(ĐCSVN) – Tình hình chính trị Ai Cập đã bước sang một bước ngoặt mới khi Tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố từ bỏ cương vị lãnh đạo đất nước sau 30 năm tại vị và trao quyền lực cho quân đội sau 18 ngày phải đối mặt với làn sóng biểu tình lan rộng.
Liệu Ai Cập-một quốc gia đông dân nhất trong thế giới Ả rập sẽ sớm khôi phục lại sự ổn định hay sẽ tiếp tục bế tắc trong tình cảnh khó khăn như hiện nay vẫn là một câu hỏi được chờ đợi lời giải. Trong khi đó, nhiều nhà bình luận uyên thâm và các nhà quan sát tại Ai Cập cũng như tại một số nước khác trên thế giới đều đi đến một thống nhất chung rằng diễn biến tiếp theo đối với Ai Cập chủ yếu phụ thuộc vào 3 yếu tố chính sau đây.
|
Nguyên Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 10/2/2011 (Ảnh: Xinhua) |
Liệu biểu tình tại Ai Cập sẽ lắng dịu?
Tình trạng biểu tình kéo dài nhiều ngày qua đã có nhiều tác động nghiêm trọng đến sự ổn định xã hội và kinh tế cũng như hoạt động của người dân Ai Cập. Vậy quyết định từ chức của ông Mubarak có thỏa mãn sự mong muốn của những người biểu tình và liệu tình trạng bất ổn này tại Ai Cập sẽ sớm chấm dứt? Theo nhận định của các nhà phân tích thì trong bối cảnh hiện nay, câu trả lời có lẽ là “không”.
Quan điểm trên xuất phát từ thực tế rằng, tiếp theo sau sự rút lui của ông Mubarak, những người biểu tình tại Ai Cập còn nêu ra những yêu sách mới.
Điển hình như việc một nhóm người biểu tình tự xưng là “tuổi trẻ cách mạng ngày 25/1” (Jan. 25 Revolutionary Youth) đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện “cuộc cách mạng” đang theo đuổi cho đến chừng nào những yêu sách của họ được đáp ứng hoàn toàn. Cụ thể, những điều kiện mà nhóm “tuổi trẻ cách mạng ngày 25/1” – đã từng tiến hành biểu tình tại quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo đưa ra gồm: bãi bỏ hiến pháp hiện hành, giải tán Quốc hội và thành lập một Chính phủ chuyển tiếp, cầm quyền tạm thời trong thời gian chính biến. Những yêu sách trên đã đánh đúng vào tâm lý của nhiều người dân Ai Cập, vốn đã mệt mỏi trong một thời gian dài với cách thức điều hành của Chính phủ.
Ayman Nour-một nhà lãnh đạo đảng đối lập khẳng định, ông đang trông đợi một giai đoạn chuyển đổi “có thể đưa nhân dân Ai Cập tới tương lai hình thành một nhà nước của nhân dân, có thể đáp ứng những yêu cầu hợp pháp về một đất nước tự do và vì nhân dân”.
Trong khi đó, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và cũng là nhà lãnh đạo về cải cách ở Ai Cập, cựu Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Mohamed ElBaradei bày tỏ, ông chờ đợi vào một giai đoạn chuyển đổi mà tại đó, tồn tại sự chia sẻ quyền lực giữa quân đội và nhân dân Ai Cập.
Liệu quân đội có khả năng kiểm soát tình hình?
Cho đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể. Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng rằng, hiện quân đội Ai Cập – một bộ phận quyền lực trong nhà nước Ai Cập với khoảng 500.000 thành viên đang đứng trước nhiều khó khăn chồng chất.
Một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của quân đội Ai Cập hiện nay là đối phó với các âm mưu phạm tội bạo lực và khủng bố nhằm nhanh chóng khôi phục lại trật tự xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh những ngày tháng bất ổn vừa qua đã tạo điều kiện cho nhiều tù nhân bỏ trốn và các phần tử cực đoan, khủng bố sẽ không tốn quá nhiều thời gian, công sức để tận dụng tình hình hiện nay tại Ai Cập nhằm phục vụ cho những mưu đồ riêng.
Trong khi đó, quân đội Ai Cập lại chưa từng có kinh nghiệm trong việc lèo lái tình hình chính trị quốc gia lại đang vấp phải nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước.
Chính vì thế, theo các nhà phân tích, nhiệm vụ của quân đội Ai Cập trước mắt là phải xác định rõ, càng sớm càng tốt những nhiệm vụ cụ thể nhằm duy trì hệ thống chính trị vốn đang tê liệt cũng như đảm bảo chức năng vận hành của bộ máy kinh tế trong khi tiến hành cải tổ nhằm hướng tới một tương lai dân chủ hơn tại Ai Cập.
Một thách thức khác đối với quân đội Ai Cập là họ cần kết nối những đảng phái đối lập, cùng vì một tinh thần chung của sự hợp tác và đối thoại bởi trong bối cảnh hiện nay, bất kỳ một tiếng nói bất đồng nào giữa các đảng phái chính trị đối lập sẽ tạo ra những vấn đề không nhỏ.
Liệu cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch?
Theo nhận định của các nhà phân tích thì việc ông Mubarak chuyển giao quyền lực cho quân đội là một quyết định khôn ngoan. Phải đối mặt với tình hình khó khăn trong nước và sức ép từ phía cộng đồng quốc tế, quân đội “cầm quyền” tại Ai Cập được kỳ vọng là sẽ nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho một vị Tổng thống mới mà theo hiến pháp Ai Cập sẽ được bầu ra trong vòng 60 ngày, kể từ sau khi ông Mubarak từ chức.
Cũng theo đánh giá của các nhà phân tích thì quân đội Ai Cập sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn trong quá trình tiến hành những bước chuẩn bị cần thiết cho cuộc bầu cử Tổng thống:
Thứ nhất: Quân đội phải chuẩn bị tốt những cơ sở về mặt pháp lý, mở đường cho cuộc bầu cử Tổng thống. Đặc biệt trong bối cảnh những người biểu tình tại Ai Cập yêu cầu sửa đổi một số điều khoản trong hiến pháp, có liên quan đến bầu cử Tổng thống.
Trên thực tế, trước khi từ chức, ông Mubarak cũng đã chấp thuận sửa đổi hiến pháp nhằm nới lỏng những điều kiện cần thiết khi tranh cử Tổng thống cũng như giới hạn nhiệm kỳ của Tổng thống. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, ngay cả sau sự ra đi của ông Mubarak cũng như việc quân đội Ai Cập ngày 13/2 đã giải tán Quốc hội nước này, đình chỉ Hiến pháp hiện hành và thành lập một ủy ban soạn thảo Hiến pháp mới (thỏa mãn hai trong những yêu sách hàng đầu của những người biểu tình chống chính quyền của ông Mubarak trong hơn hai tuần lễ qua) thì quá trình sửa đổi hiến pháp Ai Cập liệu có được diễn ra một cách êm thấm vẫn còn là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.
Thứ hai: Quân đội có nhiệm vụ bảo đảm quá trình bầu cử Tổng thống diễn ra êm thấm. Đây có lẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều nhận định cho rằng, sẽ có nhiều đại diện, nhiều đảng phái chính trị tham gia cuộc tranh cử hơn thường lệ và điều đó sẽ khiến quá trình bỏ phiếu kín diễn ra một cách phức tạp hơn. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới tại Ai Cập cũng được dự báo là sẽ có nguy cơ vấp phải một số vấn đề khó khăn liên quan tới Ủy ban bầu cử, thời gian, thủ tục tiến hành bầu cử cũng như là những cơ chế giám sát bầu cử.
Thứ ba: Quân đội phải đảm bảo rằng cuộc bầu cử Tổng thống sẽ mang lại một kết quả được nhân dân Ai Cập chấp thuận. Một kết quả nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhân dân Ai Cập là một điều kiện tiên quyết, đảm bảo cho quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra trong hòa bình-một điều mà quân đội Ai Cập luôn mong muốn./.