Ba biện pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc

Thứ năm, 04/11/2010 10:53
(ĐCSVN) - Hiện nay, do sự phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc đã phát triển các tập đoàn nhà nước tại nước ngoài, nhất là các tập đoàn năng lượng. Trung Quốc là nước tiêu thụ nhiều than đá nhất thế giới (chiếm 1/3 trên thế giới) để sản xuất khoảng 70% nguồn điện năng tiêu thụ nội địa.

Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu thô hơn mức nước này khai thác được trong nước. Trung Quốc cũng cần khoảng 89 tỷ m3 khí/năm và dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 6 lần. Trung Quốc đã thực hiện chủ trương tăng cường ký các hợp đồng lớn và cung cấp năng lượng, thăm dò khai thác dầu khí với các tập đoàn dầu khí nước ngoài. Tính đến tháng 10.2010, các tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã thực hiện các hợp đồng trị giá khoảng 19 tỷ USD (tăng 3 tỷ USD so với cả năm 2009). Đối với các hợp đồng cung cấp năng lượng lớn, cả Trung Quốc và đối tác nước ngoài đều tìm thấy sự hợp tác cùng có lợi. Trung Quốc có tiền và cần nhiên liệu, trong khi các nước đối tác cần tiền đề tái đầu tư nhằm phục hồi kinh tế trong nước sau khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu: Để thực hiện chủ trương trên, Trung Quốc đã áp dụng một số biện pháp chính sau:

Thứ nhất, Trung Quốc linh hoạt ký các hợp đồng mua bán hoặc cung cấp năng lượng với các tập đoàn năng lượng nước ngoài, thay vì mua lại hoàn toàn các tập đoàn này nhằm tránh sự phản đối của các nước phương Tây. Năm 2005, Công ty khai thác dầu khí ngoài khơi hàng đầu của Trung Quốc, CNOOC, dự định chi khoảng 18,5 tỷ USD để mua lại Tập đoàn cung cấp dầu khí Unocal của Mỹ. Năm 2010, CNOOC ký với Công ty .Chesapeake Energy Corporation (công ty dầu khí lớn thứ hai ở châu Mỹ) hợp đồng tham gia dự án khai thác khí đốt lớn nhất của Mỹ. Theo hợp đồng này CNOOC tham gia 1/3 dự án khai thác "Eagle Ford" ở phía Nam bang Tếch-dát, trị giá khoảng 1,08 tỷ USD. Trong thời gian tới, với cách làm linh hoạt trên, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nhận được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ khi mua lại toàn bộ Tập đoàn Unocal và tiếp quản cả nhân công của Unocal.

Thứ hai, Trung Quốc đưa ra những "lời chào" cao hơn giá thực đến 20% để tiếp cận được công nghệ cao trong thăm dò, khai thác dầu khí. Thông qua tham gia những dự án năng lượng lớn, Trung Quốc muốn tiếp cận với công nghệ mới. Việc Tập đoàn CNOOC có tới 7 giàn khoan với những công nghệ khoan sâu tiên tiến nhất hiện nay cũng là nhờ vào chính sách này.

Thứ ba, các tập đoàn nhà nước hoặc ngân hàng quốc doanh Trung Quốc hỗ trợ các tập đoàn năng lượng thông qua trực tiếp thanh toán các hợp đồng năng lượng. Tháng 5.2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho Tập đoạn dầu khí Brazil Petrobas vay khoản tín dụng trị giá khoảng 10 tỷ USD với điều kiện phải cung cấp dầu thô cho Sinopec trong 10 năm. Tập đoàn thương mại Trung Quốc Sinochem đã nhận 40% cổ phần (khoảng 3 tỷ USD) từ tập đoàn Staoil của Na Uy để tham gia khai thác giếng dầu Peregrino ở Bra-xin.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực