Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Vlađivôxtốc (Vladivostok - Nga) trong hai ngày 8-9/9 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi sự kiện này đánh dấu 20 năm kể từ khi các nhà lãnh đạo APEC gặp nhau lần đầu tiên tại thành phố Xiáttơn (Seatle - Mỹ).
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
APEC hiện là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng cũng như thúc đẩy liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương. Quy tụ 21 nền kinh tế thành viên trong khu vực, qua hơn 20 năm tồn tại, APEC đã trở thành cầu nối liên kết những ý tưởng mới về hội nhập toàn cầu ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi có gần một nửa dân số thế giới sinh sống và chiếm tới 55% GDP toàn cầu.
Trong những thập kỷ gần đây, khu vực này ngày càng trở thành động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng năng động hơn, chiếm hơn một nửa kim ngạch thương mại toàn thế giới. Vì thế, việc chủ trì Hội nghị thượng đỉnh APEC đối với bất kỳ quốc gia nào đều là cơ hội khẳng định vai trò cũng như vị thế của quốc gia đó trong việc tạo dựng nền tảng cũng như định hướng cho sự phát triển của khối kinh tế được kỳ vọng ấn tượng hơn trong tương lai.
Việc nước Nga lần đầu tiên đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC được đánh giá là hoạt động đối ngoại hết sức quan trọng, góp phần tiếp tục nâng cao vị thế của nước Nga sau sự kiện Nga chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 22/8 vừa qua.
Phó Thủ tướng thứ nhất Liên bang Nga Igo Suvalốp (Igor Shuvalov) đã đưa ra nhận định trước thềm Hội nghị cấp cao APEC rằng: “Vlađivôxtốc của Nga cần đa dạng hóa cơ cấu kinh tế cũng như tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để đưa nền kinh tế Nga ít phụ thuộc vào các nguyên liệu thô, song vẫn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn”. Các nhà phân tích cho rằng Hội nghị APEC sẽ góp phần tạo điều kiện để nước Nga hướng tới các đối tác triển vọng trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nền kinh tế thành viên APEC khác.
Tuyên bố của cựu Tổng thống Nga Đmitri Métvêđép (Dmitry Medvedev) tại Hội nghị APEC Haoai (Hawai) như 2011 khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn APEC 2012 rằng “Nga sẽ quyết tâm đảm bảo tính kế thừa và tính năng động trong công việc của APEC, đặc biệt là việc thành lập khu vực thương mại tự do và thương mại mở cửa trong khu vực. Tham gia vào các chương trình hội nhập khu vực là ưu tiên tất yếu của nước Nga” cũng chính là lời khẳng định nước Nga là một phần không thể tách rời của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nhằm tạo ra dấu ấn của APEC 2012, Nga đã cùng các thành viên thúc đẩy 4 trọng tâm hợp tác, gồm: tự do hóa thương mại, đầu tư và liên kết kinh tế khu vực, tăng cường bảo đảm an ninh lương thực, thiết lập các chuỗi cung ứng đáng tin cậy và thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo. Theo các nhà phân tích, những vấn đề này có ý nghĩa hết sức then chốt đối với APEC 2012 cũng như từng thành viên trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và các thách thức an ninh phi truyền thống trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Việc Nga từ đầu năm đến nay chủ trì 11 hội nghị cấp bộ trưởng về thương mại, tài chính, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển kinh tế,…cũng là nhằm thúc đẩy triển khai các ưu tiên đã đề ra.
Với các nguyên tắc được khởi xướng từ những ngày đầu là tự nguyện, linh hoạt, đồng thuận và cùng phát triển, mục tiêu xuyên suốt mà các thành viên APEC kiên trì thúc đẩy trong những năm qua là mở rộng và tăng cường liên kết kinh tế khu vực. Sau gần 20 năm thực hiện, liên kết kinh tế sâu sắc chính là nhân tố quan trọng giúp các thành viên đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp 3 lần so với năm 1989 và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi sản xuất và giá trị toàn cầu, đó là chưa kể việc APEC đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương và Vòng đàm phán Đôha của WTO. Hiện APEC đang tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng mới với 5 nội dung: cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn.
Kể từ khi gia nhập APEC năm 1998, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác APEC trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và các lĩnh vực hợp tác khác. Việt Nam cũng đã đăng cai tổ chức và triển khai thành công hơn 70 sáng kiến và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kỹ thuật, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp, chống chủ nghĩa khủng bố,...
Việt Nam tham gia APEC 2012 có nhiều nét mới với mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga tiếp tục được đẩy mạnh sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi tháng 7 vừa qua và hai bên đang tích cực thúc đẩy Tuyên bố khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Bêlarút - Cadắcxtan. Với vị thế trong APEC ngày càng được nâng cao, các thành viên đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong năm 2012 và nhất trí ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vị trí đồng Chủ tịch Nhóm công tác APEC về Đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012-2013.
Các hoạt động của APEC năm 2012 sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Diễn đàn đóng góp cho sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, sáng tạo để thịnh vượng”, Nga đã và đang làm hết sức mình để cùng các nền kinh tế thành viên tạo nên một dấu ấn mới trong tiến trình hợp tác APEC. Dấu ấn đó chắc chắn sẽ là định hướng để APEC tiếp tục thành công sau chặng đường hơn 20 năm và sẽ mang đậm màu sắc của một nước Nga hào hùng, nhân hậu và giàu lòng mến khách./.