(ĐCSVN) - Ban Các vấn đề xã hội và kinh tế của Liên hợp quốc (LHQ) vừa công bố Báo cáo triển vọng và tình hình kinh tế thế giới năm 2012, trong đó nhấn mạnh khả năng kinh tế thế giới chạm đáy lần thứ 2 là rất lớn.
Nếu giải quyết được những vấn đề của cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, châu Âu sẽ kiểm soát được cuộc khủng hoảng của một số quốc gia. Nếu các nước phát triển chủ yếu như Mỹ có khả năng đưa ra kế hoạch tài chính trung và dài hạn khả thi, năm 2012, tổng giá trị sản xuất trên thế giới sẽ tăng 2,6%, thấp hơn tỷ lệ dự tính hồi đầu năm 2011 (2,8%) và thấp hơn tỷ lệ 4% năm 2010. Với sự hỗn loạn của vấn đề nợ công ở châu Âu và việc thắt chặt tài chính hơn nữa, các quốc gia phát triển sẽ bước vào giai đoạn suy thoái mới, còn kinh tế toàn cầu cũng sẽ rơi vào tình trạng đình trệ. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 chỉ là 0,5%, năm 2013 có khả năng đạt 2,2%.
Tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển cũng sẽ giảm. Báo cáo dự tính tỷ lệ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển năm 2012 và 2013 là 5,6% và 5,9% so với tốc độ tăng trưởng 7,5% năm 2010; tỷ lệ tăng trưởng của các nước phát triển trong hai năm này lần lượt là 1,3% và 1,9%. Những con số này đều thấp hơn so với dự báo của LHQ hồi cuối năm ngoái. Trong năm 2012 và 2013, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ lần lượt là 1,5% và 2,0%, Liên minh châu Âu (EU) là 0,7% và 1,7%, Trung Quốc là 8,7% và 8,5%.
Năm 2012, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với những nhân tố bất ổn chính và rủi ro từ các nước phát triển. Vấn đề nợ công ở các nước châu Âu, sự suy yếu của hệ thống tài chính, tỷ lệ tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và những hạn chế về kinh tế và chính trị có khả năng đẩy các nền kinh tế phát triển rơi vào một cuộc suy thoái mới. Hơn nữa, thương mại và tài chính quốc tế đe dọa nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và ổn định kinh tế của các nước đang phát triển. Trên thực tế, đồng Ơ-rô đang đối mặt với thách thức lịch sử. Tiến trình nhất thể hoá trên các phương diện khác, đặc biệt là nhất thể hoá về tài chính vẫn trì trệ. Tuy nhiên, nếu muốn đẩy nhanh tiến trình nhất thể hoá tài chính thì châu Âu sẽ đối diện với tình trạng tan rã của đồng Ơ-rô.
Khi vấn đề nợ công ở châu Âu không kiểm soát được, ngân hàng thương mại của khu vực sẽ bị tổn thất rất lớn, dẫn đến thu hẹp cho vay tín dụng, điều đó có khả năng sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính - kinh tế như năm 2008. Kết quả là kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái và ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Khả năng kinh tế Mỹ rơi vào đợt suy thoái mới cũng rất lớn. Nếu khủng hoảng nợ công ở châu Âu lan rộng, các ngân hàng của Mỹ cũng bị tổn thất lớn, nhưng khả năng Mỹ rơi vào đợt suy thoái mới chủ yếu do tình hình chính trị nội bộ.
Khi châu Âu và Mỹ cùng rơi vào vòng suy thoái kinh tế mới, các quốc gia khác sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu những rủi ro trên thành hiện thực, kinh tế châu Âu năm 2012 có khả năng suy giảm 1,6% vả Mỹ suy giảm 0,8%. Do chịu ảnh hưởng từ những nước này, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển sẽ từ 6,1% năm 2011 trượt xuống còn 3,6% năm 2012, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 0,5% và rơi vào suy thoái.