ASEAN - đảm bảo nội lực từ bên trong

Thứ ba, 16/08/2011 14:08

Hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN đúng thời hạn 2015 có thể tạo ra dòng vốn đầu tư, nhân lực và hàng hóa dịch vụ - những yếu tố đảm bảo sự vững mạnh từ bên trong ASEAN.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và các kế hoạch cắt giảm chi tiêu ở Mỹ sau thỏa thuận nâng mức nợ trần đang gây ra những xáo trộn đối với nền kinh tế toàn cầu và ASEAN cũng không tránh khỏi hệ lụy. Nền kinh tế ASEAN được dự đoán sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay, thậm chí chỉ đạt dưới 6%.

 

ASEAN - đảm bảo nội lực từ bên trong (Ảnh minh hoạ) 


Trước thực tế này, các nước ASEAN sẽ có những đối sách như thế nào để phục hồi đà tăng trưởng, đồng thời thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế - một trong ba trụ cột quan trọng của Cộng đồng ASEAN 2015.

Nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế của ASEAN trong năm 2010 là 7,5% - niềm mơ ước của hầu hết các khu vực kinh tế khác trên thế giới, năm 2011 này, mức tăng trưởng dự kiến tụt dốc khá rõ, chỉ đạt dưới 6% GDP. Giải thích cho sự sụt giảm này, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 43 diễn ra ở Indonesia, các nhà lãnh đạo kinh tế ASEAN cho đây là hậu quả không tránh khỏi khi ASEAN phải chịu những tác động xấu từ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu và các kế hoạch cắt giảm chi tiêu ở Mỹ.

Dễ thấy, Mỹ và EU luôn là các đối tác kinh tế thương mại quan trọng hàng đầu đối với các nước ASEAN. Khi các bạn hàng lớn này trong tình trạng “rỗng túi” thì hiển nhiên họ sẽ phải thắt chặt chi tiêu. Vì thế, nhu cầu của Mỹ và châu Âu đối với các hàng hóa của khu vực Đông Nam Á sụt giảm hẳn. Điều đó lập tức ảnh hưởng tới các nền kinh tế ASEAN vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.

Thêm vào đó, phải kể đến những yếu tố bất lợi đối với kinh tế ASEAN do sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu. Lẽ dĩ nhiên, khi thứ hạng tín dụng của Mỹ bị hạ thấp và lòng tin đối với đồng euro suy giảm thì thị trường chứng khoán thế giới sẽ dao động mạnh. Các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực ASEAN vì thế phải liên tiếp đương đầu với những cơn bão tài chính, làm ảnh hưởng trực tiếp tới đà tăng trưởng của mỗi thành viên, cũng như cả khu vực.

Các nền kinh tế Đông Nam Á cũng phải đối mặt với một hành trình gian nan nhằm khôi phục kinh tế không chỉ bởi môi trường kinh tế quốc tế ngày càng trì trệ, mà còn bởi áp lực lạm phát khiến các quốc gia ASEAN phải thắt chặt chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là bi quan trước tình hình kinh tế khu vực ASEAN. Giữa những gam màu ảm đạm của bức tranh kinh tế thế giới, ASEAN nổi lên như một tia hy vọng. Với hơn 600 triệu dân và tổng GDP đạt khoảng 1.500 tỷ USD, ASEAN đang đóng vai trò là một động lực tăng trưởng toàn cầu. Trong khi bất ổn kinh tế chính trị lan tràn thì khu vực Đông Nam Á vẫn là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.

Cần nhắc lại rằng, ASEAN tương đối “miễn dịch” với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 với mức tăng trưởng đáng kể và mối liên kết chặt chẽ giữa các nước thành viên giúp cho ASEAN ít bị phụ thuộc hơn vào các nước phát triển. Điều đó khiến dư luận lạc quan rằng ASEAN có thể chống chọi được tác động của các cuộc khủng hoảng nợ đang diễn ra tại Mỹ hay châu Âu. Thậm chí, trong điều kiện suy thoái kéo dài ở Mỹ và châu Âu, cơ hội để các nước Đông Nam Á mở rộng sự hiện diện trên thị trường toàn cầu vẫn có thể tăng lên.

Qua cuộc họp của các Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 43, có thể thấy rằng, ASEAN vẫn không ngừng hành động để ứng phó tốt với những tác động từ khó khăn của kinh tế toàn cầu, trong đó, quan trọng nhất là nỗ lực thúc đẩy công cuộc hợp nhất kinh tế khu vực. Như nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN đúng thời hạn 2015 thì có thể tạo ra dòng chảy tự do vốn đầu tư, nhân lực và hàng hóa dịch vụ. Đó là những yếu tố đảm bảo cho nội lực - một sự vững mạnh từ bên trong ASEAN. Ngoài việc thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các nước thành viên trong khối, ASEAN cũng tăng tính kết nối với các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương thông qua các Hiệp định thương mại tự do.

Với những bước đi vững chắc trên cơ sở đoàn kết nội khối, ASEAN được kỳ vọng sẽ vượt qua những thách thức toàn cầu và trở thành một Cộng đồng kinh tế thịnh vượng vào năm 2015./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực