Báo giới quốc tế nhận định tình hình Bê-la-rút trước thềm bầu cử Tổng thống

Thứ tư, 15/12/2010 10:11
(ĐCSVN) - Theo công bố chính thức, bầu cử Tổng thống ở Bê-la-rút sẽ diễn ra vào ngày 19.12.2010. Uỷ ban Bầu cử Quốc gia (SIK) cho biết đã có 10 ứng cử viên đăng ký tham gia tranh cử, trong đó có đương kim Tổng thống Lu-ca-sen-cô.

Chiến dịch tranh cử chính thức bắt đầu từ ngày 19.11.2010 với nhiều khả năng sẽ có những tranh cãi gay gắt giữa Chính quyền và phe đối lập. Phe đối lập tại Bê-la-rút đã có những hành động hết sức quyết liệt. Theo kết quả điều tra dư luận do Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội độc lập Bê-la-rút tiến hành, Tổng thống Lu-ca-sen-cô giành được 44% sự ủng hộ của người dân.

Mỹ và phương Tây đang tích cực tác động và theo dõi chặt chẽ các quá trình trước, trong và sau cuộc bầu cử Tổng thống tại Bê-la-rút. Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Ra-sen đã có chuyến thăm Min-xcơ, hội đàm với Ngoại trưởng nước chủ nhà; các ứng cử viên Tổng thống và đại diện các tổ chức phi Chính phủ về cuộc bầu cử sắp tới. Trong khi đó, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề chính sách phát triển và định hướng châu Âu đã hai lần đến thăm và làm việc với Min-xcơ. Ngoại trưởng Ba Lan, Đức và Tổng thống Lít-va lần lượt đã có các cuộc viếng thăm và bàn việc thúc đẩy dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Bê-la-rút.

Kịch bản cuộc bầu cử dự kiến Tổng thống đương nhiệm Lu-ca-sen-cô sẽ giành chiến thắng. Sau đó, Chính quyền Bê-la-rút có thể sẽ tiến hành các bước: (1) Trong 2-3 ngày đầu không có các phản ứng quá cứng rắn với các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử. (2) Tiến hành đàm phán với châu Âu và Mỹ về các vấn đề tồn tại trong quá trình bầu cử nhằm nhận được sự công nhận kết quả bầu cử (khi các bên này không công nhận). (3) Sử dụng các thoả thuận đạt được với châu Âu và Mỹ gây áp lực buộc Nga cũng phải công nhận kết quả bầu cử. (4) Hợp pháp hóa Chính phủ mới của Bê-la-rút.

Chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Bê-la-rút Va-le-ri Các-ba-le-vích nhận định, trong thời gian vận động bầu cử lần này xuất hiện những điểm khác so với lần trước (năm 2006) là sự thay đổi xu hướng địa chính trị từ định hướng thân Nga sang hướng ngả theo châu Âu. Sự lựa chọn của người dân Bê-la-rút hiện nay đã có phần thay đổi khi quan điểm "thân Nga" chỉ được ủng hộ 35,4%, trong khi "thân châu Âu” là 42,2%. Ki-rin Cốc-tức Phó Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Mát-xcơ-va cho rằng, các tuyên bố chống lại Nga của ông Lu-ca-sen-cô nhằm: (l) Khẳng định sự độc lập của Bê-la-rút đối với Nga, một cách quảng bá cho cuộc vận động tranh cử. (2) Tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thảo luận về giá dầu lửa và gas trước năm mới. (3) Bảo đảm cho cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, vì Nga đang có các tuyên bố không thừa nhận cuộc bầu cử này. Trong khi đó An-đrây Phe-đô-rốp - nhà phân chính chính trị quốc tế (Bê-la-rút) nhấn mạnh, Nga sẽ phải công nhận cuộc bầu cử nếu ông Lu-ca-sen-cô thắng cử, bởi vì Mát-xcơ-va hiểu rằng, nếu không công nhận đó là hành động phá hoại quan hệ Nga - Bê-la-rút. Đối với Nga, quan trọng nhất hiện nay là kéo nền kinh tế của Bê-la-rút hòa nhập vào Nga, thống nhất hệ thống tiền tệ giữa hai nước.

Đéc-ga-chép, Giáo sư Đại học Tổng hợp Quốc gia ô-đéc-sa cho rằng, ông Lu-ca-sen-cô sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tới vì vẫn có được sự tín nhiệm của nhân dân. Hơn nữa, tình hình Bê-la-rút đang ổn định cả về chính trị lẫn kinh tế, phe Chính quyền đang rất mạnh.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực