Australia và sứ mạng tại Afghanistan
Thứ tư, 09/11/2011 16:59 (GMT+7)
Dẫu có phải đối phó với dư luận phản đối trong nước thì chính phủ của bà Thủ tướng Gillard vẫn đang phải nỗ lực để khẳng định vị thế của mình trong các vấn đề lớn toàn cầu.
Ngày 6/11 vừa qua, Thủ tướng Australia Julia Gillard đã bất ngờ thăm Afghanistan sau khi dự Hội nghị nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Pháp. Hành động này cùng những lời khẳng định binh lính Australia sẽ tiếp tục có mặt tại Afghanistan thời gian tới cho thấy Chính quyền Australia đang phải nỗ lực đối phó với dư luận phản đối trong nước và quyết tâm khẳng định vị thế của mình trong các vấn đề lớn toàn cầu.
Phát biểu trong cuộc gặp ngắn với 1.550 binh sỹ Australia đóng tại tỉnh Uruzgan, miền Nam Afghanistan, bà Gillard đã một lần nữa khẳng định lại cam kết của Canberra tiếp tục duy trì sứ mạng của mình tại Afghanistan. Lời khẳng định này còn được hỗ trợ bởi sự kiện khai trương đại sứ quán mới của Australia tại Kabul mà phát biểu tại đó, bà Gillard đã nhấn mạnh đây là một biểu tượng cho cam kết của Australia đối với Afghanistan. Bà nói: “Chúng tôi muốn gắn bó với các bạn lâu dài và trên tinh thần bằng hữu.”
Cho đến nay, Australia là nước ngoài NATO có số binh sĩ nhiều nhất tại Afghanistan. Bất chấp những chỉ trích của dư luận, yêu cầu chính phủ sớm rút quân, Thủ tướng Australia Julia Gillard vẫn khẳng định sẽ tiếp tục duy trì quân đội tại Afghanistan. Lời dẫn giải mà Bà Julia Gillard đưa ra cho việc làm của Chính phủ là: “Australia sẽ không rời bỏ Afghanistan. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào tương lai thực tế là để Afghanistan tự chủ. Quá trình chuyển giao sẽ mất một vài năm và chúng tôi cam kết hoàn thành quá trình chuyển giao trong 10 năm tới”. Chủ trương hỗ trợ Afgha-nistan trong cuộc chiến chống khủng bố tuy có bị những ý kiến phản đối ở Australia nhưng sự ủng hộ cũng không ít và tồn tại cả ở phe đối lập. Nhà lãnh đạo phe đối lập Tony Abbott từng nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang có chiến lược hiệu quả nhất để giành chiến thắng tại Afghanistan. Nhiệm vụ của Australia là hoàn thành đào tạo và nâng cao vai trò của Australia trong hỗ trợ chính phủ Afghanistan kiểm soát an ninh và đánh bại lực lượng nổi dậy”.
Những lời khẳng định ấy cùng chuyến thăm “không báo trước” của Bà Thủ tướng Gillard tới Afghanistan trên thực tế là những hành động “uý lạo” tinh thần binh sỹ đang thực thi nhiệm vụ tại đây cũng như trấn an dư luận dân chúng Australia. Chỉ ít ngày trước, tại Afghanistan vừa xảy ra vụ tấn công vào một cuộc diễu binh làm ba binh sỹ Australia thiệt mạng và 7 binh sỹ bị thương, đưa tổng số binh sỹ Australia thiệt mạng tại quốc gia Nam Á này lên 32 người. Đây là vụ việc tồi tệ nhất xảy ra với lực lượng của Australia đóng quân tại Afghanistan kể từ sau vụ ba đặc công thiệt mạng trong một tai nạn máy bay năm 2010. Vụ việc này càng làm cho làn sóng phản đối quyết định của Chính phủ Australia tham gia cuộc chiến ở Afghanistan dâng cao. Lường trước những diễn biến xấu hơn có thể xảy ra ở trong nước, Bà Thủ tướng Gillard đã thực thi động thái quan trọng này.
Theo dõi tình hình Afghanistan, dư luận không khỏi lo ngại bởi bất chấp những nỗ lực của cộng đồng quốc tế thời gian qua, sự ổn định và an ninh cho đất nước Nam Á hậu cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa thể thiết lập. Nguyên nhân là những phức tạp chính trị nội bộ và những yếu kém của lực lượng an ninh. Trong một báo cáo mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá tình tình an ninh tại Afghanistan đã được cải thiện, nhưng thừa nhận rằng những nơi trú ẩn tại Pakistan cho lực lượng nổi dậy và những hạn chế của chính phủ Afghanistan vẫn là những thách thức lớn đối với một tương lai ổn định, bền vững của quốc gia Nam Á này. Cũng chính bởi tình hình còn “chưa bền vững” ấy mà các quốc gia “tham chiến” ở Afghanistan càng thấy cần phải tăng cường hơn nữa cho sứ mạng của mình tại đây. Australia không là ngoại lệ. Người tiền nhiệm của bà Thủ tướng Gillard là ông Kevin Rudd khi quyết định gửi thêm quân tới Afghanistan hồi tháng 4/2009 cũng khẳng định rằng: “Chúng ta không cho phép Afghanistan một lần nữa trở thành nơi đào tạo và là căn cứ cho các hoạt động khủng bố quốc tế”.
Và như vậy, dẫu có phải đối phó với dư luận phản đối trong nước thì chính phủ của bà Thủ tướng Gillard vẫn đang phải nỗ lực, bởi đây cũng là dịp để họ khẳng định vai trò của Australia trong giải quyết những vấn đề lớn của toàn cầu./.