Báo giới quốc tế phân tích: Mỹ đẩy mạnh ảnh hưởng quân sự tại Đông Nam Á

Thứ ba, 27/07/2010 17:09
(ĐCSVN) - Theo giới phân tích, để ngăn chặn, thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc và mở rộng ảnh hưởng của mình, trong thời gian gần đây, Mỹ rất quan tâm đến “đẩy mạnh ảnh hưởng quân sự” và điều động lực lượng quân sự tới khu vực Đông Nam Á.

Về mặt địa lý, Đông Nam Á là khu vực quan trọng chiến lược giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, phục vụ đắc lực cho thực hiện “chiến lược toàn cầu” của Mỹ. Về mặt quân sự, khu vực này có vị trí chiến lược quan trọng như là một đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, số dân theo đạo Hồi ở Đông Nam Á rất lớn, khiến khu vực này trở thành mặt trận quan trọng trong cuộc  chiến chống khủng bố của Mỹ.

Để chứng minh cho cụm từ “đẩy mạnh ảnh hưởng quân sự”, giới phân tích đã nhắc đến Campuchia, một quốc gia nghèo trong khu vực Đông Nam Á. Giới quân sự Mỹ đã đặc biệt quan tâm và công khai hợp tác quân sự cũng như đẩy mạnh hơn các gói hỗ trợ lớn hàng triệu USD cho quân đội Campuchia. Ngoài ra, Mỹ còn hợp tác quân sự với Lào. Các hoạt động đặc biệt này đã được khởi động từ tháng 12.2009, lần đầu tiên Đại sứ quán Mỹ tại Viêng Chăn có tùy viên quân sự kể từ 30 năm qua. Trong chuyến thăm Lào của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Cớt Căm-beo hồi tháng 3.2010, hai nước đã chính  thức khởi động nhiều chương trình hợp tác quan trọng, trong đó có chương trình hợp tác rà phá bom mìn còn sót lại từ thời chiến tranh; hợp tác giữa quân đội hai nước tập trung đào tạo huấn luyện, giảng dạy tiếng Anh cho các sỹ quan Lào trong khuôn khổ Chương trình Giáo dục và Huấn luyện quân sự Quốc tế (IMET).

Thái Lan là quốc gia đồng minh ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Mỹ, do đó, việc hợp tác quân sự, buôn bán và viện trợ vũ khí cho quân đội Thái Lan là chuyện thường xuyên. Tuy nhiên, dấu hiệu gia tăng ảnh hưởng của Mỹ tại Thái Lan gần đây đã được tăng cường thông qua nhiều hoạt động cụ thể như đẩy mạnh các cuộc viếng thăm của các tàu sân bay và tàu chiến; tổ chức diễn tập “Hổ Mang Vàng”, “CARAT” và nhiều cuộc diễn tập quy mô nhỏ khác với mục đích không để cho Thái Lan bị lôi kéo vào chiến lược “sức mạnh mềm” của Trung Quốc.

Trong khi đó, Ma-lai-xi-a là quốc gia có mối quan hệ khá tốt với Trung Quốc, nhưng xét về tầm ảnh hưởng quân sự thì Mỹ vẫn vẫn chiếm vị trí quan trọng và chủ đạo trong hợp tác quân sự với nước này. Các chuyến viếng thăm quân sự cấp cao được diễn ra thường xuyên, các hoạt động diễn tập quân sự song phương giữa hai quân đội ngày càng được mở rộng. Đặc biệt, ngày 6.6.2010, các tàu chiến Mỹ gồm USS Vandegrift (FFD 48), USCGC Mellon (WHEC 717) và USS Salvor (T-ARS 52) đã tới Ma-lai-xi-a để tham gia giai đoạn 4 cuộc diễn tập “CARAT” lần thứ 16. Theo chương trình hợp tác chung, từ năm 2011, Mỹ sẽ mời Ma-lai-xi-a tham gia cuộc diễn tập “Hổ Mang Vàng” được tổ chức tại Thái Lan.

Đối với In-đô-nê-xi-a, Mỹ đang từng bước tăng cường thiếp lập quan hệ chặt chẽ về quân sự. Ngày 5.7.2010, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo, Mỹ đã xóa bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận buôn bán vũ khí quân sự cho In-đô-nê-xi-a. Ngay sau đó, In-đô-nê-xi-a đã đề xuất kế hoạch mua máy bay chiến đấu F-16, máy bay vận tải C-130H Hercules, tàu ngầm và một số tàu chiến khác của Mỹ. Các nhà ngoại giao Mỹ nhận định, việc xóa bỏ lệnh cấm vận sẽ giúp In-đô-nê-xi-a hiện đại hóa quân đội, cải thiện các nỗ lực chống khủng bố và cứu trợ thiên tai. Ngoài ra, thời gian vừa qua, Mỹ đã liên tục tổ chức các cuộc diễn tập quân sự chung với quân đội In-đô-nê-xi-a như “CARAT”, “Hổ Mang Vàng”, “Lá chắn Garuda”… và tăng cường nhiều hoạt động phối hợp huấn luyện chống khủng bố khác. Giới phân tích cho rằng, Mỹ sẽ xem xét khôi phục hỗ trợ cho Lực lượng Đặc nhiệm In-đô-nê-xi-a đã bị đình chỉ từ thập niên 1990 do lực lượng này bị cáo buỗ vi phạm nhân quyền ở Đông Ti-mo.

Các chuyên gia cho rằng, đối với Mỹ, sự hiện diện quân sự tại các quốc gia Đông Nam Á không những có tác động về mặt quân sự, mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, tình báo và tuyên truyền văn hóa. Bởi vì, nếu không có sự hiện diện đó, Mỹ không thể “nhòm ngó” và kịp thời can thiệp vào những vấn đề có lợi cho Mỹ trên phạm vi toàn cầu, mà trước mắt là để ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực này.              

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực