Bất đồng giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ chưa có hồi kết thúc

Thứ bảy, 07/02/2015 15:29

(ĐCSVN) - Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa đề xuất dự thảo ngân sách năm 2016 trị giá gần 4.000 tỷ USD, bao gồm nhiều nội dung tăng chi tiêu và cải cách thuế. Ngay lập tức đề xuất này trở thành cái cớ cho cuộc tranh cãi gay cấn giữa Nhà Trắng và Quốc hội vốn có nhiều bất đồng.

 

 Một cuộc họp ở Quốc hội Mỹ. (Ảnh AP)


Dự thảo ngân sách cho năm 2016


Dự thảo ngân sách năm 2016 do Nhà Trắng đề xuất ngày 2/2/2015 trị giá 3,99 nghìn tỷ USD, tăng 240 tỷ USD so với năm 2015, trong đó bao gồm nhiều khoản chi tiêu lớn dành cho cơ sở hạ tầng, quân đội và hoạt động nghiên cứu.

Theo một quan chức cấp cao, kế hoạch trên đặt mục tiêu giữ thâm hụt dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), mức mà các chuyên gia kinh tế đánh giá là bền vững. Theo đó, thâm hụt trong năm 2016 được ước tính vào khoảng 474 tỷ USD, tương đương 2,5% GDP, trong khi nợ chính phủ sẽ tương đương khoảng 75% GDP. Tính toán trên dựa trên giả định rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2016 sẽ tăng trưởng ở mức 3,1%, với tỷ lệ thất nghiệp là 5,4% và lạm phát 1,4%.

Tổng thống Barack Obama đề xuất “lấp các lỗ hổng” trong bộ luật thuế của Mỹ, theo đó tìm cách áp đặt quy định thuế mới đối với nguồn thu từ nước ngoài của các doanh nghiệp Mỹ. Tổng thống Obama đề nghị đánh thuế một lần 14% mỗi năm đối với khoản lợi nhuận trị giá hơn 2.100 tỷ USD mà các doanh nghiệp Mỹ đang lưu giữ ở nước ngoài để tránh phải nộp thuế. Với quy định mới này, chính phủ liên bang sẽ thu được khoảng 238 tỷ USD để đầu tư vào chương trình xây dựng, sửa chữa và nâng cấp hệ thống đường cao tốc, cầu phà và các đầu mối giao thông quan trọng, với tổng chi phí lên khoảng 478 tỷ USD trong 6 năm tới.

Bên cạnh đó, dự thảo ngân sách năm 2016 cũng ưu tiên lợi ích của các gia đình trung lưu, tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp xã hội. Tổng thống Barack Obama cũng đề nghị nới lỏng các chương trình thắt chặt chi tiêu đối với ngân sách quốc phòng và các chương trình nội địa từ năm 2011, với mức tăng 7% mỗi năm.

Ông chủ Nhà Trắng đề nghị tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 lên 534 tỷ USD, trong đó một phần ngân sách là dành cho kế hoạch tăng cường lực lượng đồn trú tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các hoạt động chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, công tác củng cố an ninh mạng và các khoản chi tiêu để "đối phó với các hành động gây hấn của Nga tại Đông Âu"…

Đối với các nghị sỹ đảng Dân chủ, kế hoạch ngân sách trên của ông Obama được coi là một bản "dự thảo tuyên ngôn bầu cử" của các ứng viên đảng này và là cơ hội để họ chứng minh rằng tôn chỉ của đảng Dân chủ là tập trung vào cải thiện tình hình kinh tế cho người dân nói chung, cũng như thúc đẩy các chính sách an sinh xã hội.

Cuộc chiến “ngân sách” vẫn tiếp diễn

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đề xuất gói ngân sách gần 4.000 tỷ USD, toàn bộ các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội đã lên tiếng phản đối kế hoạch trên, và cho rằng điều này chỉ nhằm giúp "đánh bóng" uy tín của đảng Dân chủ trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho rằng kế hoạch ngân sách của Tổng thống Obama không có nhiều điểm khác biệt so với các chính sách trước đó khi vẫn chủ yếu đề xuất tăng thuế và đẩy mạnh chi tiêu. Quan chức này cũng để ngỏ khả năng Hạ viện sẽ đề xuất một kế hoạch khác mang tính "hướng về tương lai" cho tài khóa 2016.

