(ĐCSVN) - Bắt đầu từ ngày 1/7, Cộng hoà Síp – quốc đảo nhỏ ở Địa Trung Hải - đã tiếp nhận cương vị chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu do Đan Mạch trao lại. Cơ hội đè cao vị thế và để lại dấu ấn riêng trong EU dường như là bài toán khó giải đối với quốc đảo nhỏ bé này.
|
Cộng hoà Síp, thành viên của EU giữa lòng Địa Trung Hải (Ảnh BTA) |
Kể từ khi gia nhập EU đến nay, đây là lần đầu tiên CH Síp đảm đương trọng trách chèo lái con tàu EU trong cơn bão nợ công vẫn đang vần vũ trên không gian châu Âu. Là nền kinh tế nhỏ trong khối, Cộng hoà Síp cũng đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tại châu Âu. Trước khi tiếp nhận vị trí chủ tịch luân phiên EU từ Đan Mạch, CH Síp đã phải chính thức cầu viện Liên minh cứu trợ hệ thống ngân hàng khỏi nguy cơ sụp đổ. Sau Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Tây Ban Nha, CH Síp đã trở thành thành viên thứ 5 phải dựa vào nguồn tài chính bên ngoài để khắc phục khủng hoảng. Hơn thế nữa, đây là lần đầu tiên, một quốc gia – Chủ tịch luôn phiên phải cầu viện sự giúp đỡ của các thành viên trong khối để giải quyết vấn đề riêng của mình.
Sự thật trớ trêu này là lý do để các nước thành viên EU lo ngại: Liệu quốc gia nhỏ bé này có đủ sức để thực hiện nhiệm vụ tương xứng với vị trí Chủ tịch Liên minh châu Âu? Làm thế nào để Síp thể hiện được vai trò điều hoà các xung đột lợi ích trong khối? Trong bối cảnh khủng hoảng nợ vẫn và đang đe doạ các quốc gia thành viên, CH Síp sẽ đề xuất những sáng kiến gì để cải thiện tình hình?...Giới ngoại giao ở Brussel cho rằng, đối với quốc đảo nhỏ bé đang đối mặt với nhiều khó khăn thì những câu hỏi trên quả là bài toán khó giải.
Tuy nhiên, với phương châm “tuỳ theo sức của mình”, CH Síp đã đưa ra chương trình nghị sự rất khiêm tốn cho thời gian đảm nhận trọng trách, trọng tâm là kết thúc đàm phán về ngân sách chung cho giai đoạn 2014-2020. Công việc trước mắt là xử lý thủ tục và quy trình cần thiết để giải ngân những khoản tiền cứu các ngân hàng của Tây Ban Nha và CH Síp.
Dưới bóng ô cứu hộ của Liên minh châu Âu, 5 thành viên đang được tạm thời che chở. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn của mỗi thành viên lại một khác. Trong khi Tây Ban Nha cần đến sự trợ giúp của châu Âu vì hệ thống ngân hàng nước này gặp khó do bong bóng bất động sản, nhưng với Síp, vấn đề lại bắt nguồn và có gốc rễ sâu xa từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp ngay từ năm 2008. Điều này đã được nêu rõ trong đơn cầu cứu của đảo quốc này gửi tới Brussel.
Các ngân hàng Síp có quan hệ chặt chẽ và đầy duyên nợ với Hy Lạp và đã mất trắng hơn 3 tỷ Euro do việc phải xoá một phần nợ nần cho Hy Lạp. Đây chỉ là một vấn đề nhỏ so với những khó khăn lớn mà thành viên nhỏ bé này của Liên minh châu Âu phải đối mặt. Một ví dụ đơn giản để minh hoạ thực tế ảm đạm này. Cán cân thương mại của CH Síp đang thâm hụt một cách đáng sợ. Năm 2011, nhập khẩu của đảo quốc này lớn gần 6 lần xuất khẩu. Đáng lo ngại là tình trạng thất nghiệp tăng, đầu năm nay (2012), tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ là 30%.
Đối mặt với khó khăn, nhưng CH Síp vẫn kiên trì (cho đến phút cuối) không cầu viện Brussel. Tổng thống Dimitris Hristofias hiểu rất rõ rằng, Liên minh châu Âu chỉ trợ giúp khi nào Síp chấp nhận các điều kiện cứu trợ. Tuy nhiên, ông Dimitris Hristofias không phải là người dễ chấp nhận điều đó bởi ông chưa sẵn sàng cho một cuộc cải tổ nền kinh tế. Để tìm nơi trú ẩn an toàn và để con thuyền mong manh của mình vượt qua cơn bão, Tổng thống Síp tìm nguồn tín dụng từ hai quốc gia thuộc khối các quốc gia mới nổi (BRIC) là Nga và Trung Quốc. Cuối cùng, sự tìm kiếm này cũng đã đạt một phần kết quả. Cuối năm 2011, Nga đã đồng ý cấp cho CH Síp khoản tín dụng trị giá 2,5 tỷ Euro. Tuy nhiên, điều kiện thoả thuận để được giải ngân vẫn còn là điều bí mật, chỉ biết lãi suất cho khoản tín dụng này là 4,5%/năm.
|
Hướng đến sự trợ giúp ngoài khối, Tổng thống CH Síp muốn tìm lối thoát riêng cho cuộc khủng hoảng (Ảnh BTA) |
Gần đây, ông Dimitris Hristofias lại tiếp tục tìm kiếm một khoản vay nữa từ Moscow, đồng thời cử Bộ trưởng kinh tế sang thăm và tìm kiếm sự chia sẻ của Trung Quốc. Tiếc thay, cả hai nỗ lực này đều chưa mang lại thành công.
Trong những ngày đầu tiên tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên EU, báo chí ở CH Síp đã sôi nổi bàn luận về khả năng Tổng thống Dimitris Hristofias để ngỏ phương án rút đơn xin cứu trợ nếu Nikozia đàm phán thành công khoản vay với Nga và Trung Quốc.
Trên thực tế, nhu cầu tài chính của CH Síp là không lớn. Với dân số khoảng 840 nghìn người, CH Síp trở thành thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 2004 và được nhìn nhận là một trong những nền kinh tế nhỏ bé của Khu vực Eurozone. Thực tế đó cho thấy, cứu trợ CH Síp, đối với Liên minh châu Âu không phải là vấn đề to lớn. Nếu so sánh với gói cứu trợ 100 tỷ Euro cấp cho Tây Ban Nha thì khoản tín dụng cỡ 6, thậm chí đến 10 tỷ Euro cho CH Síp trong cơn bĩ cực này không phải là quá lớn.
Thế nhưng, những người có tư tưởng thực dụng thì cho rằng, nếu CH Síp có phá sản thì châu Âu, Khu vực Eurozone cũng chẳng hề hấn gì. Nếu kịch bản này xảy ra thì lòng tin của các nền kinh tế nhỏ vào sự chia sẻ của các thành viên Khu vực Eurozone sẽ giảm sút rất nhiều. Các quốc gia còn lại trong Liên minh đang hướng tới mục tiêu gia nhập Eurozone sẽ rút ra được bài học bổ ích cho riêng mình./.