(ĐCSVN) - Trận động đất và sóng thần cách đây hơn một năm tại Nhật Bản không chỉ gây thiệt hại lớn về người và của cho nước này, mà còn làm hư hại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, dẫn tới thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau vụ Chernobyl năm 1986. Vậy Nhật Bản đã làm những gì để đối phó với thảm họa này?
Nhìn lại thảm họa hạt nhân chưa từng có
Thảm họa kép động đất - sóng thần ngày 11/3/2011 đã làm hư hại các lò phản ứng và hệ thống làm mát trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, dẫn tới các vụ nổ tại cơ sở này chỉ một ngày sau khi thảm họa xảy ra ở vùng đông bắc của Nhật Bản.
|
Thảm họa động đất - sóng thần đã gây nên các vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Ảnh chụp ngày 14/3/2011. Nguồn: Digital Globe) |
Vụ nổ thứ hai xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I chỉ hai ngày sau vụ nổ thứ nhất, làm dấy lên tâm lý lo ngại về một thảm họa hạt nhân khôn lường. Chưa hết, chỉ một ngày sau vụ nổ thứ hai, một vụ nổ nữa lại xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima gây cháy lớn, và gây nên sự lo sợ về khả năng phóng xạ rò rỉ trên diện rộng. Vụ cháy xảy ra ở lò phản ứng số 4 của nhà máy Fukushima.
Sau đó, nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, cách thủ đô Tokyo khoảng 220 km về phía đông bắc, bắt đầu thoát phóng xạ ra bên ngoài sau khi hệ thống làm mát của nhà máy này bị sóng thần làm hỏng hoàn toàn. Chính phủ Nhật và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy, đảm bảo rằng không có sự tan chảy ở Fukushima I, bất chấp những cảnh báo liên tiếp từ các chuyên gia độc lập.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2011, Chính phủ Nhật và TEPCO phải thừa nhận rằng 3 trong số 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I có hiện tượng tan chảy thanh nhiên liệu. Tiếp đó, các nhà chức trách Nhật đã chính thức thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA rằng sự cố ở nhà máy điện hạt nhân đã lên mức 7, mức cao nhất theo nấc thang quốc tế. Được cho là “sự cố lớn”, mức 7 được sử dụng để mô tả một sự kiện bao gồm “lượng phóng xạ thoát ra lớn với tác động lây lan rộng về sức khỏe và môi trường, cần thực hiện các biện pháp chống đỡ có kế hoạch và mở rộng” – theo quan điểm của IAEA.
Hàng chục nghìn người đã rơi vào cảnh không nhà cửa vì thảm họa hạt nhân Fukushima. Nhiều vùng đất bên trong khu vực bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima I được cho là sẽ không thể sinh sống được trong nhiều thập kỷ nữa vì mức độ phóng xạ quá cao tại đây.
Bên cạnh đó, hơn một năm sau xảy ra tai họa, nỗi lo thực phẩm nhiễm phóng xạ vẫn ám ảnh người tiêu dùng ở đất nước này mặc dù chính quyền vẫn cố gắng trấn an người tiêu dùng.
Ngoài ra, hàm lượng chất phóng xạ cesium trong nước biển đang khiến dư luận báo động. Hàm lượng chất phóng xạ cesium trong nước biển Thái Bình Dương hiện cao hơn gấp 6 lần so với những ước tính từ trước - đó là kết quả nghiên cứu do Cơ quan Nhật Bản về khảo sát biển công bố mới đây.
Sau khi kiểm tra mẫu nước biển ở 500 điểm ven bờ của tỉnh Fukushima, các nhà khoa học Nhật Bản đi đến kết luận rằng lượng chất thải cesium -137 từ nhà máy điện hạt nhân này là từ 4200 đến 5600 terabekkereley. Chất phóng xạ cesium-137 cực kỳ nguy hiểm bởi nó có thể tích tụ trong cơ thể, hủy hoại cơ bắp và khởi phát bệnh ung thư. Thời gian bán phân hủy của cesium-137 là khoảng 30 năm.
