Hy vọng về Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa lại được nhen nhóm khi Mỹ và Triều Tiên cùng ngồi vào bàn đàm phán trong cuộc đối thoại trực tiếp tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ, nhằm bàn biện pháp nối lại các vòng đàm phán sáu bên (gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên) vốn đang bị ngưng trệ.
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách với Triều Tiên X.Bô-xơ-uốt (S.Bosworth), người sẽ thôi đảm nhận cương vị này sau vòng đàm phán, cùng người kế nhiệm G.Đây-vi (G.Davies). Trong khi đó, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kê-oan (Kim Kye-Gwan) dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên. Cuộc đối thoại diễn ra trong 2 ngày.
Phát biểu với báo giới sau khi kết thúc phiên đối thoại đầu tiên, Đặc phái viên của Mỹ về đàm phán sáu bên, ông Cli-pho Hát (Clifford Hart) đánh giá cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên về vấn đề hạt nhân “đang đi đúng hướng”. Theo ông, hai bên đã đàm phán thuận lợi, theo hướng tích cực và thu hẹp những khác biệt. Phía Mỹ sẽ cố gắng giảm thiểu những bất đồng còn lại. Mặc dù hai bên đều nhất trí nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân nhưng hiện vẫn bất đồng về điều kiện nối lại đàm phán. Trong khi Bình Nhưỡng tuyên bố cần nối lại đàm phán vô điều kiện, Oa-sinh-tơn yêu cầu Bình Nhưỡng trước tiên phải cam kết giải trừ hạt nhân.
|
Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kê-oan (người đeo kính) rời Đại sứ quán Triều Tiên tại Giơ-ne-vơ tới địa điểm đàm phán với phía Mỹ. Ảnh: AFP |
Cuộc đàm phán sáu bên đã rơi vào điểm chết từ tháng 12-2008. Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi bàn đàm phán vào tháng 4-2009, một tháng trước khi thử nghiệm hạt nhân lần thứ hai sau lần thử hạt nhân đầu tiên năm 2006. Cơ hội để các bên một lần nữa ngồi lại với nhau chỉ đến vào tháng 7-2011, khi các phái đoàn hạt nhân của Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a. Sau đó, Mỹ và Triều Tiên tiến hành vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên tại Niu Y-oóc. Hai nước mới đây đã đồng ý nối lại việc tìm kiếm hài cốt của các lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 sau 6 năm gián đoạn, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang giảm dần.
Hôm 24-10, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng In (Kim Jong-il) cũng đã bày tỏ hy vọng tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên sẽ được tái khởi động trong thời gian sớm nhất. Trong cuộc gặp với Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, đang thăm hữu nghị chính thức Triều Tiên, ông Kim Châng In cho rằng cả sáu bên cần thực hiện đầy đủ tuyên bố chung ký năm 2005 tại Bắc Kinh, về nguyên tắc cùng hành động. Ông Lý Khắc Cường cũng cho biết Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc góp phần cải thiện quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Những động thái này mang đến một cơ hội tốt cho bước đột phá bế tắc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như quan hệ liên Triều.