Cùng chung quan điểm, nghị sỹ đảng Cộng hòa Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, cũng cáo buộc kế hoạch của ông Obama vẫn chỉ tập trung đẩy mạnh chi tiêu chính phủ nhờ vào các khoản thu được từ việc tăng thuế. Ông Hatch chỉ trích đề xuất này "chỉ làm thỏa mãn tôn chỉ của đảng Dân chủ" chứ không thể giúp nước Mỹ lấy lại được "nền tảng tài chính vững chắc."

Thậm chí, các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại lưỡng viện Quốc hội còn đe dọa sử dụng lá bài ngân sách để bác bỏ các chính sách do ông Obama khởi xướng, trong đó có việc dọa cắt đứt nguồn tài trợ cho Bộ An ninh nội địa (DHS) nếu Tổng thống Obama không từ bỏ dự luật di trú, theo đó cho phép thêm khoảng 5 triệu người được phép cư trú dài hạn ở Mỹ.

Trước những tranh cãi gay gắt trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên truyền hình giải thích về dự thảo ngân sách năm 2016 do Nhà Trắng soạn thảo trong một động thái được xem là rất hiếm hoi. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cho rằng đảng Cộng hòa quả là muốn đùa với an ninh quốc gia khi cắt giảm ngân sách cho DHS, khi nơi đây ngày đêm đang bảo vệ biên giới đầy bất an của Mỹ trước muôn vàn âm mưu khủng bố. Ông Obama cho rằng, đảng Cộng hòa có thể sẽ phải hối tiếc vì hành động này. Phía đảng Cộng hòa tại Quốc hội thì cho rằng họ không hề làm hại đến an ninh quốc gia vì số ngân sách cắt giảm chỉ ảnh hưởng đến các hoạt động điều hành của Tổng thống Obama về nhập cư. Còn nếu tiếp tục với dự luật nhập cư do ông Obama khởi xướng, ngân sách Mỹ sẽ phải chi thêm 160 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

Riêng về ngân sách dành cho quốc phòng, đảng Cộng hòa từ lâu đã phản đối việc cắt giảm chi tiêu quân sự và họ không muốn tái diễn hành động này như đã xảy ra trong năm 2015. Vì vậy, đảng Cộng hòa muốn tăng thêm ngân sách quốc phòng là 75 tỷ USD trong năm 2016 thay vì cắt giảm bằng số này.

Trong bài phát biểu của mình, ông Obama cũng không quên nhắc tới thành tích về tiết kiệm ngân sách khi cho rằng, kể từ lúc ông nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2008, Nhà Trắng đã cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 2/3 so với trước đó, với tổng số tiền thâm hụt cắt giảm là 1,8 nghìn tỷ USD.

Dự báo ngân sách năm 2016 của Mỹ sẽ thâm hụt thêm 474 tỷ USD. Ông Obama khẳng định sẽ không chấp nhận một ngân sách trong đó Quốc hội cố tình cắt rời các gắn kết quan trọng giữa an ninh quốc gia và an ninh kinh tế, trong khi ngân sách này không lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nhà Trắng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm hơn, lạm phát và lãi suất thấp hơn so với dự báo cách đó một năm. Theo đó, trong những năm tới, Nhà Trắng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trung bình năm khoảng 2,3%, thấp hơn 1% so với mức trung bình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai đến nay.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, bản đề xuất ngân sách năm 2016 của Tổng thống Barack Obama có ít cơ hội được thông qua tại Quốc hội lưỡng viện, hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Tuy nhiên, bản đề xuất ngân sách này sẽ châm ngòi cho những tranh luận về sự công bằng và tinh thần trách nhiệm - hai vấn đề quan trọng mà các ứng viên hai đảng sẽ phải hướng tới trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong hai năm tới.

Trước đây một tháng, ngày 3/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự lạc quan về khả năng hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ đạt được thỏa thuận về ngân sách vào thời hạn chót để tránh tái diễn sự cố chính phủ bị đóng cửa như hồi cuối năm 2013.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại một diễn đàn do tờ "Wall Street Journal" tổ chức, Tổng thống Obama cho rằng những tuyên bố gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner và thủ lĩnh phái Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell - người hiện đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Thượng viện - về lợi ích của họ trong việc ngăn chặn sự tái diễn sự cố chính phủ bị đóng cửa là những dấu hiệu tích cực. Tổng thống Mỹ đã khẳng định không bên nào được lợi nếu hoạt động của chính phủ tê liệt và nước Mỹ không thể gánh chịu thảm kịch này một lần nữa. /.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực