Bât đồng tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ

Thứ sáu, 20/04/2012 16:15

Tại hội nghị này, Mỹ đứng trước áp lực mạnh mẽ của nhiều nước yêu cầu phải mời Cuba tham dự các Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo của OAS.

Trong hai ngày 14 và 15/4, Hội nghị Thượng đỉnh các nước Mỹ La tinh (OAS) lần thứ 6 đã diễn ra tại Cartagena (Colombia) với sự tham dự của 33 nguyên thủ quốc gia. “Hợp tác cho sự thịnh vượng”, là chủ đề chính của Hội nghị.

Nhiều vấn đề quan trọng khác cũng được Hội nghị bàn thảo như: tình trạng căng thẳng kinh tế, buôn bán bất hợp pháp ma túy, vấn đề Cuba và quần đảo Malvinas… Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị OAS đã không thể ra tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị, khiến dư luận quốc tế quan tâm.

Chống ma túy chưa đưa lại hiệu quả

Tại Hội nghị lần này, nguyên thủ các nước Mỹ La tinh đã chỉ trích Mỹ về một số chính sách, trong đó có vấn đề chống ma túy. Một trong những điều chủ yếu khiến quan hệ giữa các nước Mỹ La tinh và Mỹ trở nên trầm trọng hơn là nạn buôn lậu ma túy mà Mỹ là điểm đến chính.

Trong những năm gần đây, các nước vùng Trung Mỹ như Salvador, Honduras và Guatemala, đã trở thành khu vực nguy hiểm nhất trên hành tinh. Tại Honduras, con số người bị thiệt mạng liên quan đến ma túy hàng năm là 174 người/100.000 dân cư.

Hội nghị OAS 6 tại Cartagena, Colombia (Ảnh: OAS.org)

Tại Mexico, cuộc chiến chống các băng đảng ma túy nơi trung chuyển 90% lượng ma túy vào Mỹ, khiến 50.000 người chết kể từ năm 2006. Ma túy được đưa từ Mexico vào Mỹ, rồi vũ khí từ Mỹ được chuyển lại qua Mexico. Một số nhóm buôn lậu ma túy được thành lập ngay tại Mỹ.

Đứng trước tình trạng này, nhiều nguyên thủ Mỹ La tinh cho rằng, cần phải thay đổi chiến lược đối phó với nạn buôn lậu ma túy, bởi cuộc chiến như hiện nay đã hoàn toàn thất bại, lượng ma túy cung cấp và tiêu thụ tăng cao chưa từng thấy kể từ 40 năm nay.

Tổng thống Colombia và Mexico - các nước nhận được hàng tỷ USD tài trợ của Mỹ cho cuộc chiến chống ma túy - đều nhận ra rằng, xã hội dân sự đã phải trả một cái giá quá đắt cho cuộc chiến này, trong khi nhu cầu của những người tiêu thụ tại Mỹ lại chính là nguyên nhân kích thích việc sản xuất và buôn lậu ma túy.

Đấu tranh cho quyền lợi của Cuba

Tại hội nghị lần này, Mỹ cũng đã đứng trước áp lực mạnh mẽ của nhiều nước yêu cầu phải mời Cuba tham dự các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của OAS. Tổng thống nước chủ nhà Juan Manuel Santos đã tuyên bố rằng “không thể chấp nhận” việc Cuba không được tham gia hội nghị của OAS.

Trong một diễn biến trước đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chaves đã nói rõ quan điểm của ông kiên quyết phản đối các hoạt động nhằm cô lập Cuba của Mỹ. Ông nói: “Chính phủ Mỹ không được quyền cô lập Cuba. Hành động đó của Mỹ đang gây bất bình trên toàn bộ lục địa châu Mỹ”. Tổng thống Chaves còn nhắc lại rằng, các nước thành viên tham gia Diễn đàn “Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và vùng biển Caribe” (SELAC) đã từng nhất trí tuyên bố chống lại chính sách của Mỹ bao vây và cấm vận kinh tế đối với Cuba. Họ tuyên bố rằng, hành động của Mỹ là bất thường và vô nhân đạo.

Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Argentina và Brazil đã từng tuyên bố tại một cuộc họp báo hồi tháng trước tại San Paolo rằng, Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Colombia lần này rất có thể sẽ là diễn đàn cuối cùng không có sự tham dự của Cuba, rằng chỉ có sự tham dự của Cuba thì diễn đàn các nước châu Mỹ mới mang đầy đủ ý nghĩa của nó.

Dư luận các nước châu Mỹ cũng đã nhận thấy rằng, trong khi Mỹ yêu cầu Cuba phải “xúc tiến quá trình dân chủ hóa và áp dụng các quan hệ thị trường”, thì Chính phủ Cuba đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong việc cải cách nền kinh tế theo hướng này và đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Vì thế, những yêu cầu buộc Mỹ chấm dứt phong tỏa kinh tế và bao vây cấm vận chống Cuba và Mỹ phải thực hiện vô điều kiện các Nghị quyết của Liên Hợp Quốc về Cuba, đã được các nước Liên minh Bolivia dành cho châu Mỹ  (ALBA) đưa ra tại các Hội nghị trước đây, nay cũng được bàn thảo tại Hội nghị lần thứ 6 này.

Điều đáng chú ý là tại hội nghị lần này, sự thống nhất chưa từng có tiền lệ phản đối chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama bị cô lập và cho thấy ảnh hưởng ngày càng suy giảm của Mỹ tại khu vực. 

Giải thích cho quyết định của mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã cho rằng ở Cuba đến nay “vẫn chưa có được một chế độ dân chủ” theo Hiến chương của OAS.

Chưa đạt được sự đồng thuận

Tổng thống Ecuador, ông Rafael Correa tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 và cả các Hội nghị tiếp theo nếu không có sự tham gia của Cuba và nhấn mạnh: “Tại các Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ đã từng đưa ra rất nhiều tuyên bố khác nhau về “dân chủ” nhưng lại không bao giờ đề cập đến dân chủ thực sự. Do đó, tất cả những tuyên bố đó chỉ là những lời nói suông mà không dẫn tới một kết quả nào”. Tuyên bố của ông Rafael Correa được dư luận các nước châu Mỹ coi như lời cảnh báo rằng chủ trương của Mỹ cô lập Cuba sẽ thất bại.

Tổng thống Argentina, Cristina Fernandez đã rời khỏi nơi họp trước khi Hội nghị kết thúc để phản đối Mỹ phủ quyết các vấn đề liên quan đến Cuba. Vì theo đề nghị tại phiên họp cuối, Cuba sẽ được phép tham dự Hội nghị thượng đỉnh OAS vào lần sau, nhưng Mỹ và Canada đã phủ quyết.

Ngay từ khi phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Juan Manuel Santos đã công khai chỉ trích cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba là “lỗi thời” và cho rằng việc Cuba tiếp tục vắng mặt tại hội nghị OAS là điều “không thể chấp nhận được”.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng thống Juan Manuel Santos cũng cho biết các bất đồng do chính sách thù địch của Mỹ đối với Cuba đã ngăn cản các nguyên thủ đạt được sự đồng thuận và đó là một kết cục đã được lường trước.

Vì thế, các nhà phân tích quốc tế cho rằng, nếu Mỹ không thay đổi chính sách áp đặt giá trị Mỹ cho các nước Mỹ La tinh, tiếp tục chính sách bao vây cấm vận đối với Cuba thì vị thế của Mỹ sẽ ngày càng suy giảm và vai trò lãnh đạo khu vực của Mỹ cũng khó mà giữ được./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực