(ĐCSVN) - Theo giới quan sát, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma đã kế tục và điều chỉnh chính sách quân sự của Mỹ theo hướng tăng cường sức mạnh quân sự trên toàn cầu.
Có 5 biện pháp chủ yếu được Tổng thống Ô-ba-ma thông qua, đó là:
Thứ nhất, thành lập các đơn vị quân sự mới. Quân đội Mỹ đã thành lập mới 3 Bộ Tư lệnh (gồm Bộ Tư lệnh Phòng thủ tên lửa đạn đạo và phòng không, Bộ Tư lệnh tiến công toàn cầu và Bộ Tư lệnh An ninh mạng), 1 Tập đoàn không quân và 1 phi đội ném bom chiến lược.
Thứ hai, tái lập các đơn vị quân sự đã từng loại ra khỏi biên chế. Ngày 25.4.2009, hải quân Mỹ chính thức tái thành lập Hạm đội 4, trực thuộc Bộ Tư lệnh Phương Nam, đảm trách khu vực Nam Mỹ và Ca-ri-bê. Ngày 11.7.2009, không quân Mỹ tổ chức lễ khôi phục hoạt động trở lại cho Phi đội ném bom số 343 bị giải thể sau chiến tranh Thế giới thứ 2.
Ngày 1.5.2010, không quân Mỹ chính thức tái lập phi đội máy bay trinh sát viễn chinh số 361 (361 ERS), biên chế 12 máy bay trinh sát thế hệ mới MC-12, 80 phi công, 500 nhân viên phục vụ và thợ kỹ thuật, có nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo cho lực lượng tác chiến trên bộ của Mỹ và đồng minh tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan.
Thứ ba, chuyển đổi và sát nhập. Theo kế hoạch, cuối năm 2010, Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc sẽ chuyển thành Bộ Tư lệnh Mỹ - Hàn (KORCOM) nhằm tăng cường chức năng của quân Mỹ tại Hàn Quốc sau thời điểm bàn giao quyền chỉ huy tác chiến trong thời chiến cho Hàn Quốc. Ngoài ra, từ ngày 31.1 đến ngày 1.10.2010, Mỹ có kế hoạch sáp nhập 26 căn cứ của các lực lượng Hải, Lục, Không quân thành 12 căn cứ hỗn hợp.
Thứ tư, tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng. Năm 2010, mặc dù phải chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, Mỹ vẫn tăng ngân sách quốc phòng với mức 680,4 tỷ USD năm tài khóa 2010, trong đó 550,4 tỷ USD ngân sách cơ bản và 130 tỷ USD hỗ trợ cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài, tăng 4% so với tài khóa 2009 và chiếm 4,3% GDP. Ngày 1.7.2010, Mỹ thông qua ngân sách bổ sung cho tài khóa 2010 trị giá 37 tỷ USD cho cuộc chiến tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan.
Trong khi đó, ngày 19.5.2010, Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ thông qua dự toán ngân sách tài khóa 2011 trị giá 726 tỷ USD, trong đó 567 tỷ USD chi cho Bộ Quốc phòng và các chương trình an ninh quốc gia; 159 tỷ USD cho các hoạt động tại nước ngoài.
Thứ năm, tái bố trí, triển khai lực lượng. Dưới thời Tổng thống Ô-ba-ma, quân đội Mỹ đã có những điều chỉnh đáng kể trong kế hoạch triển khai lực lượng tới các chiến trường trên toàn cầu. Cụ thể, tại Gu-am, Mỹ tiếp tục triển khai luân phiên lực lượng chiến lược gồm máy bay ném bom B-52, B-2A và máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ mới F-22. Từ cuối năm 2008, Mỹ thường xuyên triển khai 6 máy bay B-52 hoặc 4 máy bay B-2 và 12 máy bay F-22 thường trực tại Gu-am.
Ngày 10.4.2010, Mỹ quyết định đầu tư 10,3 tỷ USD để mở rộng căn cứ Gu-am trên diện tích 16.000 ha. Theo đó, không quân Mỹ sẽ xây dựng thêm một trung tâm tình báo, trinh sát do thám và tấn công tại căn cứ An-đéc-xen với biên chế 3.000 quân. Lục quân triển khai lực lượng tên lửa đạn đạo biên chế 600 quân. Hải quân xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ triển khai 1 biên đội tàu sân bay thường trực tại căn cứ này.
Tại Ha-oai, hải quân Mỹ đã triển khai phi đội tàu ngầm số 3 (CSS-3) với biên chế đầy đủ 19 tàu. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã thông qua kế hoạch triển khai 20 máy bay F-22 tại Ha-oai trước tháng 10.2011.
Tại Nhật Bản, từ tháng 9.2008, hải quân Mỹ bố trí thường trực biên đội tàu sân bay CVN-73 tại căn cứ Y-ô-cô-su-a thay thế cho tàu CV-63 hết hạn hoạt động. Từ tháng 1.2009 đến nay, không quân Mỹ thường cuyên triển khai 12 máy bay F-22 tới căn cứ không quân Ca-đê-na ở Nhật Bản.
Tại chiến trường châu Âu và Trung Đông, Mỹ tiếp tục thực hiện tham vọng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu. Từ đầu năm 2010, Mỹ thường xuyên triển khai 3 tàu khu trục có trang bị hệ thống Aegis tại châu Âu. Ngoài ra, Mỹ và Ba Lan đang xúc tiến kế hoạch triển khai tên lửa đánh chặn Patriot tại Ba Lan.
Tại vùng Vịnh, Mỹ thường xuyên triển khai một biên đội tàu sân bay và mọt cụm tàu tiến công đổ bộ hoạt động liên tục tại khu vực đảm trách của Hạm đội 5.
Tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Ô-ba-ma đã quyết định rút quân khỏi I-rắc và tăng cường 30.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan. Hiện tại, Mỹ vẫn thực hiện đúng lộ trình rút quân khỏi I-rắc và đã triển khai 30.000 quân cùng 15.000 nhân viên quân sự tới Áp-ga-ni-xtan.