Như vậy có thể thấy, thảm họa hạt nhân Fukushima đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, sức khỏe của người dân Nhật Bản. Từ thảm họa này, vấn đề xây dựng và sử dụng các nhà máy điện hạt nhân lại trở nên thời sự hơn bao giờ hết trên thế giới. Thảm họa Fukushima khiến các nước hàng đầu thế giới phải xem xét lại chương trình phát triển "hạt nhân hòa bình" của mình.
... và cách ứng phó trước khó khăn của Nhật Bản
Trước những thách thức quá lớn sau thảm họa kép động đất – sóng thần và thảm họa hạt nhân, Chính phủ Nhật Bản đã cho thấy sự bình tĩnh trong việc đối phó và giải quyết hậu quả sau thảm họa.
Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành đo đạc rất tỉ mỉ nồng độ nhiễm xạ trong các loại thực phẩm, đồng thời tạm thời cấm lưu hành các loại sản phẩm rau quả, thịt cá, sữa… có nguồn gốc từ khu vực Fukushima và vùng phụ cận. Từ đó đến nay có rất nhiều vấn đề xung quanh “cái ăn” khiến người dân Nhật không khỏi lo ngại về nguy cơ nhiễm xạ.
Các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã tiến hành thu thập các mẫu động thực vật. Họ xem xét sự phơi nhiễm phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã ảnh hưởng như thế nào tới hình dáng bên ngoài, các nhiễm sắc thể và chức năng tái sinh của các loài động thực vật này. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng sẽ xem xét cả những ảnh hưởng của thời tiết và các nhân tố khác tới sự tăng trưởng của động thực vật hoang dã. Bộ Môi trường Nhật Bản dự định sẽ soạn thảo báo cáo sơ bộ về vấn đề này trước tháng 3/2013.
Để đảm bảo an toàn, hầu hết các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đều ngừng hoạt động để kiểm tra độ an toàn, chỉ có 2 trong tổng số 54 lò phản ứng ở Nhật Bản còn đang hoạt động. Mặc dù việc ngừng hoạt động các nhà máy điện hạt nhân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu phát điện nhưng theo Chính phủ Nhật Bản, yếu tố an toàn vẫn cần được đặt lên trên hết.
Riêng về nhu cầu điện, cho đến nay, Nhật đã thành công trong việc giữ đủ nguồn cung điện, một phần nhờ vào các chương trình tiết kiệm điện nghiêm ngặt, chẳng hạn như tắt điều hòa trong mùa hè hoặc không bật điện văn phòng vào ban ngày. Nhật cũng tăng công suất phát điện từ các nhà máy điện thông thường, mặc dù nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy này là khí ga tự nhiên hoặc than thường làm tăng giá thành phát điện. Quốc gia này từ trước đến nay vốn đã phải đối mặt với những khó khăn từ việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài.
Với hy vọng xoa dịu nỗi lo lắng về an toàn của dân cư địa phương, Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị vận hành các nhà máy kiểm tra thử việc vận hành trong những điều kiện xấu nhất. Những mô phỏng trên máy tính được tạo ra để cho thấy các lò phản ứng có thể chống đỡ như thế nào với một thảm họa thiên nhiên khủng khiếp như trận động đất 9 độ richter, cũng như trận sóng thần đã làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.
Hiện nay, đa số người dân Nhật Bản phản đối chuyện tiếp tục cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động. Điều này cũng gây áp lực cho Chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh vừa phải khắc phục hậu quả sau thảm họa vừa phải tìm lời giải thích hợp cho bài toán về năng lượng hạt nhân của nước này. Nhưng quan điểm của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, quyết định có hay không việc tiếp tục duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân cần phải xem xét rất kỹ lưỡng. Bởi sự “an toàn” với người dân sẽ là yếu tố định hướng để Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng nhất trong thời gian tới./.