Hơn thế, giúp Afghanistan cũng là cách để Ấn Độ thể hiện vai trò và gia tăng ảnh hưởng của mình tại khu vực.

Có thể thấy rằng, đã có sự dịch chuyển nhất định trên bàn cờ Nam Á và quan hệ Afghanistan - Ấn Độ nồng ấm bao nhiêu thì quan hệ Afghanistan - Pakistan nguội lạnh bấy nhiêu. Ấn Độ và Afghanistan đã dễ dàng tìm thấy quan điểm chung trong việc chỉ trích Pakistan như là cái “nôi” dung dưỡng khủng bố sau khi Pakistan không thể trả lời câu hỏi tại sao Bin Laden ẩn náu ngay tại khu ngoại ô Islamabas mà cơ quan an ninh Pakistan không hề hay biết.

Thêm vào đó, cũng phải kể tới yếu tố Mỹ trong các mối quan hệ đan xen tại khu vực Nam Á. Mỹ và Pakistan vốn là đồng minh thân thiết trong các chiến dịch chống khủng bố thì nay lại trở nên nghi kị và xa lánh nhau. Trong khi đó, quan hệ Mỹ - Ấn ngày càng được củng cố với kim ngạch trao đổi thương mại trị giá tới 50 tỷ USD mỗi năm. Đó cũng là lý do giải thích vì sao Ngoại trưởng Mỹ không cần úp mở khi tuyên bố “Ấn Độ cần nâng cao vai trò lãnh đạo ở châu Á” và đóng góp nhiều hơn vào việc đảm bảo an ninh Nam Á.

Ở một chừng mực nào đó, có thể nói rằng, việc Afghanistan và Ấn Độ tiến gần tới nhau hơn là có sự khích lệ từ phía Mỹ.

Tuy nhiên, việc nâng tầm quan hệ Afghanistan - Ấn Độ chỉ có thể thực chất nếu nó thúc đẩy trao đổi kinh tế - thương mại song phương. Ấn Độ hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Afghanistan với những cam kết chi hơn 2 tỷ USD cho nhiều dự án khác nhau, từ xây dựng cầu đường cho đến tòa nhà Quốc hội Afghanistan.

Lẽ dĩ nhiên, sự “hào phóng” của Ấn Độ chính là chất keo gắn kết mối quan hệ song phương trong bối cảnh Kabul đang phải đối mặt với thách thức lớn về kinh tế. Đổi lại, Ấn Độ cũng thu được không ít lợi nhuận từ các chương trình tái thiết Afghanistan.

Với tiềm lực của mình, Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường ảnh hưởng tại Afghanistan - quốc gia có vị trí địa chiến lược trong khu vực Nam Á. Tuy nhiên, cái bắt tay chặt hơn giữa Ấn Độ và Afghanistan cũng có thể dẫn tới những căng thẳng mới trong khu vực, khiến Pakistan có các động thái giành lại thế cân bằng với Ấn Độ. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới an ninh khu vực, nhất là khi cả Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực